Vaccine Covid-19 của UAE đang được Bộ Y tế xem xét cấp phép hiệu quả thế nào?
Vaccine nội địa của UAE Hayat-Vax là loại vaccine bất hoạt với hiệu quả bảo vệ đạt 79,34%, tỷ lệ tạo ra kháng thể trung hòa chống lại virus SARS-CoV-2 đạt 99,52%.
Đặt trụ sở chính tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), G42 Medications Trading LLC (G42) được biết đến là tập đoàn điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo hàng đầu, chuyên phát triển và triển khai các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực y tế, hàng không, tài chính, năng lượng…
Chính lẽ đó, G42 đã trở thành nhân tố quyết định, giúp UAE phát triển trong cơn càn quét toàn cầu của đại dịch COVID-19, trong đó, việc tự sản xuất vaccine COVID-19 bản địa đầu tiên của UAE chính là chiếc chìa khóa.
Vaccine này mang tên Hayat-Vax, trong đó Hayat có nghĩa là “sự sống” trong tiếng Arab.
Trong bối cảnh khẩn cấp yêu cầu đối phó với đại dịch toàn cầu, các vaccine COVID-19 khi thực hiện các thử nghiệm lâm sàng với sự đa dạng về sắc tộc là yếu tố rất quan trọng nhằm khẳng định tính an toàn, hiệu quả của vaccine khi sử dụng tại các quốc gia, khu vực khác nhau trên toàn thế giới.
G42 đã tiến hành thử nghiệm 4Humanity, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đầu tiên trên thế giới, với sự tham gia của hơn 43.000 tình nguyện viên đến từ 125 quốc gia, để kiểm chứng và đảm bảo sự đa dạng về sắc tộc trong ứng dụng sản phẩm vaccine này.
Hiện nay, thử nghiệm lâm sàng 4Humanity được xác định bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH) là thử nghiệm lâm sàng được thực hiện trên các quần thể đa dạng nhất, qua đó đảm bảo tính ứng dụng toàn cầu của vaccine Hayat-Vax.
Vaccine Hayat-Vax là loại vaccine SARS-CoV-2 bất hoạt, sở hữu nhiều ưu thế vượt trội, được sản xuất bằng việc nuôi virus SARS-CoV-2 trong môi trường nuôi cấy rồi sử dụng hoá chất để bất hoạt virus.
Đáp ứng miễn dịch từ vaccine bất hoạt không chỉ tập trung vào mục tiêu là protein vỏ, mà còn các thành phần khác của virus. Khi đi vào cơ thể, vaccine được thực bào bởi các tế bào miễn dịch là các tế bào trình diện kháng nguyên (APC).
Công nghệ sản xuất vaccine bất hoạt mang lại kết quả tuyệt đối không có thành phần sống trong vaccine, điều này đồng nghĩa với việc không còn chứa bất kỳ hiểm hoạ của mầm bệnh trong các sản phẩm, an toàn hơn rất nhiều so với công nghệ vaccine sống giảm độc lực (lav).
Vaccine Hayat-Vax đã được Bộ Y tế và phòng ngừa của UAE (MOHAP) cấp phép lưu hành chính thức ngày 30/3/2021 dựa trên các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm cho thấy vaccine đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả.
Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho thấy vaccine SARS-CoV-2 bất hoạt (Tế bào Vero) có hiệu quả bảo vệ và an toàn tốt ở những người khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên, tiêm hai liều, liều thứ hai cách 14 ngày, sản phẩm là dung dịch bán trong suốt, có thể dùng đường tiêm bắp (IM), với hiệu quả bảo vệ đạt 79,34%, tỷ lệ tạo ra kháng thể trung hòa chống lại virus SARS-CoV-2 đạt 99,52%.
Tác dụng phụ rất phổ biến là đau tại chỗ tiêm, tác dụng phụ thường gặp là sốt thoáng qua, mệt mỏi, nhức đầu, tiêu chảy; đỏ, sưng, ngứa và chai cứng ở chỗ tiêm và tác dụng phụ không phổ biến là phát ban da tại chỗ tiêm; buồn nôn và nôn, ngứa tại chỗ không tiêm, đau cơ, đau khớp, buồn ngủ, chóng mặt.
Cho đến nay, không quan sát thấy có phản ứng phụ nghiêm trọng nào liên quan đến vaccine COVID-19 Hayat-vax.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Sri Jayewardenepura, Sri Lanka cho biết hơn 95% trong số 282 người được nghiên cứu đã tạo ra kháng thể trong vòng hai tuần sau khi tiêm mũi thứ hai.
Theo các nhà nghiên cứu này, 81% đã phát triển các kháng thể đặc hiệu có khả năng vô hiệu hóa virus ở các mức độ tương tự như các kháng thể được thấy sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Các ước tính hiện tại của chính phủ UAE cho thấy hai liều vaccine có thể cung cấp khả năng miễn dịch trong 4-6 tháng.
Bên cạnh đó, một trong những lợi thế rất lớn của vaccine Hayat-Vax là có thể trữ trong tủ lạnh bình thường ở nhiệt độ 2-8 độ C, không yêu cầu điều kiện bảo quản âm sâu như nhiều vaccine khác.
Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với các nước đang phát triển khi mà nguồn lực về cơ sở vật chất để trữ một số lượng lớn vaccine ở nhiệt độ âm sâu còn hạn chế.
Tại Việt Nam hiện đã có 6 vắc xin được cấp phép khẩn cấp, bao gồm vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Johnson& Johnson (vaccine Janssen), Sinopharm và Sputnik V. Nếu được cấp phép khẩn cấp, đây sẽ là vaccine thứ 7.
Thanh Vân