+
Aa
-
like
comment

Vạch trần lá bài tẩy của RFI, RFA, ‘Việt Tân’ để xuyên tạc Nghị định 15 của Chính phủ

Văn Dân - 23/04/2020 15:57

Nghị định 15/2020 của Chính phủ vừa ban hành được coi là cơ sở pháp lý quan trọng để răn đe, xử lý tình trạng bát nháo thông tin trên “chợ trời” mạng xã hội. Trong đó, điều 101 quy định mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Nhanh như chớp mấy “nhà dân chủ” giãy như “đỉa phải vôi”… 

Nghị định 15/2020 của Chính phủ vừa ban hành được coi là cơ sở pháp lý quan trọng để răn đe, xử lý tình trạng bát nháo thông tin trên “chợ trời” mạng xã hội.

Đài RFI liền lu loa: “Covid-19: Giới nhân quyền lo ngại nghị định mới của Việt Nam về tin giả”. Kẻ tung người hứng trang FB “Việt Tân” cáo buộc: “Nhà cầm quyền ban hành Nghị định 15 xâm phạm quyền tự do ngôn luận”. Đài RFA thậm chí còn giật tít: “Nghị định mới về xử phạt người đưa tin giả có vi hiến?”. Nội dung cùng một mô típ cáo buộc rằng, “điều khoản trong Nghị định 15 xâm phạm Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định: ‘Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Đọc vào một nửa sự thật đó, không tỉnh táo thẩm định lại nguồn dẫn nhiều người dễ lọt bẫy luận điệu trên.

Bởi, Điều 25 Hiến pháp 2013 có quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Tuy nhiên, Điều 25 cũng quy định rất rõ, VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUYỀN NÀY PHẢI ĐẢM BẢO KHÔNG XÂM PHẠM ĐẾN LỢI ÍCH AN NINH QUỐC GIA, TRẬT TỰ XÃ HỘI… Vậy nhưng, RFI, RFA, và cả FB “Việt Tân” khi trích dẫn đã cố tình lờ đi quy định này. Với thủ đoạn này chúng đã cố tình lập lờ đổi trắng thay đen nhân danh nhân quyền để bao che hành vi phá hoại nhân quyền, làm nhiễu loạn xã hội, xâm phạm nhân quyền của người khác. Nhưng dù chúng có trăm mưu ngàn thủ đoạn thì sự thật cũng chỉ có một. Chưa cần đến dư luận lên tiếng, ngay trong chính bài viết “Nghị định mới về xử phạt người đưa tin giả có vi hiến?”, nhân vật được phỏng vấn, luật sư Hà Huy Sơn khi chia sẻ quan điểm về Nghị định 15, đặc biệt là điều khoản xử phạt tin giả đã khẳng định rất rõ: “Cái đó KHÔNG CÓ GÌ LÀ TRÁI VỚI HIẾN PHÁP cả bởi vì tung tin giả mạo cũng ảnh hưởng đến xã hội khi cần cũng phải ngăn chặn việc đó“.

Luận điệu sai trái xuyên tạc của Đài RFA

Qua đây, càng minh định rõ hơn thực tế hoàn toàn không có chuyện pháp luật Việt Nam nói chung, trong đó có Nghị định 15 “vi phạm quyền tự do ngôn luận báo chí, sử dụng Internet, mạng xã hội” như một số luận điệu. Thậm chí, có những sự vụ người dân thông qua kênh facebook phản ánh đúng sự thật như vụ Phó chủ tịch HĐND huyện không đeo khẩu trang, văng tục khi đo thân nhiệt ở Bình Phước; vụ nam thanh niên cưỡng bức người phụ nữ vô gia cư ở quận 5, TPHCM… cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc điều tra làm rõ. Thực tế những gì đang diễn ra đã cho thấy rất rõ, Nhà nước ta chỉ nghiêm trị những kẻ lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc, vu cáo cơ quan tổ chức, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích cộng đồng.

Tự do ngôn luận ngoài đời thực lẫn trên mạng xã hội là quyền không thể chối cãi được của mọi cá nhân, nhưng tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do vô tổ chức – mà nó đi kèm nghĩa vụ của mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm với những phát ngôn do mình đưa ra, kể cả trên mạng xã hội. Và một khi đạo đức không còn đủ khả năng điều chỉnh hành vi của các cá nhân trên mạng xã hội cho đúng chuẩn mực, thì lúc ấy những quy chế, những đạo luật sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình một cách nghiêm khắc nhất.

Có tật giật mình, sở dĩ các thế lực thù địch ráo riết kích động dư luận trong và ngoài nước xuyên tạc Nghị định 15 bởi từ đây, Nhà nước ta có thêm một công cụ pháp lý hữu hiệu để ngăn ngừa, xử lý những kẻ xấu đang tìm cách lợi dụng không gian mạng để chống phá chế độ, Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Song dù là không gian mạng hay trong đời sống xã hội sản xuất kinh doanh thường ngày, đây là vấn đề có tính nguyên tắc, không có sự ngoại lệ nào trên không gian mạng để đưa cái mũ nhân quyền, tự do internet lên che đậy cả.

Văn Dân

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều