+
Aa
-
like
comment

Vạch trần âm mưu lợi dụng vấn nạn buôn bán người nhằm kích động người dân

Đinh Thảo - 17/11/2021 14:37

Lợi dụng lòng tin người dân, đội lốt xuất khẩu lao động, các đối tượng thực hiện hành vi buôn bán người sang nước ngoài. Đây là câu chuyện không hề mới mẻ. Nhưng nguy hiểm hơn, có những kẻ lợi dụng những người bị hại để xuyên tạc pháp luật Việt Nam, vu khống nhà nước bao che cho các tội ác đó.

Mới đây, VOA Tiếng Việt đăng tải bản tin “LHQ kêu gọi Việt Nam trấn áp nạn buôn bán người lao động sang Ả Rập”.Theo đó, VOA đã trích dẫn lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc: Chính phủ Ả rập Xê út và Việt Nam cần áp dụng các biện pháp và chính sách hiệu quả để phòng, chống buôn bán người và bảo vệ người lao động bị buôn bán. Tuy nhiên, VOA Tiếng Việt lại xuyên tạc: “Việt Nam chưa đưa ra phản ứng chính thức nào trước lời kêu gọi chuyên gia Liên Hợp Quốc”. Mục đích các đối tượng muốn xuyên tạc Việt Nam không “bảo hộ công dân”, bao che cho các hành động vi phạm pháp luật, trái đạo đức. Từ đó, VOA Tiếng Việt muốn lợi dụng nhân quyền để kích động một bộ phận dân chúng.

Xin khẳng định, Việt Nam không bao che các hành buôn bán người sang nước ngoài trái phép. Đồng thời, đã có rất nhiều vụ án bị đưa ra xét xử để răn đe hành vi buôn bán người. Đối với các trường hợp nạn nhân tử vong, bị bóc lột lao động tại nước ngoài, Việt Nam đã làm việc với Đại sứ quán để tìm ra nguyên nhân, đồng thời đưa ra các phương án giải quyết.

Trên thực tế, thực trạng người lao động Việt Nam bị bạo hành, bóc lột tại Ả rập Xê út không còn là câu chuyện mới mẻ. Ngay từ năm 2017, ông Đặng Phú Sỹ, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đưa ra các khuyến cáo: “ Người lao động muốn đi XKLĐ tại Ả rập Xê út cần tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường, điều kiện làm việc, sinh hoạt, văn hóa, các điều khoản trong hợp đồng… Người lao động chỉ nên đi qua các công ty được Bộ LĐ- TB- XH cấp phép XKLĐ và có hợp đồng cung ứng sang thị trường Ả rập Xê út được Cục Quản lý lao động chấp thuận”. Đồng thời, ông Sỹ cũng đưa ra thông tin, đường dây kết nối mà người lao động tại Ả rập Xê út có thể liên hệ nếu gặp vấn đề phát sinh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và lực lượng Công an. Theo thống kê từ năm 2015 đến 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ, 1.700 đối tượng, lừa bán 3000 nạn nhân. Thủ đoạn các đối tượng chủ yếu lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ, cả tin và mất cảnh giác của nạn nhân và gia đình.

Càng ngày, thủ đoạn mua bán, sử dụng lao động trái phép ngày càng tinh vi và khó phát hiện. Chính vì vậy, chúng ta cần sự đồng lòng, nỗ lực của toàn dân nhằm đẩy lùi tệ nạn này. Ít nhất, mỗi người dân cần đề cao cảnh giác, tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng để tránh làm mồi nhử của các đối tượng xấu.

Nếu thật sự quan tâm đến người dân, VOA Tiếng Việt nên đưa ra các thông tin cảnh báo hữu ích. Đằng này, đối tượng lại lợi dụng nạn nhân xấu số để xuyên tạc pháp luật Việt Nam. Liệu, VOA Tiếng Việt đang thật sự thương xót cho nhân dân, hay, đối tượng chỉ chăm chăm kích động để thực hiện mưu đồ riêng của mình?

Lợi dụng mất mát, đau khổ của người khác để xuyên tạc, thực hiện hành vi kích động là âm mưu hết sức thâm độc, cần phải lên án. Trước nguồn thông tin tràn lan, thiếu chính xác trên mạng xã hội, người dân cần cảnh giác hơn bao giờ hết.

Đinh Thảo 

Bài mới
Đọc nhiều