+
Aa
-
like
comment

Vạch mặt và trừng trị thủ phạm khiến những làng quê bị vùi lấp

Hạ Trắng - 29/10/2020 11:47

Cùng với đống đổ nát, những làng quê trắng khăn tang, tiếng kêu khóc đưa cả lên trời là gì?

Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực hết sức tìm kiếm nạn nhân mất tích

Là những căn nhà toàn gỗ, trong đó ghê gớm nhất, ngạo nghễ nhất là căn lâu đài gỗ của một người đứng đầu kiểm lâm một tỉnh xứ Quảng đã bị báo chí vạch mặt chỉ tên vào mấy năm trước và sau đó thì chìm nghỉm.

Báo ứng của việc phá rừng là trận lũ, sạt lở khiến bao nhiêu người bị vùi lấp. Mới đêm qua thôi, một làng thuộc Nam Trà My ở Quảng Nam bị đất đá vùi lấp.

Ngay sau khi được tin này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện trong đó yêu cầu Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hiện trường sạt lở ở Trà My.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, thông tin ban đầu cho biết, một quả đồi ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã bị sạt lở, vùi lấp một ngôi làng có 11 hộ dân sinh sống, khoảng 45 người, 4 người may mắn thoát nạn. Ngoài ra, tại thôn 1, xã Trà Vân (Nam Trà My) có 8 người bị vùi lấp. Từ trung tâm xã vào hiện trường có ít nhất 3 điểm sạt lở, chưa thể tiếp cận. Đến 23h đêm, lực lượng chức năng đã tìm thấy 7 thi thể. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Công an, Quân khu 5 họp khẩn tại Trụ sở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam để bàn biện pháp cứu hộ cứu nạn vụ sạt lở tại xã Trà Leng.

Công tác cứu hộ diễn ra nhanh chóng.

Theo Phó Thủ tướng, những sự cố này dù lường trước được sạt lở đất do mưa lũ kéo dài ở vùng núi, rõ ràng vẫn rất khó đoán định. Bão vào chủ động ứng phó được nhưng sạt lở đất rất khó khăn, không chỉ Quảng Nam mà các địa phương khác đều như vậy.

Lực lượng địa phương cứu hộ gồm quân đội và công an và chia thành 2 cánh để triển khai tìm kiến 2 điểm sạt lở. Ngoài ra, Bộ GTVT hỗ trợ mọi phương tiện thiết bị cần thiết nhanh nhất (máy xúc máy ủi), Bộ Y tế phối hợp để cấp cứu, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường. Bộ Quốc phòng giao Quân khu 5 là lực lượng nòng cốt để ứng trực. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Trong quá trình tìm kiếm cứu nạn phải hết sức chú ý đảm bảo an toàn. Từng ngày từng giờ phải cố gắng làm thế nào cứu được người dân gặp nạn”.

Sạt lở kheiens nhiều nhà dân sập đổ.

Đến sáng nay (29/10) ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam cho biết: Hiện đã tìm được 8 nạn nhân tại thôn 1, xã Trà Leng. Có 2 hộ gia đình sợ quá chạy lên rừng. Số lượng không nhiều như thông tin ban đầu. Như vậy, tới thời điểm này đã tìm được 16 thi thể. Tang thương bắt đầu bao phủ cả ngôi làng ở Trà My.

Còn nhớ 3 năm trước, vào ngày 19/7/2017, tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX, với sự nhất trí tuyệt đối của 53/53 đại biểu có mặt đã thảo luận và thông qua nghị quyết bổ sung quy hoạch 4 thủy điện vừa và nhỏ ở huyện Nam Trà My, trong đó có thủy điện Trà Leng. Hàng trăm ha rừng đã và sẽ bị phá cho 4 thủy điện này. Không biết mấy cái thủy điện này có phải là nguyên nhân trực tiếp của thảm họa này hay không, nhưng chắc chắn thảm họa gây ra từ nạn phá rừng.

Trà My từng là căn cứ địa kháng chiến của Khu 5, rừng nguyên sinh vô cùng rậm rạp, nay đã bị phá dần thưa thớt. Những cánh rừng nằm xuống để công trình kinh tế sừng sững đứng hiên ngang không nói làm gì nhưng có không ít kẻ phá rừng, buôn bán gỗ lậu. Thật căm ghét những kẻ tàn phá tài nguyên của đất nước, dù họ là ai, nhất định cũng phải tìm ra để có bài học răn đe thích đáng và cảnh tỉnh kịp thời. Không thể để rừng nằm xuống và kèm theo chúng là bia tưởng niệm của những cái chết bị vùi lấp được.

Hoàng Linh

*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều