Uy lực “quái thú trên biển” Pantsir-ME của Nga ngăn mọi cuộc tấn công
Pantsir-ME cùng lúc có thể tiêu diệt 4 mục tiêu, với hỏa lực gồm 12 tên lửa và 1.400 viên đạn cao xạ.
Phiên bản trên đất liền của hệ thống phòng không Pantsir đã được “thử lửa” trên chiến trường Syria. Giờ đây, hệ thống này đang được nâng cấp để trở thành những “quái thú trên biển” thế hệ mới của Nga.
Hệ thống phòng không vận hành trên đất liền “Pantsir-S1” nức tiếng của Nga đang được thiết kế lại để trang bị cho các tàu chiến thế hệ mới, nhằm bảo vệ những con tàu này khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa phóng từ trên biển. Chiến hạm đầu tiên được tích hợp hệ thống này thời gian gần đây đã rời cảng để thực hiện các đợt kiểm tra chiến đấu trong thực tiễn.
Lá chắn trên biển mới của Nga
Phiên bản trên biển của hệ thống phòng không “Pantsir-S1” có tên gọi là Pantsir-ME. Hệ thống này được chế tạo riêng biệt cho các hoạt động tác chiến trên biển, có nhiệm vụ đánh chặn tên lửa của đối phương và các vật thể bay khác ngay cả trong điều kiện thời tiết xấu nhất.
Để Pantsir-ME có thể chống chịu được những thách thức như vậy mà không bị hư hại, các kỹ sư đã thu gọn kích thước của hệ thống và phủ bên ngoài bằng một lớp vỏ chống ăn mòn.
Sự khác biệt giữa các phiên bản hoạt động trên biển và phiên bản hoạt động trên mặt đất nằm ở cách thức chúng đánh chặn tên lửa của đối phương.
Nếu như Pantsir-S1 được tạo ra để bắn hạ các mục tiêu ở trên cao có tuyến đường bay được dự đoán trước, thì Pantsir-ME phải bảo vệ tàu chiến khỏi sự tấn công của các tên lửa bay bám mặt biển, điều này thường có tác dụng che giấu đường bay của tên lửa tiến công trước các hệ thống phòng thủ tên lửa.
“Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ chỉ huy quân sự Nga vẫn xem Pantsir-ME là một trong những hệ thống phòng không chính sử dụng cho tàu chiến trong thập kỷ tới. Dự án đầu tiên là tích hợp hệ thống phòng không này cho tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ Karakut.
Bên cạnh đó, Pantsir-ME cũng sẽ giúp cải tiến hệ thống phòng không lỗi thời và già cỗi của các tàu chiến khác, chẳng hạn như tàu sân bay “Đô đốc Kuznecov”, Russia Beyond dẫn lời nhà phân tích quân sự Dmitry Safonov của tờ Izvestia cho biết.
Ông Dmitry Safonov lưu ý, hệ thống Pantsir-ME có thể tương thích với nhiều loại tàu chiến của Nga cũng như tàu chiến nước ngoài. Hơn nữa, tàu chiến sử dụng tên lửa Pantsir-ME cần phải có lượng giãn nước tối thiểu là 500 tấn. Điều này đồng nghĩa với việc nó có thể được tích hợp trên những tàu chiến lớn hơn, để bảo vệ chiến hạm hiệu quả từ nhiều hướng khác nhau.
Tổ hợp Pantsir-ME bao gồm 1 mô đun điều khiển và 4 mô đun chiến đấu. Bên trong các mô đun của Pantsir-ME được gắn radar có trí thông minh nhân tạo giúp phát hiện tất cả các vật thể tấn công từ trên cao.
Những radar này truyền tải trực tiếp toàn bộ thông tin, trong đó có cả thông tin về các mục tiêu đã bị khóa đến trạm chỉ huy, tại đây các sỹ quan sẽ ra quyết định phóng hỏa lực”, ông Safonov cho biết.
Theo ông Safonov, một trạm chỉ huy có thể theo dõi và vận hành hiệu quả 4 mô đun chiến đấu Pantsir-ME được tích hợp nhiều súng máy và bệ phóng tên lửa. Để vận hành một hệ thống Pantsir-ME cần một phân đội 3 người, gồm chỉ huy trưởng hệ thống, người điều hành và kỹ sư phụ trách mô đun.
Tính ưu việt của hệ thống Pantsir-ME
Hệ thống Pantsir-ME được trang bị 2 bệ pháo 6 nòng tự động cỡ 30mm AO-18KD. Mỗi hệ thống có 50 viên đạn. Xét về mặt kỹ thuật, mỗi viên đạn có sức công phá mạnh đến mức có thể bắn hạ các máy bay quân sự lớn nhất thế giới, chỉ với một phát bắn duy nhất.
Bên cạnh đó, Pantsir-ME còn có 8 tên lửa dẫn đường tầm ngắn 57E6-E, hoạt động hiệu quả chống lại các mục tiêu trên không, bay với vận tốc 1.000m/giây.
Đặc biệt, đối với phiên bản trên biển, các kỹ sư đã tạo ra một hệ thống nạp tự động để nạp tên lửa mới vào trong khoang một khi vũ khí chính đã được sử dụng hết.
Các tên lửa của Pantsir-ME có thể loại bỏ những mục tiêu cách xa tới 20km và ở độ cao tới 15 km. Trong khi đó, hệ thống đạn pháo của Pantsir-ME được chế tạo để phá hủy các tên lửa cách xa 4km. Pantsir-ME cùng lúc có thể tiêu diệt 4 mục tiêu, với hỏa lực gồm 12 tên lửa và 1.400 viên đạn cao xạ./.