Vạch trần thủ đoạn gán ghép cách gọi “ông trùm” vào lãnh đạo nhà nước
Một bài viết chống phá nhằm suy diễn thể chế chính trị Việt Nam, kích động gọi lãnh đạo Nhà nước là những “ông trùm” theo cách nói của dân giang hồ.
Kể từ sau khi giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và tiếp đó là bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Dù trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đặc biệt là sự sụp đổ của khối XHCN ở Liên Xô và Đông Âu những năm 90, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nền kinh tế và đối ngoại của Việt Nam đã phát triển vượt bậc, đưa đất nước đến vị thế chưa từng có trong lịch sử. Điều này khiến các thế lực cơ hội chính trị, các đối tượng chống phá vốn từng dự đoán về sự khủng hoảng của đất nước cảm thấy khó chịu, tức tối. Họ ra sức tìm cách giải thích, “đoán già đoán non” về sự thay đổi của thể chế chính trị Việt Nam.
Có thể thấy sự bế tắc của những đối tượng này qua cách họ bình luận về thể chế chính trị Việt Nam. Trong một bài viết rời rạc, Chân Trời Mới Media vẽ ra cái gọi là “Hậu Cộng sản”, ý nói nước ta đã không còn theo con đường “xã hội chủ nghĩa nữa” mà đã đi theo cái mà họ gọi là “tư bản hỗn loạn, nửa chính khách nửa giang hồ’. Và từ đó họ ngang ngược gọi các lãnh đạo như Tổng bí thư, Chủ tịch nước và cả Bộ trưởng Bộ công an là những “ông trùm” tranh quyền đoạt lợi. Và để chứng minh cho những lập luận hết sức khiên cưỡng, tầm phào này, họ dùng những ví dụ cũng vô cùng…không liên quan. Đơn cử họ nói Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là “ông trùm” chỉ vì đã tham gia lễ hội tịch điền với chú trâu được trang trí khác thường, trong khi thực tế đây hoàn toàn là phong tục của lễ hội.
Xin khẳng định, lãnh đạo nhà nước cũng bình thường như bất kỳ ai, chịu mọi sự phân công nhiệm vụ của Đảng và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhờ đó được tín nhiệm đề cử dần lên các chức vụ cao hơn. Đơn cử như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khởi đầu là Cán bộ Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, sau đó là Chuyên viên, Phó Văn phòng, Chánh Văn phòng UBND trước khi đi lên các chức vụ cao hơn. Điều này cho thấy công tác cán bộ của Đảng được lựa chọn hết sức chặt chẽ, minh bạch, bảo đảm tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách. Không có ai đứng trên tập thể, và không thể gọi bất kỳ ai là “trùm”, có chăng đó chỉ là cách gọi của những người quá mê man trong phim ảnh.
Nếu như hình ảnh cá nhân của các lãnh đạo là “hữu hình” mà họ còn xuyên tạc như vậy thì dễ hiểu với thể chế chính trị là khái niệm “vô hình” họ còn mặc sức “nhào nặn” đến đâu. Phải thừa nhận là để đạt đến vị thế ngày nay, một số đường lối và chủ trương của đất nước đã thay đổi để phù hợp với tình hình quốc tế. Nhưng đây là sự tiến bộ, vừa tiếp thu tinh hoa, ưu điểm của thế giới, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc và từ đó chúng ta có chủ trương “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Không hề có khái niệm nào gọi là “Hậu Cộng sản”, nói thẳng ra nó phản ánh mong ước của các nhà “dân chủ” là muốn “xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam thất bại, vì chữ “Hậu” có nghĩa là “sau một thời kỳ nào đó”. Nhưng không có giấc mơ nào của các nhà “dân chủ” thành sự thật, Việt Nam xã hội chủ nghĩa vẫn đi lên, kiêu hãnh và tự hào.
Dưới phần bình luận bài viết của Chân Trời Mới Media, các “độc giả” nói mỗi người một kiểu, chẳng liên quan gì nhau. Điều này phản ánh một thực tế là lâu nay các luận điệu xuyên tạc về Việt Nam thường rời rạc, vô nghĩa và đôi khi là “câu nọ đá câu kia”. Đơn cử như khi xảy ra vụ án Việt Á, các đối tượng cũng dựng chuyện cho rằng đó là vụ án để “đấu đá quyền lợi”. Nhưng rồi mỗi “nhà dân chủ” lại suy đoán một kiểu, người này cho rằng ông đó giỏi ông kia kém, người khác lại cho rằng hai ông đó là “phe phái với nhau”. Rốt cục thì độc giả theo dõi có lẽ sẽ hoa mắt vì không biết “ông” nào đấu với “ông” nào.
Với những ngôn từ và luận điệu sai trái, chỉ nhắm mục tiêu chống phá, xuyên tạc sự thật, Chân Trời Mới Media sẽ tự làm mất uy tín của chính họ, trở thành cái loa rè chỉ biết “nhai đi nhai lại” những lập luận vô nghĩa.
An Diễm