+
Aa
-
like
comment

Út ‘Trọc’ hưởng lợi 725 tỷ đồng tiền thu phí như thế nào

01/09/2020 11:04

Cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (Út “Trọc”) tác động ông Đinh La Thăng để được mua quyền thu phí cao tốc Trung Lương, giấu doanh thu, chiếm đoạt 725 tỷ đồng. 

Đinh Ngọc Hệ (49 tuổi, nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc Phòng) vừa bị Bộ Công an đề nghị VKSND Tối cao truy tố về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Cựu thượng tá quân đội bị xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu 12 người khác thực hiện nhiều sai phạm trong quá trình mua quyền thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương.

Để thực hiện hành vi này vào năm 2012, nhà chức trách cho rằng, Út “Trọc” đã dựa vào mối quan hệ với Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.

Kết quả điều tra của Bộ Công an xác định, tháng 2/2012, sau khi Thủ tướng chấp thuận đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc chuyển giao quyền thu phí tuyến Cao tốc TP HCM – Trung Lương, Đinh Ngọc Huệ đã nhờ ông Thăng gọi điện cho Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long – thuộc Bộ Giao thông Vận tải) đề nghị sắp xếp thời gian cho mình làm việc.

Hai ngày sau, Hệ gọi cho Minh xưng là “Út ở Công ty Thái Sơn” đã được Bộ trưởng giới thiệu trước đó. Minh hẹn một tuần sau sẽ sắp xếp làm việc. Tuy nhiên, ông Thăng tiếp tục gọi Minh, yêu cầu bố trí lịch làm việc cụ thể rồi chuyển điện thoại cho Hệ trực tiếp nói chuyện.

Đinh Ngọc Hệ trong phiên tòa hồi tháng 5 liên quan đến khu đất vàng trên đường Tôn Đức Thắng. Ảnh: Bộ Quốc phòng.
Đinh Ngọc Hệ trong phiên tòa hồi tháng 5 liên quan đến khu đất “vàng” trên đường Tôn Đức Thắng. Ảnh: Bộ Quốc phòng.

Đinh Ngọc Hệ biết rõ quá trình triển khai đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc Trung Lương do Công ty Cửu Long lập, nên cùng Phạm Văn Diệt (Tổng giám đốc điều hành Công ty Yên Khánh, do Hệ thành lập) hai lần đến phòng Minh đề nghị hỗ trợ Công ty Yên Khánh được tham gia đấu giá quyền thu phí Cao tốc Trung Lương. Bởi theo quy định, doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đáp ứng các điều kiện: tài chính lành mạnh, kinh doanh hai năm liên tiếp không lỗ… trong khi Công ty Yên Khánh và Khánh An của Hệ năm 2011-2012 kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính để thanh toán tiền trúng đấu giá.

Để có 2.004 tỷ đồng thanh toán mua quyền thu phí cao tốc (giá khởi điểm do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất), Hệ tổ chức họp nội bộ, chỉ đạo Tô Phước Hùng (Kế toán trưởng Công ty Yên Khánh) sửa chữa số liệu báo cáo tài chính của hai công ty để Vũ Thị Hoan (Giám đốc) ký đóng dấu, giao xuống bộ phận pháp chế làm giả 4 bản báo cáo kiểm toán tài chính và chuẩn bị hồ sơ tham gia đấu giá.

Đầu tháng 12/2013, Hệ chỉ đạo Diệt và Hoan tổ chức họp Hội đồng thành viên, ký đơn đề nghị Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô xin phát hành chứng thư bảo lãnh hơn 100 tỷ đồng cho Công ty Yên Khánh để đảm bảo cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương.

Sau khi ký được hợp đồng mua bán quyền thu phí, Hệ dùng chính hợp đồng này và tài sản của bên thứ 3 là quyền sử dụng hơn 3.531 m2 đất của Công ty Yên Khánh Hải Thành (Út chiếm đoạt được từ đất quốc phòng, có giá trị thế chấp là hơn 717 tỷ đồng) thế chấp tại BIDV để vay 1.703 tỷ đồng.

Từ năm 2014 đến 2017, ngân hàng đã 9 lần giải ngân vào tài khoản của Tổng Công ty Cửu Long tại Kho bạc Nhà nước TP HCM, thanh toán tiền trúng đấu giá cho Công ty Yên Khánh. Hơn 300 tỷ đồng còn lại, Hệ chỉ đạo cấp dưới lấy từ nguồn thu phí.

Cơ quan điều tra xác định, quá trình thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương, Út “Trọc” chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều hành vi gian dối để che giấu doanh thu, chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng của nhà nước.

Năm 2014, Công ty Yên Khánh chỉ sử dụng phần mềm của Bộ Giao thông Vân tải cài đặt sẵn và cho nhân viên nhặt vé do các tài xế qua trạm vứt lại, để tập hợp xóa số seri, in lại vé mới có cùng số seri với các vé nhặt được. Việc này được các nhân viên thực hiện thủ công.

Đến năm 2015, sau khi được báo cáo số liệu thu phí thực tế lớn hơn nhiều, việc giảm doanh thu bằng phương pháp nhặt vé thủ công không hiệu quả, Hệ chỉ đạo mua phần mềm của Công ty Xuân Phi để thay thế phần mềm của Bộ Giao thông tại 4 trạm trên tuyến cao tốc, nhằm che giấu doanh thu, chiếm đoạt tiền thu phí. Đồng thời, sau khi hết thời hạn thu phí 5 năm, Công ty Yên Khánh báo cáo việc thu phí thua lỗ để tiếp tục xin gia hạn thu phí và số tiền phải nộp để mua quyền thu phí thấp hơn giá đã mua.

Kết quả điều tra xác định, doanh thu thực tế từ năm 2014 đến 2018 tại 4 trạm cao tốc là hơn 3.266 tỷ đồng, song bị Hệ và đồng phạm điều chỉnh còn hơn 2.541 tỷ đồng, chiếm đoạt 725 tỷ đồng.

Ngoài ra, năm 2013, sau khi Công ty Thái Sơn được giao thực hiện thi công dự án xây dựng cầu Việt Trì mới, Út “Trọc” đã lợi dụng vai trò Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc để yêu cầu Công ty Licogi 13 bán rẻ căn biệt thự BT01 và giúp được quyền thi công gói thầu không qua đấu giá. Căn biệt thự sau đó được sang tên cho vợ Hệ, hưởng lợi 3,4 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Út “Trọc” phủ nhận vai trò chỉ đạo điều hành Công ty Yên Khánh, chỉ đạo nhân viên thực hiện các thủ đoạn gian dối để trúng đấu giá, chiếm đoạt tiền thu phí. Ông ta cũng không thừa nhận việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Liên quan đến vụ án, cựu bộ trưởng Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường (cựu thứ trưởng); Nguyễn Chí Thành (quyền vụ trưởng Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải) và 4 người khác bị cáo buộc tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015. Đây là vụ án thứ tư ông Thăng bị điều tra.

Ngoài vụ án này, Út “Trọc” bị Tòa án quân sự Trung ương tuyên phạt 12 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Hồi tháng 5, Út “Trọc” bị Tòa án Quân chủng Hải quân Bộ Quốc phòng tuyên phạt 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là khu đất “vàng” của Bộ Quốc phòng trên đường Tôn Đức Thắng. Tổng hợp hình phạt, ông này phải chấp hành 30 năm tù – mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn.

Hải Duyên/ VNE

Bài mới
Đọc nhiều