Uống rượu bia thì đâu có tội, nhưng…
Hậu quả là chẳng những đối mặt bị phạt vi phạm hành chính do có nồng độ cồn 0,298/lít khí thở, tài xế nói trên còn có thể bị xử lý nặng với hành vi lăng mạ, xúc phạm người khác, chống đối người thi hành công vụ.
Đây là một trong những trường hợp cho thấy, mặc dù Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 mới đi vào cuộc sống đã nhận được đông đảo sự đồng tình, ủng hộ của người dân, song đâu đó vẫn sẽ có những người không ủng hộ, thậm chí là chống đối. Họ là ai?
Họ có thể là những người lỡ nhậu, thường phải đi nhậu. Tuỳ vào mức độ dung nạp bia rượu của mỗi người sẽ cần những khoảng thời gian khác nhau để “tiêu” hết nồng độ cồn trong hơi thở. Thế nên, không tránh trường hợp chỉ sử dụng một lượng nhỏ rượu bia cũng sẽ bị dính phạt hành chính nặng.
Điều này thực tế cũng đã xảy ra. Gần nhất là trường hợp ghi nhận tại Quảng Nam, một tài xế với nồng độ cồn 0,288 miligam/lít khí thở đã bị phạt khoảng 17 triệu đồng, tước bằng lái xe 17 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày. Người này cho biết nguyên nhân có nồng độ cồn là do uống 1 ly bia “xã giao” khi đến đón người say.
Dù rằng, thông tin mà người vi phạm đưa ra là thuyết phục và dễ thông cảm, tuy nhiên, chiếu theo quy định luật thì vẫn là “vi phạm” và phải bị xử phạt.
Xin khoan bàn đến ngưỡng quy định nồng độ cồn bị xử phạt là hợp lý hay chưa, song luật đã ban hành và đi vào hiệu lực, rất nhiều người quan tâm và tìm hiểu trong những ngày qua, ai cũng biết rằng, chỉ cần uống rượu, bia mà lái xe thì sẽ bị phạt.
Thế nên, không thể nói là vì “không biết” mà trước hết là bởi có lẽ, ai đó trong chúng ta vẫn chưa thật sự tôn trọng luật. Nói thẳng ra, chính bởi sự thiếu tôn trọng, không tuân thủ đó dẫn đến bị thổi phạt là điều khó tránh!
Còn nếu nói rằng, chỉ vì một vài ly rượu, ly bia mà bị phạt hàng chục triệu đồng, bị tước bằng lái xe và tạm giữ phương tiện có thời hạn là “nặng” thì nhìn ra thế giới, cũng có những quốc gia có chính sách trừng phạt nặng hơn thế.
Chẳng hạn như theo luật Anh, say rượu khi lái xe là tội hình sự, và việc từ chối cảnh sát thử hơi thở cũng bị coi là phạm tội. Với người vi phạm lần đầu, mức phạt tối đa là ngồi tù 6 tháng, phạt gần 6.600 USD và và thu bằng 12 tháng. Với người tái phạm trong 10 năm kể từ lần đầu vi phạm, lệnh cấm điều khiển phương tiện sẽ kéo dài 3 năm (theo Dân trí, 7/1/2020).
Tóm lại, cá nhân người viết ủng hộ việc “không khoan nhượng” với tình trạng uống rượu bia mà ngồi sau tay lái. Bởi, uống rượu bia thì không phạm luật và chẳng làm gì nên tội, nhưng sau khi uống rượu bia mà lái xe thì hậu quả để lại thật sự không thể tính là “đắt” hay “rẻ” vì liên quan đến an toàn và tính mạng con người.
Được biết, trong ít ngày qua, nhiều quán nhậu trong cả nước đã giảm đáng kể lượng thực khách. Một số người kinh doanh có thể sẽ không vui với điều này. Tuy nhiên, tôi tin rằng dòng chảy kinh doanh sẽ có những vận động phù hợp và không tạo ra xáo trộn lớn.
Và chắc hẳn không vì nỗi lo doanh thu của những đơn vị kinh doanh bia rượu sụt giảm mà chúng ta lại phản đối một chủ trương có lợi cho số đông người dân? Thay vào đó, có lẽ chúng ta nên giở luật ra để đọc và nghiên cứu kỹ hơn để ứng xử một cách phù hợp.
Bích Diệp/DT