+
Aa
-
like
comment

Cú bẻ lái xuyên tạc Bộ Công an trước thềm Đại hội 13 của Bùi Thanh Hiếu

Đặng Trường - 26/08/2020 23:50

Như một thói quen của kẻ vô công rồi nghề, vừa qua, Bùi Thanh Hiếu đã chia sẻ bài viết cho rằng “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hợp tác với Bộ trưởng Tô Lâm để lật đổ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, đồng thời vu cáo Bộ trưởng Tô Lâm ngày càng bành trướng quyền lực trong bộ máy chính quyền.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Tô Lâm cùng tham dự hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương.

Nói về việc Bộ Công an sắp xếp, điều chuyển Giám đốc Công an các tỉnh thành bị Bùi Thanh Hiếu xuyên tạc người đứng đầu ngành Công an “vượt quyền, bành trướng quyền lực” mới thấy xấc xược, láu cá làm sao. Bùi Thanh Hiếu dường như đã cố tình lờ đi những quy định Điều Khoản được ghi rõ trong Luật Công an nhân dân. Cụ thể, theo Điều 4 của Luật CAND về “Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân” đã ghi rõ “Lực lượng CAND được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an”. Hơn nữa, theo Điều 18, Điều 19 của Luật CAND thì “Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đơn vị trực thuộc Bộ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Công an xã, phường, thị trấn và các đơn vị còn lại trong CAND”, “Bộ trưởng Bộ Công an là người chỉ huy cao nhất trong CAND”.

Cần lưu ý một điểm quan trọng, tuy Bộ trưởng Bộ Công an là người ký quyết định điều động, bổ nhiệm giám đốc công an các tỉnh nhưng quyết định này là từ tập thể Bộ Công an, trong đó đứng đầu là Đảng uỷ Công an Trung ương  (cơ quan lãnh đạo Đảng trong lực lượng CAND). Mà trong đó Đảng ủy Công an Trung ương không chỉ có Bộ trưởng, các Thứ trưởng mà còn có cả Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thế nên, việc điều động, bổ nhiệm các giám đốc công an là quyết định của tập thể, có kiểm tra, giám sát của tập thể, có sự suy xét của nhiều lãnh đạo. Từ đó có thế thấy rằng, công tác nhân sự của Đảng nói chung, hay công tác điều động, bổ nhiệm của Bộ Công an nói riêng đều rất khoa học, chặt chẽ và minh bạch.

Hiệu quả thực tế đã được chứng minh rõ ràng. Thời gian qua, chúng ta đã thấy Bộ trưởng Tô Lâm đã ký rất nhiều quyết định điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh chuẩn xác, kịp thời. Chỉ trong năm 2019, Bộ Công an đã điều động bổ nhiệm 23 giám đốc công an tỉnh, trong đó, có những địa bàn được ví như “chảo nóng” về an ninh trật tự như Đồng Nai, Thái Bình. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi Đại tá Vũ Hồng Văn và Thượng tá Nguyễn Thanh Trường lần lượt được luân chuyển, bổ nhiệm về làm Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai và Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình thì tình hình an ninh trật tự tại các địa phương đã có nhiều khởi sắc. Điển hình là vụ bóc gỡ băng nhóm “xã hội đen” chuyên bảo kê, cho vay nợ, hành hung người tại trụ sở công an ở Thái Bình do vợ chồng Đường Dương cầm đầu. Tại Đồng Nai là hàng loạt các tụ điểm ăn chơi, tệ nạn xã hội tại các quán bar, vũ trường bị đánh sập; hàng loạt cán bộ, lãnh đạo các Phòng ban Công an tỉnh bị kỷ luật. Mới nhất là vụ triệt phá băng nhóm do vợ chồng Loan “cá”, Tuấn “cá” cầm đầu. Để rồi từ đó, địa bàn Đồng Nai trở nên yên bình hơn; TP.Thái Bình cũng như vậy, một Đường Nhuệ từng coi trời bằng vung bỗng chốc trở nên khúm núm trước tòa, một mụ vợ hống hách nay lại khóc như mưa. Tất cả đều là kết quả của việc điều chuyển.

Sau nhiều Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai bị kỷ luật cách chức thì lần lượt nhiều trưởng phòng Công an tỉnh này cũng lần lượt bị cách chức.

Đáng nói là, việc Bộ Công an quyết định điều chuyển Giám đốc công an tỉnh không chỉ thổi luồng sinh khí mới vào bộ máy quản lý an ninh trật tự địa phương mà nó còn góp phần chặt đứt những mối quan hệ thân hữu tại địa phương, chặt đứt những bàn tay đen đứng sau giúp sức cho các đối tượng làm bậy, góp phần đảm bảo tốt hơn quyền lợi của nhân dân. Những quyết định của Bộ Công an không khác gì một cuộc cách mạng thu nhỏ tại địa phương, vậy mà trong mắt của Bùi Thanh Hiếu, bỗng chốc nó trở thành là “vượt quyền, bành trướng quyền lực”.

Đường Nhuệ bị tuyên án kịch khung sau khi Công an tỉnh Thái Bình có tân Giám đốc.

Không phủ nhận, Giám đốc Công an tỉnh thường là người nằm trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy nên việc điều chuyển cán bộ chắc chắn cần có sự thông báo trước cho chính quyền địa phương nắm rõ chủ trương, tình hình. Nhưng đó là phần thủ tục, là hình thức để các bên phối hợp quản lý địa phương tốt hơn chứ bên chính quyền không có quyền hạn ra quyết định điều chuyển lãnh đạo, cán bộ thuộc lực lượng CAND. Vậy nên, những lời lẽ đâm thọt của Bùi Thanh Hiếu càng làm lộ rõ dã tâm ly gián chính quyền địa phương với ngành Công an chứ không chỉ đơn thuần là công kích cá nhân Bộ trưởng Tô Lâm.

Cả nước đang đoàn kết chung tay chống dịch Covid-19, các cấp chính quyền vẫn đang hoàn tất công tác chuẩn bị Đại hội 13. Trong khi Bùi Thanh Hiếu ở tận trời Tây không đóng góp được gì tốt đẹp cho đất nước thì lại ngày đêm rắp tâm dựng chuyện xuyên tạc, vẽ ra trăm ngàn thuyết âm mưu nhằm khơi gợi cái nhìn méo mó trong người dân về bộ máy chính quyền, những người lãnh đạo chủ chốt của đất nước và cản trở tiến trình diễn ra Đại hội 13. Thử hỏi, một kẻ rời bỏ Việt Nam, sẵn sàng mang quốc tịch nước khác thì có quyền gì can dự, đâm chọt về chuyện trong đất nước?

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều