Về cái gọi là lãnh đạo chống lưng cho ông Trịnh Văn Quyết
Một số đối tượng như Phạm Minh Vũ, Thái Văn Đường và các trang mạng như Việt Tân đang ra sức thêu dệt các câu chuyện xung quanh ông Trịnh Văn Quyết bị bắt giữ. Các đối tượng này lu loa rằng, “ông Quyết câu kết với nhiều lãnh đạo Nhà nước để thao túng nền kinh tế và trục lợi phe nhóm”.
Ngày 10/1/2022, thị trường chứng khoán chao đảo trước tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC đã giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc ngày 29/3, ông Quyết đã bị cơ quan điều tra khởi tố bắt tạm giam vì các hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”. Theo kết quả điều tra thì trước khi “bán chui”, chính ông Quyết đã dùng thủ đoạn tinh vi để “đẩy giá chứng khoán”. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên ông Trịnh Văn Quyết thực hiện “bán chui” cổ phiếu, ông từng bị phạt hành chính 65 triệu đồng vào năm 2017 vì hành vi tương tự.
Trong các bài viết mới đây của mình, các đối tượng Phạm Minh Vũ, Việt Tân ra sức chia sẻ lại hình ảnh ông Quyết đi cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đi khảo sát thực địa để làm khu nghỉ dưỡng của FLC vào năm 2018. Các đối tượng này cho rằng lãnh đạo tỉnh có vẻ phải “quỵ lụy” trước các yêu cầu của ông Quyết, chứng tỏ ông Quyết “cơ to” lắm. Không biết lấy nguồn tin từ đâu nhưng Phạm Minh Vũ khẳng định ông Quyết có quan hệ với lãnh đạo cấp cao, được vay vốn từ Trung Quốc nên mới phất lên nhanh thế. Một đối tượng khác là Thái Văn Đường còn cho rằng ông Quyết bị bắt là kết quả của một cuộc đấu đá phe phái giữa các lãnh đạo cấp cao, và “cơ ngơi” của FLC rồi sẽ bị “phe thắng trận” tiếp quản. Thực tế thì các luận điệu “lãnh đạo đấu đá” này đã được đồn thổi từ hết sự kiện này qua sự kiện khác và chưa bao giờ chứng minh được trên thực tế.
Sự thật là bản thân ông Quyết cũng có tài năng chứ không phải “toàn thủ đoạn” như cách các đối tượng chống phá mô tả. Khởi dựng FLC, ông Quyết và các cộng sự thành lập văn phòng luật sư SMIC vào đầu những năm 2000. Quyết định này được đánh giá là mạo hiểm vì thời điểm đó, việc tư vấn luật cho giới doanh nhân là vô cùng khó khăn. Với cương vị Tổng Giám đốc Công ty Luật SmiC, ông Trịnh Văn Quyết tham gia hàng loạt vụ tranh chấp như: Honda Vietnam tranh chấp với Công ty GMN về khoản 2,2 triệu đô la Mỹ tiền đền bù đất đai ở Hưng Yên và giúp Techcombank thắng kiện một nhóm khách hàng năm 2005… Sau 7 năm thành lập, SMIC nằm trong Top 10 hãng luật hàng đầu Việt Nam và cũng là hãng luật duy nhất được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen ở thời điểm đó. Từ luật sư rẽ ngang sang bất động sản ông cũng nhanh chóng thu được những thành công bước đầu.
Sự thật tiếp theo là việc lãnh đạo các địa phương ưu ái, mời gọi nhà đầu tư là hết sức bình thường. Lý do đơn giản là nhà đầu tư có tiền, nếu đầu tư vào địa phương sẽ mang lại nhiều lợi ích vì thế có nhiều nơi mời gọi và phải cạnh tranh nhau. Một ví dụ dễ thấy nhất chính là câu chuyện đầu tư của Samsung vào Việt Nam, họ đã nhận được những ưu đãi mà nhiều chuyên gia kinh tế gọi là “vô tiền khoáng hậu”. Cụ thể là Samsung hưởng ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư tại Việt Nam với mức thuế thu nhập DN chỉ 10% cho suốt quá trình triển khai dự án. Cùng với đó là 4 năm đầu miễn thuế và 9 năm tiếp theo được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp. Và khi đầu tư những dự án mới sau này, Samsung còn kiến nghị thêm nhiều ưu đãi hơn nữa, nhưng các địa phương đều sẵn lòng ủng hộ vì những lợi ích quá lớn mà họ mang lại.
Những dấu ấn lớn của Samsung hiện nay ở Việt Nam ở một khía cạnh nào đó cũng tương tự như câu chuyện FLC Sầm Sơn, FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn. Tác động từ những dự án lớn này đều tạo ra những hiệu ứng tích cực cho các địa phương và cả nước, vì vậy có thể hiểu cho sự “mời gọi”, thậm chí đôi khi là “nhún nhường” của các cán bộ lãnh đạo. Thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cá nhân như ông Quyết được “tự tung tự tác”, muốn làm gì thì làm. Làm tốt anh được khen, nhưng làm sai thì ngay lập tức anh phải đối diện với sự trừng phạt của pháp luật.
Được biết trong quá trình thực hiện các dự án bất động sản, ông Quyết đã nhiều lần bị các cơ quan chức năng xử phạt tiền, đình chỉ thi công, đình chỉ việc giao dịch vì các hành vi như thiếu giấy phép xây dựng, thiếu hồ sơ dự án…Trong lần đầu tiên vi phạm “bán chui” chứng khoán, ông cũng từng bị phạt hành chính để cảnh cáo. Thế nhưng ở trên “đỉnh cao” của mình, những sai lầm ngày càng lớn hơn và ông Quyết đã gục ngã vì lòng tham cá nhân. Việc một chủ doanh nghiệp lớn, giàu có lại đi “thổi giá” rồi “bán chui” cổ phiếu để chiếm đoạt khống 530 tỷ đồng là một việc không thể chấp nhận. Cũng có thể đây là hiện tượng “suy thoái đạo đức” sau khi đã có quá nhiều thành công.
Như vậy, ông Quyết bị truy tố vì những yếu kém và lòng tham của bản thân. Việc lấy vụ án này để xuyên tạc về những mối quan hệ “móc ngoặc” hay “lợi ích” với các cán bộ lãnh đạo là hoàn toàn suy diễn và không có cơ sở.
An Diễm