Út ‘trọc’ chiếm đoạt tiền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương như thế nào?
Theo dự kiến, ngày mai (14-12), TAND TP.HCM sẽ xét xử ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Hồng Trường (cựu lãnh đạo Bộ GTVT) và 18 bị cáo liên quan đến sai phạm tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Trong vụ án này, tiền thu phí bị chiếm đoạt thế nào?
Trong vụ án, ông Đinh La Thăng và 6 cán bộ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí. Còn Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) và 12 bị cáo khác bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, do mối quan hệ quen biết nên ông Đinh La Thăng đã giới thiệu để 2 công ty của Đinh Ngọc Hệ tham gia đấu thầu và trúng thầu, rồi sau đó, Hệ đã chỉ đạo nhân viên chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Từ gian lận bằng cách thủ công
Theo hợp đồng mua bán quyền thu phí thì Tổng công ty Cửu Long (thuộc Bộ GTVT) bàn giao nguyên trạng thiết bị thu phí cho Công ty Yên Khánh (công ty của Hệ) và Công ty Yên Khánh phải báo cáo Tổng công ty Cửu Long về doanh thu thu phí, về tình hình bảo quản cơ sở vật chất, tài sản và thiết bị đã nhận bàn giao.
Biết rõ quy định không được sửa chữa, cải tạo trang thiết bị thu phí nhưng với mục đích chiếm đoạt tài sản, Hệ đã chỉ đạo cấp dưới bằng nhiều cách cắt giảm, che giấu doanh thu, chiếm đoạt tiền thu phí.
Sau khi hết 5 năm thu phí, Công ty Yên Khánh báo cáo việc thu phí thua lỗ để tiếp tục xin được gia hạn thời gian thu phí hoặc được tiếp tục ký hợp đồng mua quyền thu phí, với giá mua thấp.
Thực hiện chỉ đạo của Hệ, vào những ngày lễ tết, cuối tuần, có nhiều xe qua trạm thu phí, nhân viên các trạm thu phí này chuyển làn xe vào thành làn xe ra và thu phí thủ công không qua hệ thống phần mềm quản lý. Số tiền thu theo cách “thủ công”, Công ty Yên Khánh không đưa vào báo cáo doanh thu để báo cáo với cơ quan thuế và Tổng công ty Cửu Long.
Đến cài phần mềm gian lận
Khoảng cuối năm 2014 đầu năm 2015, dù đã giảm doanh thu bằng phương pháp thu thủ công nhưng doanh số giảm không nhiều nên Hệ chỉ đạo tiếp tục làm giảm doanh thu.
Từ đó, Tô Phước Hùng (kế toán trưởng Công ty Yên Khánh) đã liên hệ với Nguyễn Xuân Hiền (giám đốc Công ty Xuân Phi) đề nghị Hiền can thiệp vào phần mềm thu phí mà trạm thu phí đang sử dụng, can thiệp tại giai đoạn in vé, nhằm in vé có số sêri của các vé thu phí cũ trước đó.
Hiền chỉ đạo nhân viên là Hoàng Tô Hạnh Vân viết phần mềm theo yêu cầu này rồi cài đặt vào máy tính trong phòng làm việc của Trần Văn Miền (phó giám đốc Công ty Yên Khánh, chi nhánh Long An) để quản lý và kiểm soát hoạt động.
Khoảng tháng 4-2017, Miền gọi điện thoại xin ý kiến Tô Phước Hùng về việc nâng cấp phần mềm can thiệp để cắt giảm doanh thu thu phí nhiều hơn.
Phần mềm này sẽ sao chép, đè lượt xe có mệnh giá vé nhỏ cho lượt xe mệnh giá vé lớn từ làn khác sang, để thay đổi mệnh giá vé. Phần mềm được cài đặt trên máy tính tại phòng làm việc của Trần Văn Miền có kết nối với hệ thống máy tính tại 4 trạm thu phí.
Để che giấu hành vi gian dối cắt giảm doanh thu chiếm đoạt tiền thu phí, theo chỉ đạo của Hệ và đồng phạm, Miền tiếp tục liên hệ với Hiền tìm cách xóa dữ liệu trên hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu về việc thu phí thực tế của Công ty Yên Khánh. Hiền chỉ đạo Vân xóa khoảng 20GB dữ liệu, trên tổng số 10 máy chủ.
Trước khi xóa dữ liệu, Vân đã sao lưu dữ liệu vào trong 4 ổ đĩa, để tại phòng làm việc của Miền. Ngày 26-12-2018, khi khám xét khẩn cấp, cơ quan điều tra đã thu giữ 4 ổ đĩa này.
Cáo trạng xác định doanh thu thực tế từ tháng 1-2014 đến tháng 12-2018 là 3.266 tỉ đồng, doanh thu bị điều chỉnh là 2.541 tỉ. Số tiền bỏ ngoài hệ thống sổ sách của Công ty Yên Khánh là 725 tỉ đồng.
Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 25-12.
TUYẾT MAI – HOÀNG ĐIỆP/TTO