Vai trò chiến lược của Việt Nam trong cuộc đối đầu giữa Mỹ – Trung
Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã trở thành một đối tác quan trọng, linh hoạt trong việc điều tiết mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo tờ The Interpreter, Việt Nam dường như đã có những bước đi đúng đắn trong việc định hướng cuộc chơi sức mạnh Mỹ – Trung ở Đông Nam Á.
Vị trí của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung
Việt Nam là một quốc gia vừa và nhỏ, tiềm lực quốc gia vẫn còn hạn chế, điều này đã quyết định cách tiếp cận thận trọng của Việt Nam trong cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ. Lịch sử đối ngoại của Việt Nam cho thấy rằng, căn cứ vào vị trí địa – chiến lược đặc thù, ngoại trừ những trường hợp bắt buộc đặc thù như là trong Chiến tranh Lạnh, thì đối sách hợp lý nhất trong quan hệ với nước lớn đó là chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa; đồng thời linh hoạt trong chính sách ‘cân bằng động’ khi quan hệ với các nước lớn. Điều Việt Nam theo đuổi, cũng như nguyên tắc xuyên suốt trong chiến lược ngoại giao của Việt Nam từ khi Đổi Mới năm 1986 đó là lợi ích quốc gia.
Trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ cũng như Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, Việt Nam đều giữ vai trò rất quan trọng. Từ góc độ địa – chiến lược, Việt Nam nằm ở “vị trí then chốt” trong cả hai chiến lược của hai nước lớn này. Vào đầu tháng 3 năm 2021, “Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời” do chính quyền Biden công bố tuyên bố rằng “họ sẽ tăng cường quan hệ đối tác với Ấn Độ và hợp tác với New Zealand, Singapore, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác để đạt được các mục tiêu chung”.
Bởi vì vị trí địa lý và ý thức hình thái, Việt Nam có vai trò quan trọng ảnh hưởng tới cuộc đua Mỹ – Trung, thậm chí còn được 1 số học giả cho rằng là ‘vị trí trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đối với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ là một mắt xích quan trọng đối với vấn đề an ninh của họ mà còn là cầu nối để chiến lược “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” tiến vào các nước ASEAN. Đối với Mỹ, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Việt Nam từng là chiến tuyến để Mỹ đối đầu với Trung Quốc và Liên Xô. Nhờ những hoạt động ngoại giao hiệu quả, vị thế và vai trò của Việt Nam trên thế giới ngày càng được nâng cao. Việt Nam có quan hệ tốt với nhiều nước đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương như: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…
Đồng thời, Việt Nam còn có mỗi quan hệ tốt với cả những nước mà Mỹ coi là ‘đối thủ’ trong khu vực như là Trung Quốc, Nga. Cả Trung Quốc, Mỹ đều hi vọng Việt Nam có thể làm sâu sắc và mở rộng hợp tác với mình trên các lĩnh vực, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi công nghiệp do mình xây dựng.
Về ý thức hình thái và giá trị quan: Là một trong những nước xã hội chủ nghĩa ít ỏi còn sót lại trên thế giới sau Chiến tranh Lạnh, điều này làm cho quan hệ của Trung Quốc và Việt Nam càng thêm xích gần nhau hơn, cùng chung tay gắng sức xây dựng xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi các diễn biến hòa bình của phương Tây. Nếu như Mỹ lôi kéo được Việt Nam đứng về phía mình, vậy thì Mỹ có thể cân bằng được lực lượng ở châu Á, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Việt Nam cũng như ASEAN, tạo thành thế bao vây Trung Quốc. Chính vì vậy, trong cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, việc giành được sự ủng hộ của Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả hai bên.
Quan điểm của Việt Nam đối với Trung Quốc – tăng cường hợp tác kinh tế, kiềm chế bất đồng
Từ khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước 1991, quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã có những bước phát triển nhanh chóng. Năm 2008, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, hai bên nhất trí phát triển “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Nga,Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Năm 2022, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới; kim ngạch thương mại hai chiều đạt 175 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ lệ nhập siêu cao. Chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng có những tín hiệu tích cực khi giá trị được cải thiện dần qua các năm. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á và là quốc gia đầu mối quan trọng để Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường”, đồng thời là cầu nối liên kết Trung Quốc với Đông Nam Á.
Quan điểm của Việt Nam đối với Mỹ – gác lại quá khứ, hướng đến tương lai
Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đây là một mốc lịch sử trong quan hệ hai nước và điều này mang lại những lợi ích cả lâu dài và trước mắt cho hai phía đồng thời đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác, phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Mặc dù có chính trị khác biệt, Mỹ vẫn nhìn nhận mối liên kết chiến lược với Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn. Chuyến thăm của Biden có vẻ là một tín hiệu cho các công ty Mỹ, bao gồm Intel, Nvidia và Apple, rằng việc đầu tư vào trung tâm công nghệ mới nổi của Việt Nam chính là tiềm năng của tương lai. Điều này càng khẳng định Việt Nam đã đang có tầm quan trọng không thể tách rời với Mỹ.
Triển vọng chính sách cân bằng nước lớn của Việt Nam
Tầm ảnh hưởng và uy tín đối ngoại của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được mở rộng. Tính đến đầu năm 2021, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 186/193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, hợp tác kinh tế – thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực, thiếp lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với 30 quốc gia, trong đó có 17 đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với các nước trên thế giới. Việc cả Mỹ và Trung đều coi trọng vị trí chiến lược của Việt Nam sẽ giúp Việt Nam có thêm nhiều không gian để Việt Nam phát huy vai trò của mình.
Trong không gian cạnh tranh chiến lược Trung Mỹ, Việt Nam với vị trí “then chốt” có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao tiềm lực đất nước. Sự điều chỉnh của các chuỗi giá trị và cung ứng công nghệ toàn cầu mang lại cho các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam cơ hội nắm bắt và tham gia vào các chuỗi này. Với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, chi phí sản xuất hợp lý, mạng lưới hội nhập quốc tế sâu rộng với 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã thực thi, Việt Nam có thể giảm sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài nếu thu hút được các nhà máy sản xuất máy móc, nguyên vật liệu, thiết bị điện tử…
Có thể nói, Việt Nam đang đối diện với bối cảnh mới với những cơ hội “vàng” trong chiến lược FOIP của Mỹ, điểm then chốt trong Sáng kiến một vành đai một con đường của Trung Quốc. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam có thể trở thành một điểm sáng trong nền kinh tế, chính trị toàn cầu như một số nước trong khu vực đã tận dụng các cơ hội giống như cơ hội hiện nay của Việt Nam.
Kết
Theo Viện Lowy, chiến lược “ngoại giao cây tre” của Việt Nam là một hướng tiếp cận linh hoạt nhưng sâu sắc trong mối quan hệ ba bên này. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu để kiểm soát chuỗi cung ứng quan trọng leo thang, vai trò của Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng.
Việt Nam có khả năng tiếp tục giữ vai trò như một bánh răng bổ sung trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, nối liền giữa nhà cung ứng nguyên liệu và nhà sản xuất tại Trung Quốc và thị trường tiêu dùng ở phương Tây. Mặc dù quan trọng nhưng vai trò trung gian này lại là một thách thức đối với Việt Nam trong việc chuyển từ một trung tâm chế biến sang một đối tác quan trọng với chủ quyền công nghệ và công nghiệp riêng biệt.
Theo Viện Lowy, chiến lược của Việt Nam mang theo những tác động quan trọng cho tương lai và cả bức tranh địa chính trị của Đông Nam Á. Sự quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ, phụ thuộc vào sự ổn định và hòa bình tiếp tục trong khu vực.
Có thể thấy chính sách cân bằng nước lớn của Việt Nam hiện tại vẫn đang đạt được hiệu quả. Tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ- Trung ngày càng gay gắt thì suy cho cùng, điều mang ý nghĩa quan trọng và quyết định nhất là Việt Nam phải bằng mọi cách, mọi biện pháp, huy động mọi nguồn lực để trước hết gia tăng nội lực, sức mạnh quốc gia tổng hợp (cả “sức mạnh cứng” lẫn “sức mạnh mềm”), để sao cho phát huy tối đa mặt thuận lợi, tận dụng tối ưu những cơ hội, giảm thiểu những khó khăn, đẩy lùi những nguy cơ có thể đến từ quan hệ với Mỹ và Trung. Nói cách khác, chỉ có thể bằng hiệu quả hoạt động của các nhân tố chủ quan thì Việt Nam mới khắc phục được những khó khăn, đẩy lùi hoặc triệt tiêu được những nguy cơ và mới biến những cơ hội thuận lợi trong quan hệ với Mỹ và Trung thành hiện thực.
Bảo Trâm