Vạch trần kế ly gián TP.HCM và các địa phương trên cả nước
Câu chuyện TP.HCM đóng góp về ngân sách Trung ương 82% và chỉ giữ lại 18%, trong khi đó, tỷ lệ đóng góp của thành phố vào ngân sách cả nước ngày càng tăng đã được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề cập một lần nữa tại Hội nghị Thành ủy TP HCM lần thứ 4 vừa qua. Trước đó người đứng đầu TP.HCM từng kiến nghị Trung ương tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại để có thêm nguồn lực bứt phá mạnh mẽ, tạo tính lan tỏa cho cả vùng, kèm theo lời cam kết nếu tỷ lệ ngân sách giữ lại cao hơn thì TP.HCM sẽ kiếm được nhiều hơn cho ngân sách Trung ương. Nhiều chuyên gia kinh tế rất ủng hộ kiến nghị của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thế nhưng tài khoản FB mang tên Đỗ Ngà lại đăng bài hàm ý cho rằng TP.HCM đang bị “bóc lột” và “không được đầu tư đúng mức”.
Như đã biết TP.HCM luôn là địa phương có nền kinh tế năng động, phát triển bậc nhất tại Việt Nam mà nói như Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân “Thành phố đã giữ vững được vị trí là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước”. Trong năm 2019, tổng thu ngân sách Nhà nước trên toàn địa bàn Thành phố là 409.923 tỷ đồng, đây là mức thu kỷ lục. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt khoảng 6.500 USD, cao hơn cả thu nhập bình quân đầu người của cả nước (khoảng 2.800 USD). Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM đạt mức tăng trưởng 7,86%, cũng cao hơn so với mức tăng trưởng của cả nước (7,02%). GRDP của thành phố đóng góp đến 22,27% cho GDP của cả nước. Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước của thành phố tăng 9%, trong đó thu từ xuất nhập khẩu tăng 12%. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tăng 30%. Không chỉ vậy, TP.HCM có 5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù, tỷ lệ giữ lại ngân sách của TP.HCM là thấp nhất nhưng nhìn chung các con số tăng trưởng đều cao hơn hẳn bề mặt chung của các tỉnh thành khác, thậm chí là cao hơn mức trung bình của cả nước. Hơn nữa, Thành phố mang tên Bác vẫn đang chứng minh mình thực sự là “đầu tàu” kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà tổng thu ngân sách của TP.HCM năm 2019 bằng tổng thu ngân sách của 55 tỉnh/thành trong cả nước. Với tốc độ phát triển kinh tế ổn định, tăng trưởng cao, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đặc biệt là sở hữu nguồn lao động dồi dào, tay nghề cao, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn TPHCM là điểm đến. Theo thông tin được biết thì năm 2019, thành phố đã thu hút được hơn 8 tỷ USD đầu tư nước ngoài, đưa TP.HCM trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 390.000 doanh nghiệp (chiếm tới 52% trong tổng số doanh nghiệp trên cả nước), chỉ trong năm 2019, thành phố đã có số lượng doanh nghiệp mới thành lập hùng hậu (hơn 44.000 doanh nghiệp). Gần như những tập đoàn quốc tế hùng mạnh hay những thương hiệu nổi tiếng thế giới đều quy tụ về thành phố mang tên Bác như Samsung, LG, Capitaland, Unilever, AEON, Prudential,… Thật là thiếu sót nếu như nói về sự phát triển, nguồn thu ngân sách TP.HCM mà không nhắc đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đây là sân bay hiện đại nhất cả nước với năng lực vận chuyển 30-40 triệu hành khách/năm, đứng top 30 trên tổng số 70 sân bay do Skytrax xếp hạng. Không chỉ mạnh về hàng không mà thành phố cũng sở hữu cảng biển Cát Lát chiếm gần 50% thị phần cả nước. Và ít ai biết rằng TP.HCM cũng được ưu tiên tiên phong trong việc xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp, hình thành Trung tâm giao dịch chứng khoán, phát triển hệ thống ngân hàng cổ phần, xây dựng các khu đô thị hiện đại, phát triển thị trường Khoa học công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển,… Cũng giống như Hồng Kong hay như Singapore, mặc dù TP.HCM không phải tự sản xuất tất cả các mặt hàng nhưng đây là nơi trung chuyển vận chuyển một khối lượng hàng hóa rất lớn của khu vực phía nam xuất khẩu đi các nước.
Trong buổi làm việc với UBND TP.HCM, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã cho biết, TP.HCM có tổng dự án ODA lớn nhất cả nước, có tới 9 dự án lớn, chiếm khoảng 70% trong tống số vốn ODA giai đoạn 2016-2020. Điều này càng chứng minh Thành phố vẫn đang nhận được sự quan tâm đầu tư đúng mức của Trung ương chứ không hề có chuyện “con bò vắt sữa”. Với vị thế “đầu tàu” nền kinh tế cả nước thì TP.HCM như một “đứa con cưng” nhận được sự chăm sóc, đầu tư, ưu tiên đặc biệt để khẳng định vững chắc vị trí dẫn đầu của mình và mang niềm tự hào, lợi ích cho “đại gia đình chung”. Vì vậy, tổng thu ngân sách của TP.HCM hiện nay không chỉ riêng của thành phố mà gần như là thu hộ thêm cho cả nước và các tỉnh thành chưa được ưu tiên nhận dự án ODA.
Hơn nữa, để Thành phố có thể tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho cả nước, Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép Thành phố áp dụng một số cơ chế đặc thù trong quá trình phát triển và TP.HCM đã có 2 năm triển khai cơ chế đặc thù. Trong đó có những điều khoản có lợi cho việc thu ngân sách của TP.HCM như việc hưởng 100% số thu từ các khoản chênh lệch hoặc hưởng 50% số thu do bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hoặc được hưởng số thu từ việc cổ phần hóa, thoái vốn từ các doanh nghiệp nhà nước. Số tiền thu được do Thành phố quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng. Rõ ràng, nếu không có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển thì TP.HCM sẽ khó có thể đạt được những thành tựu lớn như vừa qua. Vì vậy, đừng chỉ nhìn con số tỷ lệ ngân sách giữ lại mà vội thêu dệt “thành phố bị bóc lột, không được đầu tư đúng mức” hay “ngân sách dành cho địa phương khác tiêu xài hoang phí”.
Không phủ nhận, tỷ lệ giữ lại ngân sách của TP.HCM đang ngày càng thấp và nên có sự tính toán lại để Thành phố tăng nguồn lực bứt phá, tạo động lực kích thích các tỉnh/thành khác tăng tốc phát triển, cùng hướng đến hoàn thành mục tiêu tăng trưởng chung của đất nước năm 2020 là 6,8%. Thay vì góp ý, đưa ra những luận điểm thuyết Trung ương giúp tăng tỷ lệ giữ lại ngân sách cho TP.HCM thì Đỗ Ngà lại thêm thắt, xuyên tạc nhằm ly gián TP.HCM với các địa phương khác và công tác điều hành, quản lý kinh tế của chính quyền. Đây quả là một hướng tấn công xuyên tạc khá mới của những kẻ chống đối, cơ hội chính trị hiện nay. Bởi lẽ, nếu chỉ lướt qua thì rất dễ “mùi mẫn” theo luận điệu của chúng nhưng ngẫm lại sẽ thấy cả “bồ dao găm” đâm chọt bên trong. Vì vậy, ông bà ta có câu “đừng trông mặt mà bắt hình dong” là như vậy.
Đặng Trường