Vạch trần âm mưu bình phẩm về nhân sự cấp cao của Đảng
Càng gần đến Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, các cá nhân, tổ chức thù địch lại không ngừng đưa những thông tin bóp méo, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bên cạnh việc đưa ra những dự đoán về nhân sự đại hội, những đối tượng này còn giở trò bình phẩm về những nhân sự cấp cao của Đảng nhằm chống phá nhà nước.
Có thể nói, hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội Đảng là việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng (gọi tắt là thông qua các văn kiện) và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng (gọi tắt là công tác nhân sự). Hai nội dung này liên quan chặt chẽ với nhau, đều phải chuẩn bị thật tốt, đặc biệt việc chuẩn bị nhân sự Đại hội có vị trí, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội.
Và lợi dụng điều này, những đối tượng phản động đang tích cực chống phá ở 2 phương diện trên, đặc biệt chúng nắm bắt được tâm lý tò mò của người dân, ra sức xuyên tạc bôi nhọ nhân sự cấp cao của Đảng, nhất là những cán bộ vừa được bổ nhiệm. Lợi dụng thời gian này, Đảng và Nhà nước ta liên tục hoàn thiện bộ máy nhân sự, liên tục bổ nhiệm các nhân sự cấp cao nên chúng triệt để sử dụng Internet phát tán tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và cá nhân các đồng chí lãnh đạo.
Sau khi lãnh đạo HĐND thành phố Hà Nội cho biết tại kỳ họp bất thường sáng 25/9, sau khi thực hiện bãi nhiệm chức danh chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung, HĐND thành phố sẽ bầu chức danh chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020. Nhân sự được giới thiệu để bầu chủ tịch UBND thành phố là ông Chu Ngọc Anh, phó bí thư Thành ủy Hà Nội.
Ngay lập tức trên các trang mạng xã hội, nhiều bài viết chĩa thẳng vào ông Chu Ngọc Anh, thậm chí chúng còn xuyên tạc, chế giễu diện mạo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng nếu ông làm Chủ tịch TP. Hà Nội sẽ làm xấu mặt thủ đô. Nhưng thực tế, chọn người làm nhân sự lãnh đạo đâu phải chỉ có mỗi nhân tướng. Một người trình độ tiến sĩ vật lý, giảng viên Đại học Bách khoa, không thể nói là không có trình độ, một người hơn 20 năm làm công tác quản lý, không thể nói họ không có kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch một thành phố. Sâu xa hơn, từ việc ông Chu Ngọc Anh được dự kiến sẽ được bầu làm chủ tịch UBND TP Hà Nội, những kẻ chống phá còn xuyên tạc rằng có sự tranh giành phe phái ở đây từ đó gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong dư luận. Đây là thủ đoạn lợi hại của các đối tượng.
Thực tế, câu chuyện ai làm vị trí này, ai được bổ nhiệm vị trí kia nhất là đối với những vị trí quan trọng, cấp cao luôn là mối quan tâm lớn của nhân dân cả nước. Việc bình luận, đánh giá khác nhau theo chủ ý của mỗi người cũng là điều dễ hiểu, theo cảm nhận và suy nghĩ riêng không ai giống ai. Đó là quan điểm và quyền của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, việc đưa ra những thông tin sai lệch, nguỵ biện nhằm bôi nhọ, khích bác hạ bệ hình ảnh, năng lực của người khác là điều đáng lên án. Chúng thường phát tán các thông tin, hình ảnh, clip giả tạo, sai lệch, biến không thành có, thật giả lẫn lộn, gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận xã hội. Từ đó hòng tác động đến nhận thức, tâm lý, tư tưởng, tình cảm của nhân dân, cán bộ, đảng viên. Đó là âm mưu thâm độc khiến người dân rất dễ mắc bẫy về nhận thức và hành động, gây hại đất nước.
Có thể nói nhân sự cấp cao là một mắt xích cực kỳ quan trọng của Đảng. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là lựa chọn, bố trí sai một số cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là cấp cao nhất. Cán bộ cấp cao không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đối với bất kỳ quốc gia hay thể chế chính trị nào, để xây dựng, bầu ra bộ máy lãnh đạo của đảng thì công tác tiến hành lựa chọn, bầu cử bộ máy lãnh đạo, người đứng đầu dưới hình thức nào (từ dân chủ trực tiếp hay gián tiếp) là việc bình thường.
Lẽ nào, những điều hiển nhiên như vậy cũng là tranh giành phe phái hay sao? Rõ ràng, công tác nhân sự Đại hội đặc biệt là nhân sự cấp cao là vô cùng quan trọng nhưng cũng hết sức phức tạp, khó khăn, nặng nề, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, khách quan, công tâm đặt lợi ích của quốc gia – dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Đại hội XIII của Đảng là một sự kiện chính trị rất quan trọng, thời gian tới những kẻ chống phá sẽ ra sức tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để chống phá. Chính vì thế, chúng ta cần nhận thức rõ thực chất của những việc làm trên vẫn là những chiêu trò cũ rích mà họ đã sử dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta trong các kỳ đại hội trước đây. Mục đích cuối cùng của những chiêu trò ấy mới nghe tưởng chỉ nhằm vào từng cá nhân đơn lẻ, nhưng xét cho cùng, vẫn là nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, hạ thấp uy tín lãnh tụ, uy tín cán bộ, đảng viên để chống phá chế độ, chống phá dân tộc ta.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả