Vắc xin COVID-19 giả hoành hành tại Ấn Độ
Lừa đảo y tế liên quan COVID-19 đang bùng phát với đủ hình thức, chiêu trò. Mới nhất, Ấn Độ triệt phá đường dây lừa đảo tiêm vắc xin COVID-19 giả cho hàng ngàn người.
Chúng tôi bắt cả bác sĩ. Họ sử dụng một bệnh viện để cung cấp lọ vắc xin giả, ống tiêm và giấy chứng nhận giả.
Ông VISHAL THAKUR (quan chức cấp cao của Sở cảnh sát Mumbai) cho biết
Theo Đài CNN, cảnh sát Ấn Độ đã bắt 14 người với cáo buộc lừa đảo và các tội danh khác liên quan vụ tiêm nước muối thay vì vắc xin tại ít nhất 12 điểm tiêm chủng tư nhân ở 2 thành phố Mumbai và Thane (bang Maharashtra) và thành phố Kolkata, bang Tây Bengal trong hai tháng qua.
Trục lợi hơn 20.000 USD
Những kẻ đứng đầu đường dây lừa đảo, trong đó có các chuyên gia y tế, bị cáo buộc đã thu từ 10-17 USD một liều vắc xin giả. Tổng cộng, theo báo New York Times, họ đã thu lợi bất chính hơn 20.000 USD từ hơn 2.600 nạn nhân.
Ông Vishal Thakur, quan chức cấp cao của Sở cảnh sát Mumbai, cho biết sẽ có thêm nhiều vụ bắt giữ khác trong thời gian tới. Nhà chức trách Ấn Độ vào cuộc điều tra sau khi một số nạn nhân nghi ngờ giấy chứng nhận tiêm chủng của họ là giả và báo cảnh sát.
Một số người nói họ bắt đầu nghi ngờ khi không thấy thông tin của họ xuất hiện trên cổng thông tin theo dõi tiêm chủng trực tuyến của chính phủ. Tên bệnh viện trên giấy chứng nhận cũng không khớp với các bệnh viện mà các điểm tiêm chủng giả tuyên bố trực thuộc.
“Chúng tôi nghi ngờ không biết mình thật sự được tiêm Covishield hay bị tiêm glucose hoặc vắc xin hết hạn” – bà Neha Alshi, nạn nhân của đường dây tiêm chủng giả, viết trên Twitter. Covishield là tên vắc xin COVID-19 của Hãng AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ.
Ông Siddharth Chandrashekhar, một luật sư tại Mumbai, đã nộp đơn kiện lên Tòa án tối cao Bombay ngày 24-6. Ông kêu gọi chính quyền cấp địa phương và cấp bang cần hành động ngay “để những người vô tội không bị lừa trong tương lai”.
Lừa đảo y tế không phải chuyện mới tại Ấn Độ. Trong đợt bùng dịch vừa qua, nhiều kẻ trục lợi đã nhắm vào nhóm người bệnh COVID-19 dễ tổn thương để chào bán thuốc và bình oxy giả. Cho tới nay, Ấn Độ đã có hơn 30,6 triệu ca bệnh, trong đó có hơn 400.000 ca tử vong.
Châu Á “khổ” với Delta
Trong khi đó, biến thể Delta (phát hiện lần đầu tại Ấn Độ) đang tiếp tục hoành hành ở nhiều nước châu Á.
Theo Hãng tin Reuters, Chính phủ Bangladesh buộc phải gia hạn đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhất của nước này tới ngày 14-7 để ngăn chặn sự gia tăng các ca bệnh mới liên quan đến biến thể Delta. Các bệnh viện tại Bangladesh đang quá tải bệnh nhân COVID-19, nhất là các khu vực giáp biên giới Ấn Độ.
Tại Đông Nam Á, theo Reuters, một quan chức cấp cao Indonesia cho biết nước này đang chuẩn bị các cơ sở y tế dự phòng cho tình huống xấu nhất – khi số ca bệnh theo ngày chạm ngưỡng 40.000 – 50.000 ca.
Indonesia đã liên tục lập kỷ lục về số ca bệnh theo ngày trong 10/15 ngày qua. Nước này cũng ghi nhận hơn 500 ca tử vong trong nhiều ngày gần đây.
Giới chức y tế Thái Lan ngày 6-7 cảnh báo biến thể Delta đang lây lan nhanh khắp cả nước, chiếm 52% ca bệnh mới ở thủ đô Bangkok từ ngày 28-6 đến 2-7.
Ông Taweesilp Visanuyothin, người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan, cho biết những tỉnh khác cũng đang đi theo chiều hướng này của Bangkok.
Theo báo Bangkok Post, Thái Lan đã ghi nhận hơn 5.000 ca bệnh mới theo ngày kể từ đầu tháng 7, trong khi số ca tử vong vì COVID-19 theo ngày ở mức khoảng 50 ca.
Không phải lần đầu
Sự việc tại Ấn Độ không phải vụ lừa đảo đầu tiên liên quan đến vắc xin COVID-19.
Theo trang Insider, tháng 3 năm nay, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) từng phá một đường dây tội phạm toàn cầu chuyên buôn lậu các lọ vắc xin COVID-19 giả trên khắp thế giới, tịch thu hơn 2.000 liều vắc xin giả chỉ chứa nước muối trong một nhà kho ở bên ngoài thành phố Johannesburg, Nam Phi.
Cùng thời điểm nói trên, giới chức Trung Quốc cũng tịch thu 3.000 lọ vắc xin giả.
ANH THƯ