+
Aa
-
like
comment

Vài suy nghĩ về văn hóa từ chức

Đỗ Mạnh - 10/11/2020 18:12

Sáng 10/11 trả lời câu hỏi của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (còn gọi là Ksor Phước Hà – đoàn Gia Lai) về việc có ủng hộ văn hóa từ chức không và công tác cán bộ có nên đưa văn hóa này vào chưa, Thủ tướng nêu rõ, Luật Cán bộ công chức đã quy định về vấn đề từ chức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn về văn hóa từ chức trước diễn đàn quốc hội sáng 10/11/2020

Cụ thể, cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý, không đủ năng lực, không đủ uy tín theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc vì lý do khác chính đáng được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời gian bổ nhiệm. Thủ tướng nói thêm, Quyết định 1847 của Thủ tướng ký ban hành cũng nêu cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo chủ động xin thôi giữ chức khi thấy bản thân còn hạn chế năng lực, uy tín.

Về vấn đề, Thủ tưởng nêu dư luận rất đồng tình song vẫn có những ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn về văn hóa từ chức của cán bộ. Dư luận đồng tình với Thủ tướng là về mặt nhà nước đã có các văn bản quy định về từ chức. Song trên thực tế rất ít cán bộ nhận ra và dám thực hiện theo quy định này. Một điều đáng buồn nữa là số rất ít những trường hợp cán bộ xin từ chức lại là những cán bộ tốt và có tự trọng.

Ví dụ như trường hợp của ông Đoàn Ngọc Hải phó chủ tịch UBND Quận 1,được trao quyết định điều động, bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc SGCC. Tuy nhiên ông Đoàn Ngọc Hải đã ngay lập tức có đơn xin từ chức gửi Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP.HCM và SGCC.

Kế đến phải kể đến trường hợp của ông Nguyễn Sự, bí thư thành ủy Hội An, xin từ chức vào năm 2015 và cũng đã được UBND tỉnh Quảng Nam chấp nhận. Dư luận cho rằng những cá nhân này đều là những người có tâm huyết với công việc được nhân dân quý mến.

Họ hoàn toàn đủ điều kiện để chấp nhận sự phân công của tổ chức để nhận công việc theo sự điều động. Song họ không lợi dụng sự tín nhiệm của tổ chức để nhận một công việc trái với khả năng và sở trường của họ. Họ không muốn làm quan theo kiểu ông phỗng hay nghị gật. Họ là những con người đáng kính, là những người biết tự trọng cho rất nhiều người khác nhìn vào đó để học tập rèn luyện tư cách.

Dư luận cho rằng ý hỏi của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp là những cán bộ phụ trách các Bộ, Ngành mà ở đó xảy ra rất nhiều chuyện gây bức xúc trong dư luận như Bộ Giáo dục trong việc in và xuất bản sách giáo khoa tiếng việt, chuyện mua bán, sao chép các đề tài khoa học, gian lận trong thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Hay như Bộ Y tế để xảy ra quá nhiều vụ tham nhũng trong mua bán thiết bị y tế, buôn bán thuốc chống ung thư giả làm dư luận rất bất bình nhưng sao không thấy các vị Lãnh đạo các bộ có can đảm nộp đơn từ chức.

Văn hóa từ chức là nói đến ý thức cán bộ ngành khi để xảy ra lỗi mà không đủ can đảm và tự trọng để từ chức chứ không phải là nói đến văn bản quy định của nhà nước.

Nhân dân cần cái văn hóa từ chức phải thấm nhuần trong suy nghĩ và hành động của cán bộ đầu ngành. Dám làm, dám suy nghĩ và cũng dám chịu trách nhiệm về những việc mà mình được giao phụ trách. Cái mà người dân cần ở cán bộ là cán bộ dám thừa nhận yếu kém, thừa nhận sự không đủ năng lực quản lý điều hành phần việc mà mình được giao phụ trách và sẵn sàng từ chức để cho người có khả năng hơn mình đảm nhận, để làm tốt hơn mang lại lợi ích cho nhân dân, cho đất nước.

Văn hóa từ chức là văn hóa xuất phát trong tâm mỗi cán bộ, là sự biết từ chối những gì mình không đáng nhận, là sự dám nhận trách nhiệm cho những gì xẩy ra đối với bộ ngành mà mình có trách nhiệm lãnh đạo. Những lãnh đạo mà thờ ơ với những gì xảy ra trong bộ ngành mình phụ trách, đổ toàn bộ trách nhiệm cho cấp dưới của mình  thì đó là những cán bộ được hiểu là cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm và không không có văn hóa từ chức.

Văn bản quy định là cần thiết và nhất thiết phải có song văn hóa từ chức phải thấm nhuần trong mỗi cán bộ mới thực sự là quan trọng. Từ xưa đến nay ở Việt Nam việc cán bộ nộp đơn từ chức phải nói là quá hiếm. Chỉ khi cách chức cán bộ mới rời chịu khỏi nhiệm sở.

Vì vậy có thể nói rằng cái chúng ta còn thiếu chính là văn hóa từ chức. Đảng và nhà nước cần phải giáo dục để cán bộ các cấp phải hiểu để thấm nhuần văn hóa này. Từ chức là tự trọng, từ chức không có nghĩa là mất thể diện mà phải coi đó là sự dung cảm, sự trung thực.

Người dám từ chức là những người được xã hội kính trọng và nể phục. Người dám từ chức là người dám chối bỏ sự dối trá, người dám làm cho mọi thứ trở nên rõ ràng. Từ chức có nghĩa là không lươn lẹo dùng thủ đoạn để che đậy và biện minh cho sự yếu kém của bản thân mình.

Từ chức chính là sự khiêm tốn biết tôn trọng khả năng của người khác, biết những khiếm khuyết của bản thân để sửa chữa đi lên. Xã hội có nhiều người biết và dám từ chức là một xã hội văn minh, một xã hội được người dân yêu mến và tin cậy.

Vì vậy các quy định về văn hóa từ chức ở Việt Nam tuy đã có, đã được ban hành, nhưng cái mà người dân muốn là những quy định đó phải đi vào cuộc sống, là kim chỉ nam cho mỗi hoạt động của cán bộ nhà nước. Dư luận cho rằng văn bản ban hành mà không được áp dụng vào cuộc sống thì coi như văn bản chết và không có ý nghĩa

Dư luận rất hoan nghênh cách đặt câu hỏi của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (còn gọi là Ksor Phước Hà – đoàn Gia Lai). Dư luận cũng rất tâm huyết với cách trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và mong rằng đội ngũ Cán bộ các Bộ, Ngành của Việt Nam và các cấp chính quyền thấu hiểu tâm tư của đại biểu Quốc hội và mong muốn của Thủ tướng chính phủ để nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước công việc của mình được giao trách nhiệm phụ trách để thực thi với trách nhiệm và lòng tự trọng cao nhất. Sẵn sàng từ chức khi cảm thấy mình không còn đủ năng lực lãnh đạo điều hành hay phụ trách những công việc không còn phù hợp với khả năng và tuổi tác.

Văn hóa từ chức phải được đề cao như tinh thần dân tộc và hào khí Việt Nam. Khi đội ngũ lãnh đạo các cấp của Việt Nam thấm nhuần văn hóa từ chức thì chả có việc gì còn có thể cản bước dân tộc Việt Nam trở thành một quốc gia văn minh phát triển, đời sống nhân dân ấm no hạnh phúc

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều