+
Aa
-
like
comment

Vai trò của mạng xã hội, nhìn từ vụ việc chú bé Gia Bảo bị bắt cóc

24/08/2020 08:39

Kết thúc rất có hậu về vụ việc bé Nguyễn Cao Gia Bảo bị mất tích ở Bắc Ninh, trong đó, phải kể đến vai trò của truyền thông chính thống nhưng cũng không thể không kể đến đóng góp của mạng xã hội.

Vai trò của mạng xã hội, nhìn từ vụ việc chú bé Gia Bảo bị bắt cóc - 1

Như đã đưa tin, vụ việc nghiêm trọng trên xảy ra vào cuối giờ chiều ngày 21/8, khi cháu bé Nguyễn Cao Gia Bảo (sinh năm 2018) được bố đưa đi chơi ở công văn Nguyễn Văn Cừ, TP Bắc Ninh. Lợi dụng lúc người bố không quan sát được, kẻ thủ ác đã bắt cóc, đưa cậu bé về nhà trọ và ngay trong đêm, rạng sáng ngày 22/8, đưa cháu bé lên TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.

Sự việc nhanh chóng được đưa lên báo chí chính thống và lan rộng trên mạng xã hội, đặc biệt là facebook, gây nên sự phẫn nộ lớn trong dư luận về tính chất độc ác của hành vi nói trên. Có thể nói đã có tới hàng chục vạn dòng trạng thái, thông tin, lượt chia sẻ, bình luận… về vụ việc này. Rất nhiều người đưa tin lên, cả hình ảnh cháu bé và nghi phạm bắt cóc bé với hy vọng ở đâu đó, sẽ có người nhận diện được kẻ thủ ác và hình ảnh của nạn nhân để thông báo cho gia đình và cơ quan chức năng.

Và thực sự, điều đó cũng đã đem lại những thông tin hỗ trợ tích cực cho cơ quan điều tra. Cùng với những nỗ lực truy vết tội phạm, khám xét chỗ ở trọ của kẻ tình nghi, Công an tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Tuyên Quang cũng đã dựa vào hình ảnh chiếc xe máy của một nghi phạm chở cháu bé Nguyễn Cao Gia Bảo từ Bắc Ninh đi lên Tuyên Quang trong đêm, rạng sáng ngày 22/8 và từ đây đã nhanh chóng xác định địa chỉ, bắt giữ nghi phạm, tìm thấy cháu để đưa bé trở về với gia đình.

Những cố gắng, nỗ lực của Công an 2 tỉnh: Bắc Ninh, Tuyên Quang rất đáng ghi nhận và chắc chắn cán cán bộ, chiến sĩ công an tham gia điều tra vụ việc này sẽ được khen thưởng. Nhưng ở đây, chúng ta cũng đã thấy hiệu quả rõ ràng từ sự tham gia tích cực của người dân trong việc giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

Cho dù không phải mạng xã hội lúc nào cũng có những thông tin tích cực, đôi khi nó cũng có lúc cũng khá nhiều những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật và có hại. Đã từng xảy ra tình trạng những thông tin giả, câu view kiểu bắt cóc trẻ em xuất hiện không ít lần trên chính mạng xã hội.

Tuy nhiên, trong rất nhiều tình huống, như vụ việc kể trên, sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của nhiều người dân trước một hành vi tội ác, gây bức xúc lớn đã đánh thức lương tri của hàng triệu người khác và khiến tất cả mọi người cùng vào cuộc, hỗ trợ cơ quan chức năng thực thi công vụ hiệu quả hơn.

Sự việc kết thúc rất có hậu như trên chỉ là một trong số rất nhiều những vụ việc cho thấy vai trò của mạng xã hội ở Việt Nam ngày càng lớn. Ngày nay, không chỉ có báo chí, mạng xã hội, nhất là facebook đã thu hút hàng triệu người tham gia và nó đã từ lâu trở thành một kênh trao đổi, cung cấp thông tin, giám sát mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Mạng xã hội ở Việt Nam, như đã nói ở trên, dù còn có không ít những thông tin độc, hại, thậm chí sai lệch (fake news), chống phá…. rất cần cơ quan chức năng tham gia điều chỉnh cho lành mạnh hơn, nhưng nó cũng chính là “tai mắt” từ phía người dân, cung cấp thông tin, phản hồi lại các chính sách… để các cơ quan nhà nước tham khảo, điều chỉnh. Nó cũng là nơi nêu cao những giá trị , những trách nhiệm cộng đồng mà đa số người tham gia chấp nhận và chia sẻ.

Do đó, với các cơ quan nhà nước, nếu biết tận dụng, sử dụng những thông tin tích cực từ hàng triệu người tham gia mạng xã hội đem lại; có những tác động điều chỉnh, hạn chế thông tin sai lệch, vi phạm luật chơi chung… của cộng đồng, thì đó cùng là một nguồn lực to lớn, giúp hỗ trợ rất nhiều cho công tác điều hành của họ mà vụ việc trên là một ví dụ rất điển hình.

Mạnh Quân/DT

Bài mới
Đọc nhiều