+
Aa
-
like
comment

Vạch trần thủ đoạn “mượn gió bẻ măng” trong công tác phòng chống dịch bệnh

Đinh Thảo - 20/10/2021 20:04

Dịch bệnh rất đáng sợ nhưng nguy hiểm hơn, có những kẻ luôn sẵn sàng lợi dụng khó khăn, mất mát của người dân để “thêm dầu vào lửa”, “mượn gió bẻ măng”.

Người dân được nhận hỗ trợ rất nhiều trong mùa dịch

Mới đây, tài khoản Do Duy Ngoc đã lu loa, xuyên tạc rằng, việc người tử vong vì Covid-19 ở TP.HCM “được chính Bí thư Nguyễn Văn Nên thừa nhận. Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, thành phố đã áp dụng biện pháp khẩn cấp nhưng không tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Và nhân dân lúc đó cũng chẳng biết tình hình thật sự như thế nào bởi những biện pháp, văn bản, chỉ thị quay liên tục, thay đổi liên tục… Điều này cũng khiến cho một bộ phận nhân dân còn chủ quan nên việc ngăn chặn dịch bệnh không hiệu quả”.

Trên thực tế, tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ: Thời điểm chống dịch cấp bách, “nhìn lại lực lượng, vũ khí của thành phố không đủ để đạt mục tiêu kiểm soát dịch nên lãnh đạo thành phố đề nghị áp dụng biện pháp cao nhất là tình trạng khẩn cấp. Và sau đó, lực lượng quân đội, công an tăng cường vào thành phố để “đánh” trận cuối chống dịch. Như vậy, thành phố đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp, tuy nhiên, không tuyên bố cụ thể”.

Quay ngược tại thời điểm đó, đây là lúc TP.HCM đang áp dụng chỉ thị 16 tăng cường. Theo đó: “Tại các khu phong tỏa, thực hiện triệt để người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh”. Ngay từ khi dịch bệnh lây lan, TP.HCM áp dụng các chỉ thị giãn cách 15, 16, 16 tăng cường với mục đích hạn chế người dân đi lại. Để người dân không chủ quan, thành phố luôn vận động, thực hiện nhiều biện pháp kiểm tra, nhắc nhở nguyên tắc 5K, cấm không tụ tập đông người. Thậm chí thành phố phạt nặng với các trường hợp vi phạm, không có trường hợp ngoại lệ. Như vậy, không có chuyện vì TP. HCM không tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” mà người dân chủ quan.

Trong buổi làm việc chiều 12/10 vừa qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã chỉ ra đầy đủ những nguyên nhân dẫn đến “ngày tháng chống dịch tàn khốc”. Theo Bí thư, đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Đại dịch đã để lại nhiều bài học đau thương, bài học xương máu rất quan trọng”.

Ấy vậy mà trong bài viết, Đỗ Duy Ngọc đã bỏ qua tất cả những nỗ lực của thành phố, cũng như bỏ qua tất cả các nguyên nhân khác. Lợi dụng phát ngôn của Bí thư Nguyễn Văn Nên nhìn nhận lại về công tác chống dịch, y đã “mượn gió bẻ măng”. Lợi dụng nhãn mác “tự do ngôn luận”, y dùng khó khăn, mất mát người dân để “đổ thêm dầu vào lửa”. Mục đích là làm tăng sự bất mãn, kích động, suy giảm niềm tin của người dân.

Cuộc chiến chống dịch là cuộc chiến trường kỳ với bao khó khăn, mất mát. Sắp tới đây, với những biến thể khôn lường, cuộc chiến này còn phức tạp hơn bao giờ hết. Đáng sợ hơn, có nhiều kẻ vẫn đang rình rập, sẵn sàng lợi dụng tình hình “nước sôi lửa bỏng” để xuyên tạc, kích động tình hình. Âm mưu của chúng muốn phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, làm khủng hoảng xã hội. Chính vì vậy, người dân cần đề cao cảnh giác, tránh rơi vào bẫy tâm lý của những đối tượng trên.

Đinh Thảo

Bài mới
Đọc nhiều