Ủy ban Tư pháp đề nghị có quy định về hoạt động kêu gọi từ thiện
Cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng cần có quy định pháp luật để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi của một số cá nhân khi hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân.
Nội dung trên được nêu trong báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2021 do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày chiều 23-10.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết dù vi phạm pháp luật và tội phạm giảm nhưng một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như: hiếp dâm trẻ em 637 vụ (tăng 9,26%), lừa đảo chiếm đoạt tài sản 2.362 vụ (tăng 4,19%) và gây rối trật tự công cộng 469 vụ tăng 18,73%.
Số vụ giết người tuy có giảm 7,26% so với năm trước nhưng một số vụ với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng với 548 vụ (tăng 20,18%) và diễn biến phức tạp, đặc biệt là hành vi chống lại lực lượng đang thi hành nhiệm vụ phòng, chống dịch và lực lượng công an.
Đặc biệt, theo bà Nga, vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra ở nhiều nơi. Phổ biến là các hành vi không tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh, làm lây lan dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng.
Tội phạm về ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là các hành vi buôn bán, tổ chức sử dụng ma túy, gây mất an ninh trật tự, một số vụ việc do người sử dụng ma túy bị “ảo giác” gây bức xúc trong dư luận.
Ngoài ra, việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để làm mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc…vẫn diễn ra công khai. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều sơ hở, bất cập tạo điều kiện cho các đối tượng thông đồng để trục lợi, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước.
“Dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi của một số cá nhân khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần có quy định của pháp luật về vấn đề này”, bà Nga nêu kiến nghị.
Xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm chưa tương xứng
Dù đánh giá công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội, song Ủy ban Tư pháp cho rằng, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế.
Cụ thể, vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều địa phương nhưng chủ yếu là xử lý hành chính. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng và xảy ra ở nhiều lĩnh vực, số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm tỉ đồng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái nhất là trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 được phát hiện xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế, số vụ phát hiện giảm so với cùng kỳ…
Trong công tác điều tra xử lý tội phạm, Ủy ban Tư pháp lưu ý việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm. Trong đó, vẫn còn 12 trường hợp bị cơ quan điều tra khởi tố oan.
Đối với hoạt động của ngành kiểm sát, Ủy ban Tư pháp cho biết, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử có nhiều chuyển biến, trách nhiệm công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa được tăng cường. Tuy nhiên, vẫn còn 16 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của cơ quan này.
Dù đánh giá cao nhiều hoạt động của cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhưng Ủy ban Tư pháp cho biết: “Dư luận cử tri còn nhiều băn khoăn, cho rằng số vụ án được khởi tố, điều tra vẫn chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp”.
Xét xử hơn 4.100 bị cáo phạm tội về chức vụ, kinh tế
Tại phiên họp, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã báo cáo công tác của các tòa án.
Theo báo cáo, từ ngày 1-10-2020 đến 30-9-2021, các tòa án thụ lý hơn 537.000 vụ việc, đã giải quyết được gần 437.000 vụ.
Số vụ việc đã thụ lý giảm hơn 64.000 vụ việc, số vụ đã giải quyết giảm gần 108.000 vụ. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều vụ việc không thể mở phiên tòa, phiên họp theo kế hoạch.
Đặc biệt, đối với các vụ án liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, TAND tối cao đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tòa án đưa ra xét xử kịp thời và tuyên án nghiêm khắc các vụ vi phạm.
Các tòa án đã thụ lý 144 vụ, với 187 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19 và đã xét xử 136 vụ, với 177 bị cáo.
Ngoài ra, các tòa án đã thụ lý sơ thẩm gần 2.900 vụ, với hơn 6.100 bị cáo phạm các tội kinh tế, tham nhũng và đã đưa ra xét xử sơ thẩm gần 2.300 vụ với hơn 4.100 bị cáo.
T. Long