Nhận diện chiêu trò mượn phát biểu của Thủ tướng để tấn công chế độ
Đối với các đối tượng “dân chủ”, chống đối, cơ hội chính trị, chỉ cần một phát ngôn của lãnh đạo Nhà nước Việt Nam cũng có thể trở thành cái cớ để xuyên tạc, hướng lái tiêu cực.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 diễn ra hôm 18/01, Thủ tướng Phạm Minh Chính có nêu thực trạng: Vẫn còn đâu đó tâm lý “quyền anh, quyền tôi”, tư tưởng cục bộ “cát cứ thông tin”.
Ngay sau đó, giới “mõ làng dân chủ” mà điển hình là Việt Tân và Phạm Nhật Bình đã ngay lập tức lợi dụng thông tin để hướng lái sai trái. Chúng rêu rao cho rằng nguyên nhân của tình trạng “quyền anh, quyền tôi” là do Việt Nam theo chế độ cộng sản, chỉ có một đảng lãnh đạo. Chúng lấy một vài sai phạm của đội ngũ cán bộ, công chức để từ đó thổi phồng thành sai phạm của cả một xã hội. Từ đó, những kẻ này vẽ ra một bức tranh công quyền Việt Nam đầy u ám, tăm tối. Cuối cùng, những chiếc “nanh sói” cũng được thể hiện rõ nét thông qua luận điệu cho rằng tình trạng cát cứ, cục bộ địa phương “chỉ có thể bị chấm dứt khi người dân triệt bỏ được chế độ một đảng”. À, vậy là đã rõ. Cái đích cuối cùng đằng sau hàng loạt lời lẽ loạn ngôn cũng chỉ là nhằm chống phá chế độ, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Đánh giá một cách khách quan, đúng như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ở đâu đó trong các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương vẫn tồn tại tâm lý “quyền anh, quyền tôi”. Hay nói cách khác, tình trạng cát cứ, cục bộ mỗi nơi thực hiện một kiểu theo quy định riêng vẫn tồn tại. Một số cá nhân, đơn vị, địa phương vẫn đề cao lợi ích của bản thân dẫn đến giải quyết công việc thiếu tính liên thông, đồng bộ.
Đảng, Nhà nước ta đã nhìn thấy thực trạng này và đã có nhiều giải pháp để chấn chỉnh, giải quyết, ngăn chặn. Từ việc xây dựng chính sách, pháp luật cho đến việc triển khai trên thực tế, chúng ta đều cố gắng để dẹp bỏ những hoạt động lợi dụng quyền lực nhà nước nhằm thoả mãn lợi ích cá nhân. Đặc biệt, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi những người “quyền anh, quyền tôi” và cảnh báo một cách nghiêm khắc những người có ý định lợi dụng quyền lực nhà nước phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
Rõ ràng không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới cũng tồn tại tình trạng “quyền anh, quyền tôi”. Điều này cũng dễ hiểu bởi để quản lý nhà nước, dù ở chế độ chính trị nào thì giới lãnh đạo cũng phải xây dựng một bộ máy hành pháp từ trung ương đến địa phương. Quyền lực nhà nước được phân chia theo nhiều cấp bậc, mức độ khác nhau để đáp ứng yêu cầu quản lý. Trong khi đó, quyền lực mang bản chất tha hoá. Và việc sử dụng quyền lực phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của người đứng đầu. Khi nắm quyền lực trong tay, nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì rất dễ quyền lực bị thao túng. Vì vậy, tình trạng “quyền anh, quyền tôi” xuất hiện cũng là điều không quá khó hiểu. Ngoài ra, tình trạng cát cứ, cục bộ địa phương cũng một phần bắt nguồn từ nguyên nhân lịch sử, xã hội. Không thể có một thước đo, tiêu chuẩn để đánh đồng cho tất cả. Đơn cứ như tại Mỹ, các bang đều xây dựng hệ thống pháp luật riêng của mình. Có nhiều bang hệ thống pháp luật đối lập, khác hẳn nhau. Như vậy, nếu chỉ nhìn nhận một cách khô cứng thì phải chẳng ở Mỹ tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, cát cứ, cục bộ địa phương còn kinh khủng hơn Việt Nam gấp nhiều lần?
Chính bởi vậy, luận điệu đổ lỗi cho chế độ, cho rằng vì Việt Nam chỉ có một đảng lãnh đạo nên nảy sinh tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, “cát cứ thông tin” là phi logic, không chính xác.
Thực tế, các đối tượng chống phá luôn cố gieo rắc về một “bóng ma” mang tên cộng sản. Với những kẻ này, ở các nước chỉ có một đảng lãnh đạo thì sẽ chỉ toàn điều xấu xa, tiêu cực. Ngược lại, những gì liên quan đến chế độ tư bản, xã hội đa đảng sẽ đều là hình mẫu lý tưởng để nước khác phải làm theo. Đây là những nhận định, đánh giá hết sức chủ quan, phi lý. Ở bất kỳ xã hội nào, chế độ nào cũng sẽ có những góc khuất, bóng đen, điều chưa tích cực. Để đánh giá một xã hội, cần phải có cái nhìn khách quan, toàn diện, cả mặt tích cực và hạn chế. Đừng chỉ vì sự thù hằn với chế độ, vì những mưu đồ hẹp hòi cá nhân mà chống phá nền hoà bình, ổn định của đất nước.
Bảo An