Vạch trần luận điệu chống phá
Càng đến gần Đại hội Đảng toàn quốc, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị càng táo tợn, manh động tiến hành các hoạt động chống phá chính quyền. Và dĩ nhiên, phương thức chống phá mà các đối tượng sử dụng vẫn là lợi dụng mạng xã hội, xây dựng những bài viết có nội dung lệch lạch, phản động, kích động sự thù hằn, bất tuân, phá vỡ khối đoàn kết giữa Đảng với nhân dân.
Gần đây, trên một số trang truyền thông do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị đang lan truyền bài viết với tiêu đề “Hành động cần thiết để thay đổi thể chế chính trị Việt Nam”. Ngay từ tiêu đề của bài viết, chúng ta đã thấy sự phản động, táo tợn và trắng trợn của các “anh hùng dân chủ”. Theo nội dung được đưa ra, các đối tượng kích động người dân thực hiện các hành động gồm: Không đóng thuế và không hưởng ứng bất cứ phong trào nào do Đảng đề ra; Không ủng hộ và giải tán các cuộc bầu cử đảng cử dân bầu; Tiến hành thành lập hội kín, đảng mật. Vậy là đã rõ, đằng sau những lời lẽ đầy đường mật với các khẩu hiệu đòi đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền là những mưu đồ vô cùng sâu xa về mặt chính trị.
Cẩn trọng trước những luận điệu tấn công thể chế chính trị
Thể chế chính trị một cách đơn giản có thể hiểu là cách thức tổ chức nhà nước và mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành nên nó, đặc biệt là mối quan hệ giữa chính quyền với người dân. Hay một cách khác, thể chế chính trị có thể hiểu là cách thức tổ chức và thực hiện quyền lực Nhà nước. Tùy thuộc vào tình hình, điều kiện cụ thể mà các quốc gia lựa chọn thể chế chính trị phù hợp với đất nước mình. Trong nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết của Luật quốc tế đã ghi nhận tất cả các dân tộc đề có quyền tự quyết, trong đó có quyền thiết lập chế độ chính trị và thực hiện sự phát triển kinh tế – xã hội và văn hóa của mình. Không một ai, một quốc gia nào, một thế lực nào có quyền áp đặt về chính trị, áp đặt cách thức tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước của quốc gia mình lên quốc gia khác.
Quay lại với yêu sách đòi thay đổi thể chế chính trị đang được các đối tượng rêu rao, trước hết cần khẳng định đây là luận điệu phản động, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Luận điệu đòi thay đổi thể chế chính trị không phải là mới, đây là luận điệu được các đối tượng thường xuyên đưa ra để chống phá cách mạng Việt Nam, làm thất bại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Để đánh lừa người dân, một mặt các đối tượng thổi phồng những sai phạm trong bộ máy công quyền cũng như trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và đổ lỗi nguyên nhân là do thể chế chính trị để bôi lem, làm bẩn thể chế chính trị của nước ta, khiến người dân có cái nhìn, cách đánh giá lệch lạc, phiến diện, tiêu cực về thể chế chính trị mà Đảng, Nhà nước và cha ông ta đã lựa chọn. Cùng với đó, các đối tượng cổ vũ, tung hô cho thể chế chính trị của các nước tư bản, coi đây là hình mẫu lý tưởng trong tổ chức và thực hiện quyền lực Nhà nước. Tất cả những luận điệu trên đều nhằm tiến tới đòi xóa bỏ chế độ chính trị ở nước ta, xóa bỏ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng cộng sản, đòi đa nguyên đa đảng, từ đó tranh giành quyền lực lãnh đạo đất nước.
Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền xuyên tạc thông thường, các đối tượng còn kích động người dân tiến hành các hành động chống đối một cách tiêu cực như chống phá bầu cử; bất tuân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; thành lập các tổ chức, đảng phái hòng tập hợp lực lượng chống phá cách mạng nước ta. Đây là những mưu đồ vô cùng nham hiểm, thể hiện rõ dã tâm và ý thức chống chống của các đối tượng. Những hành động mà các đối tượng đang cổ súy, kích động người dân tiến hành vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam.
Đừng tự đánh đổ công sức của cha ông
Để có được môi trường hòa bình, ổn định như hiện tại, nhiều thế hệ cha ông đã phải đánh đổi hạnh phúc, máu xương để có thể đạt được. Trong suốt chiều dài đấu tranh với thực dân xâm lược và xây dựng đất nước, Đảng cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều đó cho thấy sự lãnh đạo của Đảng với sự nghiệp cách mạng của nước ta là tất yếu, mang tính lịch sử, không gì có thể làm lung lay, thay đổi.
Các đối tượng chống phá để đạt được mục đích đòi đa nguyên, đa đảng, làm sụp đổ sự nghiệp các mạng của nước ta đã triệt để hạ bệ, bôi bẩn chế độ xã hội cũng như thể chế chính trị của Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải thấy rõ ở bất cứ xã hội nào, thể chế chính trị nào cũng tồn tại những “góc khuất” mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Chính Mẹ Nấm, một trong những đối tượng chống phá vô cùng quyết liệt cũng đã phải thốt lên: “nước Mỹ không vĩ đại như người ta tưởng”.
Là một người dân Việt Nam chân chính, mỗi người cần phải biết rõ mình là ai, mình ở đâu, mình đang có gì và mình cần những gì. Đừng để những lời nói hoa mỹ đánh lừa dẫn đến bị dắt mũi, tự tay mình phá tan những thành quả cách mạng mà cha ông ta đã lựa chọn.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả