+
Aa
-
like
comment

Vạch trần luận điệu xuyên tạc phát ngôn của Chủ tịch nước về vấn đề điện ảnh

Đinh Thảo - 26/10/2021 13:56

Trong chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thực trạng tình hình điện ảnh Việt Nam và những vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, nhiều đối tượng, tổ chức đã cắt ghép phát biểu của Chủ tịch nước nhằm công kích, hướng lái dư luận. 

Cụ thể mới đây, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã cắt ghép và xuyên tạc phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rằng: “Phim Việt được công chiếu gần đây không nhấn mạnh vai trò của cơ quan hành pháp và tư pháp mà chỉ toàn thấy cái ác.”

Tuy nhiên, nguyên văn trong chương trình kỳ họp thứ 2, khi đưa ra quan điểm về điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuyên Phúc đã cho rằng: “Vừa rồi, nhiều bộ phim không tốt đã xuất hiện. Những bộ phim được công chiếu cho thấy vai trò của công an, quân đội, của tòa, viện mờ nhạt đi. Tuy kết thúc có hậu những mấy chục tập phim chỉ toàn thấy cái ác”. Từ đó, Chủ tịch nước yêu cầu phim ảnh phải có cơ cấu, bố cục phù hợp, không để cái ác, cái xấu xâm nhập vào xã hội thông qua các bộ phim.

Hình ảnh trong bộ phim Người phán xử

Quan điểm của Chủ tịch nước hoàn toàn hợp lý. Hãy nhìn vào một số bộ phim đã được công chiếu trong thời gian qua. Trong đó, Người phán xử là bộ phim gây tranh cãi về những tác động tiêu cực để lại. Chính Chủ nhiệm Ủy ban Quốc Phòng An Ninh, ông Lê Tấn Tới đã thẳng thắn cho rằng, “Sau khi VTV1 chiếu phim Người phán xử thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều. Đất nước chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim thì pháp luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử cả lực lượng công an”. Chưa kể, còn nhiều bộ phim giang hồ tại Việt Nam bị chiếu tràn lan trên mạng. Trong những bộ phim này, vai trò của công an, pháp luật trở nên mờ nhạt. Thậm chí còn bị xếp sau “luật rừng”.

Như vậy, bố cục, nội dung phim cũng như khâu kiểm duyệt là vô cùng quan trọng. Trong một bộ phim, biên kịch có thể để cái ác, cái xấu đan xen để tình tiết lôi cuốn, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, các yếu tố cần phải logic, sát với thực tế. Tránh vì quá mải mê tạo sự lôi cuốn dẫn đến việc phai mờ vai trò của công lý, pháp luật, vô tình cổ súy những hành vi xấu. Đối với những bộ phim về tội phạm, có yếu tố hành động, máu me cần phải được kiểm duyệt độ tuổi chặt chẽ.

Mục đích là vậy nhưng Đài Á Châu Tự Do lại xuyên tạc lời nói Chủ tịch nước sang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Từ câu nói Chủ tịch nước, RFA xuyên tạc rằng phim Việt Nam chỉ nên đưa những cái hay, cái đẹp của công an vào mà bỏ qua những cái xấu. Lời xuyên tạc này hết sức phi lý! Mục đích RFA muốn tấn công trực diện vào ngành công an, định hướng dư luận. Từ đó, Đài Á Châu Tự Do kích động suy nghĩ tiêu cực, gây ấn tượng xấu về cơ quan hành pháp, tư pháp Việt Nam.

Tiếp đó, RFA còn xuyên tạc: “Chính quyền Việt Nam đang thảo luận các chính sách để siết chặt quản lý nền điện ảnh nước nhà nối tiếp theo các màn “phong sát” của Trung Quốc”. Đây là luận điệu hoàn toàn xuyên tạc sai với nội dung cuộc thảo luận của Quốc Hội.

Tại sao Đài Á Châu Tự Do lại cố tình lôi Trung Quốc vào vấn đề này? Tại sao lại xuyên tạc nội dung cuộc họp Quốc hội theo hướng Việt Nam sắp tới sẽ nối tiếp màn “phong sát” Trung Quốc? RFA đang muốn lợi dụng những định kiến sẵn có của một người dân về Trung Quốc để khích bác tình hình hay sao? Trong buổi thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nói rõ: “Không phải học tập theo Trung Quốc nhưng chúng ta cần nghiên cứu mặt tốt họ làm được”.

Điện ảnh là một loại hình văn hóa nghệ thuật. Mà đã là nghệ thuật thì cần mang ý nghĩa tốt đẹp, truyền bá những điều có ích, thể hiện vị trí và sự phát triển quốc gia. Với vai trò và nhiệm vụ lớn lao như vậy, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Luật pháp phải tạo ra hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển. Luật pháp không thể cản trở và làm hư hỏng điện ảnh. Ngược lại, điện ảnh cũng phải có trách nhiệm quan trọng trong việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa, truyền thống, lịch sử Việt Nam. Cao hơn, chúng ta cần đưa rộng những giá trị tốt đẹp ấy vươn tầm thế giới.

Những luận điệu mà Đài Á Châu Tự Do đưa ra hoàn toàn sai sự thật. Trang mạng này đã cắt ghép lời nói của Chủ tịch nước về vấn đề điện ảnh, từ đó, xuyên tạc sang ý nghĩa hoàn toàn khác. Không chỉ câu view, câu like đơn thuần, mục đích của Đài Á Châu Tự Do này muốn định hướng dư luận, truyền tải những thông điệp tiêu cực, gây ác cảm cho một bộ phận người dân vào lực lượng công an Việt Nam. Chính vì vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo và chọn lọc nguồn thông tin kỹ càng để tránh bị đánh lừa, kích động.

Đinh Thảo

Bài mới
Đọc nhiều