Vạch trần lý do Trung Quốc không xuất khẩu J-20: Câu hỏi liên quan tới Nga hé lộ sự thật bẽ bàng?
Trung Quốc được cho là muốn giữ bí mật chặt chẽ về J-20 khi cấm xuất khẩu sang các nước khác nhưng trên thực tế, họ còn lý do nào khác nữa không?
Tờ EurAsian Times cho rằng, bằng cách không xuất khẩu J-20, Trung Quốc đang cố gắng đưa mẫu máy bay này lên trình độ công nghệ tương đương với F-22 Raptor của Mỹ, có thể nhằm mục đích che giấu dư luận và khơi dậy niềm tự tôn dân tộc của Trung Quốc.
Lập luận kiểu: ‘Mỹ thế nào, Trung Quốc cũng vậy’?
Cuộc cạnh tranh giữa các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ, Nga và Trung Quốc có thể tác động mạnh đến thị trường xuất khẩu toàn cầu. Mỹ đã bán máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của họ cho rất nhiều quốc gia, trong khi Nga và Trung Quốc vẫn chưa tìm được khách hàng cho máy bay tàng hình của mình.
Không giống như các máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ và Su-57 của Nga, Trung Quốc đang giữ bí mật chặt chẽ về loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 J-20 khi cấm xuất khẩu sang các nước khác, giống như việc Mỹ từ chối bán F-22 Raptor.
Sau khi phát triển thành công chiến đấu cơ tàng hình J-20, đã có nhiều suy đoán rằng Trung Quốc sẽ bán J-20, ít nhất là cho các đồng minh thân cận của họ. Nhưng cho đến nay vẫn, điều đó vẫn chưa xảy ra. Vậy đâu là nguyên nhân?.
Vào năm 2014, Song Zhongping, một cựu sĩ quan của lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc nói rằng, việc xuất khẩu công nghệ quân sự tiên tiến của nước này bị cấm “nhằm giữ cho công nghệ thế hệ thứ năm của J-20 không lọt vào tay kẻ thù”.
Trung Quốc rất tự hào về máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của họ. J-20 là biểu tượng cho thành tựu công nghệ cao của Trung Quốc, có khả năng sánh ngang với phương Tây về công nghệ tiên tiến.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng, J-20 ngang ngửa với F-22 Raptor của Mỹ và thậm chí vượt trội hơn về một số mặt?
Trung Quốc cũng lập luận rằng, Mỹ không bán F-22 cho đồng minh thì Trung Quốc cũng có hành động tương tự. Nếu Mỹ chỉ xuất khẩu máy bay chiến đấu liên quân (JSF) F-35 có tính năng kém hơn thì Trung Quốc cũng chỉ bán cho đồng minh chiếc FC-31 (hay còn gọi là J-31), được cho là có cùng trình độ công nghệ và hiệu suất với F-35 .
Lý do thật sự Trung Quốc không xuất khẩu J-20
Theo báo chí chính thống Trung Quốc, có vẻ như có 2 lý do chính đằng sau việc Bắc Kinh không muốn bán J-20 trên thị trường quốc tế.
Thứ nhất, Trung Quốc lo ngại công nghệ máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của họ sẽ rơi vào tay đối phương và bị “sao chép”.
Thứ hai, Bắc Kinh muốn tránh một cuộc chạy đua vũ trang trong công nghệ thế hệ thứ năm giữa các đồng minh của họ và của Mỹ.
Bên cạnh đó, dường như còn có những lý do khác thực tế hơn mà Bắc Kinh không muốn nêu bật công khai.
Bất chấp hai thập kỷ đầu tư lớn cho các nghiên cứu liên quan đến quốc phòng, ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc đã hoạt động rất kém trên thị trường quốc tế. Năm 2020, xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Trung Quốc chỉ chiếm 5,2% tổng thương mại vũ khí quốc tế.
Vũ khí có hàm lượng công nghệ sáng tạo cao của Trung Quốc xuất khẩu rất ít, chủ yếu là xe bọc thép, pháo binh, tàu tuần tra và vũ khí hạng nhẹ. Ngành hàng không quân sự của Trung Quốc thậm chí còn hoạt động kém hơn trên thị trường vũ khí quốc tế.
Nghi vấn J-20 sao chép công nghệ của Nga, Mỹ
J-20 còn được gọi là “Mighty Dragon”, do Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thành Đô của Trung Quốc phát triển và đã được đưa vào trong biên chế Không quân Trung Quốc từ năm 2017, mặc dù nó chưa hoàn thiện về động cơ.
J-20 là loại chiến đấu cơ tàng hình một chỗ ngồi, hoạt động trong mọi thời tiết với khả năng tấn công chính xác. Máy bay cũng được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA).
Về vũ khí, J-20 được trang bị một khẩu pháo bên trong và nó có thể mang tên lửa không đối không tầm xa (AAM) PL-12C/D và PL-21.
Hai khoang vũ khí bên của máy bay có thể tích hợp AAM tầm ngắn PL-10. Ngoài ra, J-20 cũng có thể mang tên lửa đất đối không, tên lửa chống bức xạ, bom dẫn đường bằng laser và bom thả tự do. J-20 có thể bay với tốc độ 2.100 km/h và trần bay của nó được cho là đến 18.000 m.
Hiện nay dư luận đang nghi ngờ máy bay chiến đấu tàng hình của Trung Quốc chủ yếu dựa vào công nghệ chế tạo đảo ngược của Nga và công nghệ bị đánh cắp của Mỹ.
Sự phát triển của máy bay chiến đấu tàng hình J-20 đã vấp phải tranh cãi vì có những cáo buộc rằng tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp dữ liệu và thành phần thiết kế quan trọng từ chương trình F-22 Raptor của Mỹ.
NBC News đưa tin, Mỹ cáo buộc quân đội Trung Quốc đánh cắp thông tin quan trọng về thiết kế máy bay chiến đấu tàng hình của họ. Nhiều chuyên gia nêu rõ những điểm tương đồng giữa J-20 của Trung Quốc với F-35 và F-22 của quân đội Mỹ.
Justin Bronk, một chuyên gia tại Royal United Services, có trụ sở tại London cho biết, Trung Quốc đã đánh cắp thông tin thiết kế và đó là một “chiến lược nổi tiếng của Trung Quốc, để đánh cắp những gì họ có thể và thiết kế ngược lại nó”.
Các cáo buộc này đã bị Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ bằng cách gọi J-20 là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới do Trung Quốc tự phát triển.
Hạn chế về công nghệ, yếu về thương hiệu
Tại sao máy bay chiến đấu Trung Quốc lại khó xuất khẩu? – Thực tế của vấn đề là thế giới không thấy bị thuyết phục trước chất lượng của máy bay chiến đấu Trung Quốc. Do đó, chỉ những quốc gia bị trừng phạt và có nguồn lực hạn chế mới mua máy bay chiến đấu từ Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công nghệ hàng không, nhưng vẫn chưa thuyết phục các lực lượng không quân trên thế giới chi tiền để mua máy bay Trung Quốc.
Do đó, việc Trung Quốc tuyên bố không muốn xuất khẩu J-20 vì “sợ các nước khác sao chép công nghệ của mình” chỉ là một hành động ngụy tạo, nhằm vào dư luận trong nước.
Bằng cách từ chối xuất khẩu J-20, Trung Quốc đang cố gắng đưa J-20 ở trình độ công nghệ tương đương với F-22 Raptor. Hầu hết các nhà phân tích đều nhất trí rằng, J-20 không thể bằng tính năng của F-22 và F-35.
Trong khi Trung Quốc tuyên bố họ sẽ chỉ xuất khẩu FC-31 thì có thể họ đang muốn truyền tải thông điệp rằng FC-31 ngang bằng với F-35.
Vậy hãy nhìn vào chương trình F-35 của Mỹ, bất chấp chậm tiến độ sản xuất nhưng sự thành công về mặt thương mại là không phải bàn cãi, với hơn 665 máy bay hiện đang hoạt động tại 15 quốc gia và đơn hàng sẽ vẫn tiếp tục dài thêm.
Thậm chí như Indonesia, nếu bây giờ đặt mua máy bay, ít nhất phải 10 năm nữa mới nhận được F-35.
Mới nhất là vào tháng 6 vừa qua, F-35 đã đánh bại Dassault Rafale của Pháp và Eurofighter để được chọn làm máy bay chiến đấu mới của Không quân Thụy Sĩ, với hợp đồng khủng trị giá 6,5 tỷ USD. Liệu FC-31 sẽ có được thành công tương tự?
Còn sự thật là vào năm 2015, Trung Quốc đã mua 24 máy bay chiến đấu đa năng Su-35 của Nga với giá 2 tỷ USD. Tại sao một quốc gia tuyên bố máy bay chiến đấu của họ ngang bằng với F-22 và F-35 lại phải mua một máy bay chiến đấu của Nga thấp hơn cả một thế hệ?
Vậy có thể khẳng định, lý do tại sao Trung Quốc không cung cấp J-20 để xuất khẩu là vì trên thực tế, không ai mua nó. Trong khi đó, dù có 2 nguyên mẫu đã hoàn thành nhưng FC-31 vẫn chưa có “khách hàng tiềm năng”, khác xa với mẫu Su-75 Checkmate của Nga vừa xuất hiện tại MAKS 2021 vừa qua.
Trung Quốc có thể đã thực hiện một số cải tiến đáng kể trong công nghệ máy bay chiến đấu của mình nhưng trên thực tế, họ vẫn đứng sau Mỹ, Nga và châu Âu.
Có lẽ nghiêm trọng hơn đối với Trung Quốc, các sản phẩm của họ quá yếu về thương hiệu. Giống như cách mà người mua xe ô tô so sánh xe Đức, xe Nhật so với xe Trung Quốc. Do vậy các quốc gia, dù có đủ khả năng, cũng sẽ không mua máy bay chiến đấu của Trung Quốc.
Do đó, tuyên bố của ông Song nhằm vào dư luận trong nước nhằm mục đích khơi dậy niềm tự hào tinh thần dân tộc về sức mạnh công nghệ của Trung Quốc và cho thấy nước này ngang hàng với đối thủ chính là Mỹ.
Bằng chứng là các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã tuyên bố rằng, máy bay chiến đấu của Trung Quốc vượt trội hơn so với người Mỹ?
Vào tháng 1/2019, Thời báo Hoàn Cầu (ấn phẩm của Nhân Dân Nhật báo) khẳng định, một phiên bản nâng cấp của J-20, có tính năng “áp đảo” vượt trội so với F-35. Trong tháng 4/2021, Hoàn Cầu lại “nổ” khi cho rằng, động cơ mới của J-20, do Trung Quốc phát triển, mạnh hơn so với động cơ của F-22?.
Nhưng một sự thật không mấy vui vẻ với Trung Quốc, là cả J-20 và FC-31 vẫn dùng động cơ của Nga và không thể xuất khẩu, nếu không có sự đồng ý của Nga, ít nhất là trên lý thuyết.
Việc vũ khí Trung Quốc phần lớn dựa trên công nghệ của Nga đã đặt ra một câu hỏi hiển nhiên trong tâm trí của nhiều quân đội nước ngoài – tại sao lại mua vũ khí từ Trung Quốc, mà không phải trực tiếp từ Nga?
Trong khi Trung Quốc tuyên bố đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển máy bay chiến đấu của mình, thì Mỹ cũng không đứng yên. Trung Quốc cuối cùng có thể sản xuất máy bay chiến đấu tốt như máy bay chiến đấu của Mỹ nhưng để làm được điều đó, họ sẽ phải thực tế hơn là những điều mơ tưởng.
Trịnh Ngọc Tiến