+
Aa
-
like
comment

Vài lời gửi vị tiến sĩ toán học về chiến sự Nga-Ukraine

An Diễm - 30/04/2022 15:53

Đối với cuộc chiến Nga – Ukraine hiện tại, Việt Nam đã chọn lựa chính sách trung lập, kêu gọi hòa bình, chấm dứt sử dụng vũ lực. Thế nhưng vẫn có một bộ phận người dân trong nước có ý kiến trái chiều, đặc biệt là những người ủng hộ Ukraine như tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu.

Binh lính Nga nạp lựu đạn tên lửa vào xe chiến đấu bộ binh ở Mariupol. Ảnh: Reuters

Cuộc chiến Nga – Ukraine hiện tại gần như đang chia rẽ cả thế giới, với nhiều luồng quan điểm khác nhau vì tuy chỉ có 2 phe nhưng những lý lẽ đưa ra thì khá đa dạng. Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm của mình là kêu gọi các bên liên quan giảm căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đặc biệt, là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Quan điểm này phản ánh chính sách ngoại giao trung lập, đa phương hóa, “không chọn phe” và được thể hiện trong các lá phiếu bình chọn của Việt Nam đối với các Nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Việc mọi người có quan điểm ủng hộ Nga hoặc Ukraine cũng là chuyện bình thường xuất phát từ quan điểm cá nhân. Điều này cũng không trái với lợi ích quốc gia của Việt Nam vì chúng ta đang duy trì quan hệ tốt đẹp với cả hai đất nước Nga và Ukraine, chúng ta chỉ “không theo nước này để chỉ trích nước kia”. Thế nhưng lại có những nhân vật ủng hộ Ukraine ngấm ngầm hoặc công khai “chỉ trích” các quyết định bỏ phiếu của Việt Nam, trong đó nổi bật có tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu. Vốn là một tiến sỹ toán học “lấn sân” bình luận chính trị, ông Chu thường đưa ra nhiều thông tin khá chi tiết, tuy nhiên việc “xử lý thông tin” lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi quan điểm từ sách báo phương Tây, khiến cho ông dần dần đi sai đường lối và biến thành ngụy biện.

Trong một bài viết ngày 8/4, ông Chu nói như sau: “Có ý kiến rằng, nếu bạn không lên án Mỹ hay NATO ở cuộc chiến tranh Nam Tư, hay không lên án Israel trong chiến tranh Trung Đông, thì bạn không có quyền lên án Nga xâm lược Ukraine. Vậy lúc đó bạn có được lên án Trung Quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam không?” và ông so sánh với “Một phạm nhân giết người vẫn có thể bảo vệ một người khác trước hiểm hoạ bị mất sinh mạng.”. Ông gọi đây là “hướng thiện không có điều kiện” nhưng rõ ràng quan điểm này “bênh vực” phương Tây đến mức bất chấp sự thật, và thậm chí còn lờ đi sự thật khác là với quan hệ Nga – Ukraine, phương Tây đứng ra xúi giục người đang “bị hại”. Không thể có kiểu lập luận nước đôi, đồng ý với hành động này nhưng phản đối một hành động khác tương tự.

Một bài viết của ông Chu ngầm chỉ trích lá phiếu của Việt Nam

Khi lý luận đã không vững chắc, tất yếu ông Chu phải che đi một phần sự thật để đảm bảo không “câu nọ đá câu kia”. Ông ngầm phê phán quan điểm cho rằng cần “khôn khéo để không rơi vào chiến tranh”. Câu nói này đã được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh làm rõ với trường hợp Ukraine là biến “đất nước mình trở thành nơi xung đột quyền lực của các nước lớn”. Nhưng ông Chu lý luận như sau: “Cha ông chúng ta có “khôn khéo” không khi phải đối đầu với gần 20 cuộc chiến tranh xâm lược từ Trung Quốc? Và gần đây nhất, Việt Nam có “khôn khéo” không khi đã phải trải qua 4 cuộc chiến tranh với Pháp, Mỹ, Campuchia và Trung Quốc?”. Bản chất các cuộc đấu tranh của người Việt Nam trong lịch sử là chiến tranh nhân dân chống lại ách xâm lược của nước ngoài, hoàn toàn khác với lý do Ukraine bị lôi vào cuộc chiến hiện tại vì ý định tham gia NATO để chống Nga.

Trong khi hai quan điểm nêu trên không quá nghiêm trọng, vì chỉ là khía cạnh cá nhân, việc “xử lý thông tin” sai lệch cũng dẫn ông Chu đến những kết luận đi ngược đường lối của đất nước. Ông khăng khăng cho rằng việc bỏ phiếu của Chính phủ với 2 Nghị quyết của Liên Hợp Quốc chứng tỏ Việt Nam “về phe Nga”. Và để phản bác quan điểm này ông đã “cẩn thận” dẫn ra các số liệu về quan hệ Việt Nam – Liên Xô, Việt Nam – Nga để chứng tỏ rằng “Việt Nam đang chịu ơn Nga vì sự giúp đỡ của Liên Xô trong quá khứ, hiện nay không nên như vậy nữa vì hai nước bình đẳng”. Thực tế là Việt Nam không hề chọn phe, mà chọn lẽ phải và chính nghĩa, xem xét quan điểm của cả hai bên, và kết quả bỏ phiếu cho thấy với các Nghị quyết thì có quá nửa quốc gia bỏ phiếu trắng hoặc chống, tương đồng với quan điểm của Việt Nam.

Khi nhận ra những lập luận tuy đầy rẫy thông tin của mình chưa đủ sức thuyết phục, ông Chu tiếp tục sa vào sai lầm khi buộc phải đưa ra một so sánh khiên cưỡng giữa cuộc chiến Nga – Ukraine với việc “Trung Quốc chiếm biển đảo của Việt Nam”. Ông cho rằng Việt Nam không phản đối Nga thì sau phương Tây sẽ không bênh vực nếu Trung Quốc “hành động”. Đây là một quan điểm sai lầm và đã bị nhiều người bác bỏ, vì trên thực tế Việt Nam chưa bao giờ có ý định “dựa vào ai để chống ai” và luôn kiên trì với đường lối ngoại giao “thẳng thắn, chân thành, tin cậy, bình đẳng”. Điều này giúp chung ta luôn kiểm soát tốt các bất đồng trên biển, giữ vững quan hệ với các nước lớn trong khi duy trì tình hình khu vực ổn định để phát triển kinh tế.

Phản biện là cần thiết, và thực tế là tiến sỹ Chu cũng như nhiều người khác luôn được Nhà nước tạo điều kiện phản biện về nhiều vấn đề khác nhau, nhưng cần tránh các lỗi tư duy, đặc biệt là trong các vấn đề hệ trọng của quốc gia.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều