+
Aa
-
like
comment

Thân phận thật sự của tàu Trung Quốc chuyên quấy rối ở Biển Đông

29/11/2021 09:28

Toàn bộ hoạt động này do chính phủ Trung Quốc tài trợ từ trợ cấp từ khâu đóng tàu, trợ cấp về nhiên liệu, đến lương, thưởng thuyền viên…

VÉN TẤM MÀN VỀ TÀU DÂN QUÂN BIỂN TRUNG QUỐC

Ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ dẫn nghiên cứu của CSIS cho biết, dân quân biển của Trung Quốc là lực lượng bán vũ trang, thường xuyên hiện diện ở khu vực Biển Đông. Theo hình ảnh vệ tinh thì các tàu này quấy rối hoạt động ngư nghiệp hợp pháp của nhiều nước trong khu vực.

Các tàu này thường xuyên đi kèm các đội tàu khai thác thủy sản của Trung Quốc, chủ yếu tập trung đi từ các cảng gần đảo Hải Nam và hoạt động rất nhiều trong khu vực trên biển mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền sai trái.

Theo hồ sơ của CSIS, toàn bộ hoạt động này do chính phủ Trung Quốc tài trợ từ trợ cấp từ khâu đóng tàu, trợ cấp về nhiên liệu, lương, thưởng thuyền viên…

Thậm chí khi tuần duyên Philippines tiếp cận để xử lý, những tàu này tụ tập lại với nhau để tìm cách chống đối. Họ không tìm cách trốn tránh mà còn ngang nhiên chống trả lại lực lượng hành pháp của nước khác. Rõ ràng họ không có vẻ gì là tàu cá, ông Greg Polling nói.

Nhóm tàu lớn thứ 2 nữa tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc. Hiện nay chưa có số liệu chính xác nhưng có khoảng ít nhất 300 tàu hoạt động, ông Poling cho biết.

Với số lượng lớn các tàu thế này, các hành vi ứng xử cũng gây ra rất nhiều quan ngại, chuyên gia của CSIS nói thêm

Trao đổi với phóng viên, GS Carl Thayer, Trường Đại học New South Wales nhấn mạnh, sự ổn định ở Biển Đông sẽ phụ thuộc vào việc các quốc gia liên quan quản lý tốt các tranh chấp và duy trì sự cân bằng quyền lực. Giải pháp này không giải quyết được tranh chấp nhưng nhằm làm giảm khả năng sử dụng vũ lực.

Tuy nhiên, khó khăn ở đây là Trung Quốc sử dụng “chiến thuật vùng xám”, sử dụng các tàu có vũ trang dưới vỏ bọc của các đội tàu cá. Việc sử dụng tàu quân sự và máy bay có nguy cơ làm leo thang xung đột, dẫn đến việc sử dụng vũ lực, ông Thayer cảnh báo.

NGÀY CÀNG NHIỀU NƯỚC QUAN NGẠI

Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng, việc các nước ngoài khu vực như Anh, Đức… có hoạt động ở Biển Đông cho thấy nhiều quốc gia đang quan ngại về việc Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông.

Cùng quan điểm, GS Carl Thayer, cho rằng, việc triển khai các tàu hải quân châu Âu đến Biển Đông trong năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của ba yếu tố: duy trì an toàn và bảo đảm các tuyến đường liên lạc quan trọng trên biển mà nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc; khẳng định các quyền tự do đi lại truyền thống và phản đối việc Trung Quốc sử dụng sức ép để thiết lập quyền bá chủ ở Đông Nam Á.

Và đáp trả lại, tàu Trung Quốc đã hoạt động rất nhiều ở ngoài khơi Malaysia, Indonesia và gần đây là Philippines. Nước này đang muốn nhắc nhở các láng giềng Đông Nam Á rằng, cá và tài nguyên ở Biển Đông thuộc về họ, Trung Quốc là siêu cường mới và quan hệ với Mỹ chẳng thể bảo vệ được các nước láng giềng Đông Nam Á, chuyên gia của CSIS trao đổi với phóng viên.

Nhưng có một điều đáng lưu ý mà chuyên gia này chưa lý giải được là Trung Quốc khá yên ắng ở bờ biển Việt Nam.

Các hoạt động quấy rối các nước láng giềng như Philippines, Malaysia và Indonesia của Trung Quốc, cùng với tốc độ đàm phán hiện tại khiến rất khó có khả năng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ được hoàn thành vào năm tới, ông Thayer dự báo.

Ông Thayer cũng cho biết, Văn bản đàm phán Dự Thảo COC duy nhất dài 19 trang khổ A4. Cho đến nay đã có một thỏa thuận tạm thời về Lời mở đầu, là một trang 9 dòng. Các nhà đàm phán hiện đang thảo luận về phần tiếp theo phác thảo các Mục tiêu của COC. Các phần gây tranh cãi nhất của là Các cam kết cơ bản (16 trang) – vẫn chưa được bàn thảo.

GS người Úc lưu ý, các thành viên vẫn chưa cùng nghĩ đến lợi ích của ASEAN. Các tuyên bố về Biển Đông luôn lưu ý rằng “một số thành viên” bày tỏ quan ngại chứ không phải ASEAN nói chung bày tỏ quan ngại.

ASEAN phải tự mình tìm cách cân bằng quan hệ với quốc gia siêu cường trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước can dự vào khu vực, ông Murray Hiebert nói.

Trong khi một số hướng về Trung Quốc thì một số khác hướng về Mỹ. Nhưng rất ít quốc gia “bỏ hết trứng vào một giỏ”. ASEAN muốn hợp tác kinh tế với Trung Quốc và hợp tác an ninh với Mỹ. Nhiều nước ASEAN quan tâm đến các kế hoạch phát triển kinh tế của Mỹ cho khu vực, điều có thể cân bằng vai trò thống trị của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, hạ tầng số, 5G và AI…, ông Murray Hiebert nhận định.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều