+
Aa
-
like
comment

“Ưu tiên” cho hàng Việt

08/11/2020 06:52

Táo đá – một mặt hàng rất phổ thông và có thể bắt gặp ở bất cứ khu chợ nào ở Việt Nam, len lỏi đến cả những sạp bán hoa quả lề đường.

“Ưu tiên” cho hàng Việt - 1

Chỉ từ 70 nghìn đồng là người tiêu dùng có thể mua được 1 thùng táo đá 7kg. Tính ra, mỗi cân táo này có giá từ 10 nghìn đồng. Một ưu thế cực kỳ có lợi thế về giá khi cạnh tranh với những mặt hàng hoa quả khác ở trên thị trường.

Bên cạnh đó, táo đá còn được nhiều người ưa chuộng bởi cùi dày, giòn và ít hỏng. So với các loại táo khác, táo đá có độ đanh, cứng; ngay cả khi để ở nhiệt độ môi trường thông thường có khi cả tháng cũng không hỏng.

Tuy nhiên, bài viết này người viết không nhằm nói về táo đá.

Táo đá vốn được biết đến rộng rãi là đặc sản của Hà Giang, song theo lời các tiểu thương thì mặt hàng này còn có xuất xứ từ Trung Quốc.

“Nếu ai hỏi, tôi cũng chẳng giấu đây là hàng Trung Quốc nhưng treo biển thì vẫn ghi là Hà Giang thôi, vì nhìn cho quen thuộc, chứ táo đá có vài năm nay rồi, có phải mới bán đâu mà không ai biết” – một tiểu thương nói với phóng viên Dân trí trong bài viết đăng ngày 5/11.

Vậy hàng Trung Quốc thì sao?

Cá nhân người viết cho rằng, dù là hàng hoá từ Nhật Bản, Mỹ, châu Âu hay Ấn Độ, Thái Lan thì vấn đề duy nhất cần nhìn nhận ở đây là hàng hoá đó không phải do Việt Nam trồng trọt, sản xuất ra.

Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam thì điều này buộc phải chấp nhận.

Thế nhưng, nhìn vào từng chi tiết, từng ngóc ngách của cuộc sống, chúng ta dễ thấy rằng, khắp nơi đều có hàng hoá nước ngoài mà hàng Trung Quốc lại chiếm tỷ trọng rất cao. Điều này khiến tôi không thể không đặt ra câu hỏi: Suốt nhiều năm liền chúng ta kêu gọi “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, nhưng kết quả, các sản phẩm Việt Nam liệu đã có chỗ đứng vững chãi ngay trên sân nhà hay chưa?

Nói là “ưu tiên” hàng Việt, nhưng ai là người ưu tiên? Người phân phối, hay người tiêu dùng?

Từ những hàng hoá thực phẩm (như táo ở trên) cho đến quần áo, đồ dùng hàng ngày, hàng điện tử… đều đang được nhập về rất lớn. Ưu điểm là người tiêu dùng sẽ có nhiều hơn sự lựa chọn, nhưng mặt ngược lại, thị trường đang bộc lộ nhiều vấn đề.

Lấy ví dụ ngay ở mặt hàng táo đá, nhiều người coi đó là “đặc sản địa phương” – ngay cả như thế thì hàng từ Trung Quốc vẫn đủ sức cạnh tranh, đủ khối lượng lớn để cung cấp dồn dập.

Hàng hoá của họ chẳng những nhiều hơn mà còn đẹp hơn, rẻ hơn, chất lượng thì cũng chưa thể nói là thua kém. Sức sản xuất và tốc độ “càn quét” của hàng hoá Trung Quốc chẳng những Việt Nam mà các nước khác cũng phải e dè – huống hồ, chúng ta lại là thị trường ở ngay cạnh.

Việc “cấm cửa” là không thể và cũng không được phép. Cạnh tranh bằng giá cũng rất khó, vì thực tế, với hàng Trung Quốc vốn dĩ “không có rẻ nhất chỉ có rẻ hơn”.

Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt cần nhìn nhận nghiêm túc, vì sao suốt hàng chục năm trôi qua, chúng ta vẫn chưa thể theo kịp họ trong phương thức quản trị và sản xuất? Vì sao họ gặp bất lợi về xuất xứ nhưng vẫn chiếm ưu thế trên thị trường?

Đến lúc cần nhìn lại cả vai trò của các bên liên quan khi đã phần nào làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp phải dành quá nhiều nguồn lực cho chi phí không chính thức, cho các vấn đề phi kinh doanh thì còn nguồn lực đâu cho đầu tư phát triển, cho nghiên cứu và sản xuất.

Đến như táo đá, các thương lái cũng treo biển Việt Nam nhưng bán hàng Trung Quốc như vụ Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhưng lại gắn mác “made in Vietnam” năm 2019 thì những hàng hoá khác tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” còn ra sao? Hàng giả, hàng nhái tràn lan từ đâu mà ra? Hàng hoá Trung Quốc không xấu, nhưng “gian thương” bằng giả mạo nguồn gốc, lạm dụng chất bảo quản, lừa dối người tiêu dùng thì rất đáng lên án.

Người kinh doanh bị lợi nhuận làm mờ mắt, còn trách nhiệm mà cơ quan hải quan, quản lý biên giới, quản lý thị trường cũng không hề nhỏ.

Một nền kinh tế mạnh không chỉ là sự giàu lên của những cá nhân, doanh nghiệp, mà còn là sự giàu lên bền vững, có những thương hiệu riêng gắn với “tự hào dân tộc”.

Dù là “made in Vietnam” hay “make in Vietnam”, đó cũng cần là sự nỗ lực của nhiều phía chứ không chỉ là khẩu hiệu hay sự tự hào suông được.

Bích Diệp/DT

Bài mới
Đọc nhiều