Vaccine Covid-19 Việt Nam được nghiên cứu như thế nào?
Vaccine Covid-19 được đánh giá qua 5 giai đoạn nhằm chứng minh hiệu quả bảo vệ, độ an toàn, theo tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty Vabiotech, đơn vị nghiên cứu vaccine.
– Quy trình nghiên cứu, đánh giá vaccine của Việt Nam như thế nào?
– Có ít nhất 5 công đoạn trong quá trình phát triển vaccine. Đầu tiên, các nhà nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn dự tuyển vaccine. Mục tiêu là lựa chọn trong phòng thí nghiệm vùng kháng nguyên có tính sinh miễn dịch và an toàn khi sử dụng trên người sau này.
Sau đó, vaccine được đánh giá tiền lâm sàng, tức là đánh giá hiệu quả thử nghiệm trên động vật. Khi an toàn trên động vật, vaccine tiếp tục được đánh giá trên người. Khâu này gồm ba giai đoạn 1, 2 và 3 gồm thử nghiệm trên hàng chục người, hàng trăm người và hàng nghìn người.
Khi đạt thử nghiệm trên người, vaccine được cấp phép và được sử dụng đại trà. Tuy nhiên quá trình đánh giá chưa dừng lại. Các chuyên gia nghiên cứu và phát triển vaccine sẽ tiếp tục đánh giá để đảm bảo vaccine đủ an toàn khi được sử dụng rộng rãi trên người.
Nhà sản xuất nào cũng phải trải qua quy trình phát triển vaccine 5 giai đoạn như vậy. Chúng tôi cũng không ngoại lệ, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) luôn tuân thủ chặt chẽ quá trình phát triển, đánh giá vaccine trên động vật, trên người, cấp phép và theo dõi sử dụng sản phẩm.
– Những khó khăn nào xuất hiện trong quá trình nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19?
– Vaccine là sự đánh đổi giữa nguy cơ và lợi ích. Nếu vaccine gây nguy cơ ảnh hưởng thấp, trong khi lợi ích mang lại nhiều như cộng đồng được bảo vệ, miễn dịch, thì nước nào cũng mong muốn trong thời gian ngắn nhất có vaccine.
Tuy nhiên, dù có yêu cầu về tốc độ, mặt thời gian ra sao, yếu tố an toàn của vaccine phải đặt lên hàng đầu. Trong đó, đánh giá quan trọng nhất của vaccine là tìm hiểu mức độ bảo vệ và nguy cơ trên nhóm người có nguy cơ lây nhiễm. Vaccine sẽ bảo vệ nhóm có nguy cơ lây nhiễm như thế nào, liệu khi tiêm vaccine họ có bị bệnh nặng hơn hay không… rất cần câu trả lời cho những câu hỏi này.
Vaccine Covid-19 đặc biệt hơn, do cơ thể không chỉ có miễn dịch đơn thuần bằng kháng thể mà còn có miễn dịch tế bào – nguồn gốc của những phản ứng mạnh hơn trong cơ thể, ví dụ cơn bão Cytokine khi nCoV tấn công. Vì vậy sản xuất vaccine phải rất thận trọng, cân bằng giữa đáp ứng miễn dịch kháng thể và miễn dịch tế bào.
Vaccine phải có hiệu quả bảo vệ trên người. Hiệu quả bảo vệ của vaccine được xác định dựa trên đối tượng sau tiêm vaccine mắc bệnh hoặc không mắc bệnh, trên các cơ địa khác nhau. Vì vậy, việc thử nghiệm vaccine cần rất nhiều tình nguyện viên ở độ tuổi và cơ địa khác nhau. Nếu số lượng quá ít và không ở vùng có virus lưu hành, nhà nghiên cứu sẽ không nhìn thấy được hiệu quả bảo vệ hoặc tình trạng bệnh sau khi tiêm vaccine, chưa thể hiện được hết các phản ứng ở nhiều cơ địa khác nhau. Rất cần thiết nhìn thấy và xác định tỷ lệ gây ra các phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine.
Ngoài ra, kết quả đánh giá sẽ chính xác hơn khi thử nghiệm vaccine với nhiều người, độ tuổi đa dạng. Ví dụ, liệu các đối tượng nhạy cảm như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai… có được dùng vaccine không, an toàn không.
Vaccine còn cần đạt tiêu chí bảo vệ trong thời gian dài, ít nhất 6 tháng trở lên. Thời gian thử nghiệm cũng cần kéo dài để đánh giá đạt tiêu chí này hay chưa. Nếu nghiên cứu mới chỉ có 2-3 tháng, liệu có ổn không khi cho phép sử dụng vaccine và nhiều câu hỏi khác sẽ còn bỏ ngỏ.
– Đánh giá của ông về các vaccine tiềm năng của nước ngoài như thế nào?
– Chúng tôi sẽ xem xét các vaccine, như của Nga chẳng hạn, ở khía cạnh có đủ số liệu hoặc minh chứng rõ ràng trong các thử nghiệm lâm sàng hay không.
Hiện nay, Vabiotech chủ yếu xem xét về cách đánh giá và kết quả đánh giá ở trên người của các vaccine Covid-19 trên thế giới. Qua đó, chúng tôi xây dựng cách thức đánh giá của vaccine Covid-19 Việt Nam ở người. Song song với quá trình phát triển vaccine, chúng tôi học cách thử nghiệm vaccine của Đại học Oxford, adenovirus vaccine của Trung Quốc hoặc Nga. Adenovirus dùng trong sản xuất vaccine là loại virus thông thường, không còn khả năng phát triển hoặc lây nhiễm. Virus này được sử dụng làm chất nền để gắn những protein gai đặc hiệu của nCoV trên bề mặt, giúp hệ miễn dịch nhận diện và chống lại nCoV.
Bên cạnh đó, nhóm đang nghiên cứu các quy định của Việt Nam dành cho vaccine đại dịch. Trước đây, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một cần tiến hành trên hàng chục người, lâm sàng giai đoạn hai trên hàng trăm người và lâm sàng giai đoạn ba trên hàng nghìn người. Số lượng thử nghiệm có thể nhiều hơn hay ít hơn, tùy thuộc vào thời điểm đưa ra vaccine, vaccine sử dụng làm đối chứng, loại vaccine sẵn có khác trên thị trường khi thử nghiệm.
Nếu có vaccine khác để so sánh, ta sẽ rút ngắn thời gian hơn, số lượng thử nghiệm ít hơn, vì vaccine khác đã có kết quả rồi. Nếu như thực sự phải nghiên cứu vaccine từ đầu, nghiên cứu kỹ lưỡng từng chỉ số thì sẽ mất nhiều thời gian. Và quan trọng nhất, vaccine phải được đánh giá trong vùng có dịch, vì như vậy mới thấy rõ hiệu quả bảo vệ.
– Vaccine Covid-19 Vabiotech đang nghiên cứu ở giai đoạn nào?
– Tại Vabiotech, sau khi có kết quả thử nghiệm dự tuyển vaccine trên chuột, nhóm đang phát triển sản xuất vaccine từ quy mô phòng thí nghiệm sang quy mô sản xuất lớn hơn. Vaccine đại dịch cần số lượng rất lớn. Công nghệ sản xuất trước đây chỉ có thể đáp ứng 10-20 triệu liều một năm, trong khi vaccine đại dịch có thể cần đáp ứng 10-20 triệu liều một tháng. Không thể sản xuất cầm chừng hoặc sản xuất số lượng ít, sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu, đây là thách thức với nhóm nghiên cứu.
Khi có quy trình sản xuất ở quy mô lớn hơn, chúng tôi sẽ quay lại đánh giá trên động vật. Tối ưu hóa trong sản xuất như thế nào là yêu cầu cực khó. Đây cũng là thách thức nữa với chúng tôi, bởi chưa từng phát triển hay sản xuất vaccine đại dịch trước đây.
Nhóm nghiên cứu đang cố gắng ít nhất đến cuối năm nay sẽ xong quá trình đánh giá quy mô sản xuất lớn, có sản phẩm thử nghiệm trên động vật. Sau đó, sẽ mất ít nhất 1-2 tháng để đánh giá hiệu quả trên động vật. Chúng tôi mong muốn không chỉ thử nghiệm trên động vật ở Việt Nam mà còn đánh giá đối chứng trên động vật ở nước ngoài, ví dụ Mỹ. Dự tính cuối năm nay sẽ hoàn tất và có thể tiến hành thử nghiệm trên người vào năm sau.
Nhóm nghiên cứu đang cố gắng phát triển vaccine nhanh nhất có thể. Vaccine này không nhằm chạy đua với thế giới mà hướng tới đáp ứng nhu cầu trong nước, tự chủ, làm nền tảng để phát triển vaccine đại dịch, đối phó các chủng virus corona cũng như các tác nhân gây bệnh khác trong tương lai.
Chúng tôi lựa chọn công nghệ gene trên vector virus, tức là sử dụng một virus không gây bệnh làm vỏ, bên trong cài đặt vùng gene của virus gây bệnh, tạo thành giá thể để đưa vùng kháng nguyên của virus này vào cơ thể, tạo đáp ứng miễn dịch, để sản xuất vaccine Covid-19 của Vabiotech.
Vector virus giúp tận dụng kinh nghiệm làm vaccine cũ như cách làm nhân nuôi tế bào, nhân nuôi và tinh chế virus… đồng thời tiếp cận với công nghệ tái tổ hợp mới tạo ra các protein sẵn có tiêm vào trong cơ thể, phù hợp với điều kiện của những nước đang phát triển trong sản xuất vaccine đại dịch.
Chi Lê/ VNE