+
Aa
-
like
comment

Vài lời về việc 1000 công dân Việt Nam tại Mỹ đăng ký về nước

Thế Khoa - 14/04/2020 12:03

Theo thông tin Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ – Hà Kim Ngọc cho biết, ngày 10-4 vừa qua, ông đã tham gia chương trình trao đổi trực tuyến giữa các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ với Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ về tình hình dịch bệnh Covid-19 và các biện pháp hỗ trợ công dân và du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Tại buổi trao đổi đã có khoảng 1.000 công dân và sinh viên Việt Nam tại Mỹ đăng ký về nước bằng máy bay thương mại của Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho biết đã chuyển các cơ quan trong nước xem xét, xử lý nhu cầu về nước của sinh viên và công dân Việt Nam tại Mỹ. Việc bố trí các chuyến bay thương mại đón công dân sẽ dựa trên cơ sở đảm bảo phù hợp với năng lực cách ly tập trung, khả năng điều trị y tế và kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ đã vận động những cơ quan sở tại Mỹ có các biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng du học sinh Việt Nam, đồng thời đề nghị du học sinh cần bình tĩnh, tuân thủ hướng dẫn của chính quyền sở tại về phòng ngừa dịch bệnh và nên tiếp tục ở lại nếu điều kiện cho phép.

Muốn về quê hương đất mẹ Việt Nam để được “chở che” cũng là nguyện vọng rất chính đáng. Họ là con dân của nước ta, là đồng bào ta. Vậy nên dù biết là để họ về nước thì nguy cơ số cả nhiễm tăng lên, nguy cơ lây lan ra cộng đồng là điều rất khó đoán định. Tuy nhiên, chúng ta không thể đứng nhìn con em mình chịu nguy hiểm khi ở lại Mỹ, trong thời điểm mà đất nước này đã mất khả năng kiểm soát dịch Covid-19. Nếu không may lây nhiễm corona thì nguy hiểm đến tính mạng vì hiện nay, các cơ sở y tế Mỹ rơi vào tình trạng quá tải. Người chết rất nhiều. Mở rộng vòng tay đón công dân về nước là điều chúng ta phải làm, điều này thể hiện tình đồng bào của chúng ta.

Còn nhớ, trong buổi họp ngày 18/03, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch chủ trì cuộc họp đã yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh xâm nhập vào Việt Nam thông qua các chính sách về xuất nhập cảnh, trên tinh thần mềm dẻo, hợp tác nhưng kiên quyết “Những trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào”.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc giao lưu cùng Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ về tình hình dịch bệnh Covid-19 và các biện pháp hỗ trợ công dân và du học sinh Việt Nam tại quốc gia này.

Đất nước Việt Nam chưa bao giờ bỏ rơi đồng bào trong dịch bệnh. Vì nghĩa đồng bào, các chuyến bay đã nỗ lực bay đến các vùng dịch để đưa người Việt về, hàng trăm tiếp viên, phi công đối mặt với nguy hiểm, phải chấp nhận cách ly sau các chuyến bay. Hàng nghìn, bộ đội sẵn sàng nhường toàn bộ giường cho người cách ly, ra ngủ ở lán trại bên ngoài, hàng ngày dậy sớm nấu ăn, phục vụ mà không một lời kêu ca. Vì nghĩa đồng bào, hàng nghìn y bác sĩ ngày đêm chiến đấu với bệnh tật để cứu người bệnh và cũng phải tự cách ly, không được về nhà, chịu sự kỳ thị của mọi người mỗi khi ra đường nhưng vẫn không một lời ca thán để hiểu được những hy sinh của họ to đến đến nhường nào. Chính phủ Việt Nam luôn hành động vì lợi ích sức khoẻ, tính mạng của nhân dân là trên hết, với quyết tâm đã được đưa ra “Chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân”.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng một số du học sinh khi về nước không chịu cách li, chê bai khu cách li, thậm chí là kêu gào, đòi hỏi và không chấp hành nghiêm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng như trước đây. Thiết nghĩ là ta phải yêu cầu họ viết bản cam kết trước khi cho về nước; nếu vi phạm thì phải bị xử lý nghiêm, không loại trừ khả năng sẽ xử lý hình sự. Hi vọng 1000 con người này khi về đến Việt Nam, phải chấp hành nghiêm, không lên giọng thượng đẳng kiểu “cô chiêu, cậu ấm”; nếu không cam kết thì mời ở lại Mỹ. Ta thương họ nhưng họ phải biết thương ta. Những người thực hiện công tác phòng chống dịch đã mệt mỏi, khổ sở lắm rồi, đừng hành hạ họ thêm nữa. Nếu không chấp hành nghiêm thì phải có biện pháp mạnh.

Thế Khoa

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều