+
Aa
-
like
comment

Vaccine Corbevax: Món quà giúp thế giới “bình đẳng” và chấm dứt đại dịch

Bảo Trâm - 05/01/2022 10:18

Trang y tế Scientific American vừa có bài viết, dẫn tuyên bố của Trung tâm phát triển vắc xin thuộc Bệnh viện Nhi Texas cho biết họ đã sẵn sàng triển khai vaccine Covid-19 mới với chi phí thấp là Corbevax.

Theo đó, trong khi biến thể Omicron đang dần lây lan mạnh mẽ khắp các châu lục, các nhà sản xuất vaccine Covid lớn nhất còn bận tranh cãi về con đường đưa vaccine tiếp cận toàn cầu, thì loại vaccine giá rẻ do Trung tâm phát triển vắc xin thuộc Bệnh viện Nhi Texas hợp tác phát triển cùng trường y nổi tiếng Baylor College of Medicine ra đời với hy vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho sự bất bình đẳng về vaccine Covid-19 trên toàn cầu.

Vaccine Corbevax là một loại vaccine rất đặc biệt, được mệnh danh là “Vaccine Covid-19 của thế giới”: Nó là vaccine Covid đầu tiên được sản xuất để dành cho tất cả mọi người trên thế giới. Không bằng sáng chế, không ràng buộc, tất cả vì mục tiêu chung là sức khỏe của nhân loại.

Trên thực tế, Corbevax có những đặc điểm khác biệt, giúp nó trở nên phù hợp để sử dụng ở những nơi có cơ sở vật chất nghèo nàn. Các chuyên gia cho biết nó an toàn, hiệu quả và dễ sản xuất với sản lượng rất cao. Chưa hết, nó rất dễ lưu trữ với chi phí cực rẻ. Các nhà sản xuất vaccine mong rằng loại vaccine này sẽ được sử dụng ở những nước có thu nhập thấp và trung bình tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latin – những nơi đang bị mất cân bằng vaccine trầm trọng.

Được biết, Corbevax vừa hoàn thành hai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, với sự tham gia của hơn 3.000 người trong độ tuổi từ 18-80 tại 33 điểm nghiên cứu trên khắp Ấn Độ.

Kết quả thử nghiệm giai đoạn III cho thấy Corbevax an toàn, dung nạp tốt và hiệu quả. Với chủng virus gốc, kết quả thử nghiệm cho thấy Corbevax có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa mắc Covid-19 có triệu chứng. Với biến chủng Delta, con số này là hơn 80%.

“Vaccine công nghệ protein đã được sử dụng rộng rãi để ngăn ngừa nhiều bệnh khác, đã được chứng minh an toàn và có tính kinh tế với chi phí thấp trên toàn thế giới”, bà Maria Bottazzi, một trong những tác giả nghiên cứu, nói.

Corbevax sử dụng các mảnh protein gai của virus SARS-CoV-2, được bào chế từ tế bào nấm men bằng công nghệ 40 năm tuổi, tương tự công nghệ bào chế vắc xin viêm gan B.

Khi so sánh với AstraZeneca – vaccine của ĐH Oxford, Corbevax thậm chí còn tạo ra nhiều kháng thể chống lại biến thể Delta và Beta hơn.

Chi phí sản xuất Corbevax cũng nằm trong số rẻ nhất, vì áp dụng công nghệ phổ biến và các nhà phát minh không có ý định kiếm tiền từ nó. Việc hàng trăm triệu người đã tiếp nhận vaccine viêm gan B cho thấy một bộ phận đông đảo có thể sẽ chấp nhận loại vaccine mới này. Các chuyên gia cho rằng nếu có một loại vaccine đủ an toàn, hiệu quả với chi phí thấp, việc chần chừ tiêm chủng sẽ được giảm bớt.

Trong năm 2022, các nhà sản xuất hy vọng rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên hợp Quốc sẽ tiến hành phân phối thành công Cprbevax ra toàn thế giới. Đây là một bước quan trọng đối với cuộc chiến chống lại Covid-19 toàn cầu hiện nay.

Tuần trước, Chính phủ Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Corbevax. Nhóm nghiên cứu Corbevax tại Texas cho biết hiện họ đang làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để được phê duyệt vaccine này.

“Nhu cầu về vaccine an toàn, giá rẻ cho các nước có thu nhập từ trung bình đến thấp là trung tâm của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên thế giới”, nhóm nghiên cứu viết trong thông cáo báo chí.

“Nếu không tiêm chủng rộng rãi cho dân số ở nam bán cầu, các biến chủng mới của virus sẽ xuất hiện, cản trở tiến độ đã đạt được nhờ các loại vắc xin hiện có ở Mỹ và các quốc gia phương Tây khác”, nhóm nêu thêm.

Ông Peter Hotez và bà Maria Bottazzi dẫn dắt nhóm nghiên cứu vắc xin COVID-19 Corbevax – Ảnh: TEXAS CHILDREN’S HOSPITAL’S CENTER FOR VACCINE DEVELOPMEN

Tính đến nay, đã có hơn 9,21 tỉ liều vaccine được tiêm trên toàn cầu, trong đó 58% dân số thế giới được tiêm ít nhất 1 liều. Tuy nhiên, chỉ 8,5% dân số ở các nước thu nhập thấp được chủng ngừa.

“Sự thất bại toàn cầu trong việc chia sẻ bình đẳng vaccine đang ảnh hưởng đến những nước nghèo nhất và những người dễ tổn thương nhất trên thế giới”, WHO cho biết.

Gần đây, Công ty sinh học Biological E. của Ấn Độ đã được chuyển giao công nghệ sản xuất Corbevax. Hiện Biological E. đã sản xuất được 150 triệu liều Corbevax, và dự tính sẽ sản xuất thêm hơn 1 tỉ liều trong năm nay.

“Chúng tôi không có kế hoạch kiếm tiền từ Corbevax, nó là món quà cho thế giới”, ông Peter Hotez, một trong các tác giả nghiên cứu, chia sẻ trên Twitter.

Bảo Trâm (Theo Scientific American)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều