+
Aa
-
like
comment

Ung thư – điểm yếu dễ bị Covid-19 tấn công

08/05/2021 10:49

Hệ miễn dịch của bệnh nhân ung thư kém hơn người bình thường, có thể dễ dàng bị nCoV tấn công và bệnh cũng diễn tiến nặng hơn khi nhiễm virus.

Ung thư - điểm yếu dễ bị Covid-19 tấn công
Ung thư – điểm yếu dễ bị Covid-19 tấn công

Trong đợt dịch tại Đà Nẵng tháng 7-8 năm ngoái, Covid-19 tấn công vào bệnh viện ở các khoa trọng yếu như ung thư, thận nhân tạo, phổi… khiến tỷ lệ bệnh nhân nặng tăng cao. 35 ca tử vong do Covid-19 từ đầu dịch đến nay đều liên quan đến đợt dịch Đà Nẵng và đều mắc bệnh lý nền nặng như ung thư, thận, huyết áp…

Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, chia sẻ hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy tỷ lệ nhiễm nCoV ở bệnh nhân ung thư cao hơn so với các bệnh nhân khác. Tuy nhiên, người bệnh ung thư phải điều trị hóa trị, xạ trị, do đó hệ miễn dịch kém, lượng bạch cầu trong máu giảm, sức đề kháng giảm, dễ bị nCoV tấn công hơn. Người ung thư có sẵn bệnh lý nền nên khi mắc Covid-19 cũng sẽ diễn tiến nặng hơn, khó khăn trong quá trình điều trị.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Nội Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, giải thích bệnh nhân ung thư phải uống thuốc điều trị nên hệ miễn dịch suy giảm.

“Khi hệ miễn dịch kém, virus sẽ dễ sinh sôi trong hầu họng, tải lượng virus cao, tồn tại trong người lâu hơn, do đó, vừa dễ bị virus tấn công, đồng thời dễ lây nhiễm cho người khác”, bác sĩ Khanh phân tích.

Bác sĩ Trần Quang Pháp, Phó Giám đốc Bệnh viện 199 (Bộ Công An) tại Đà Nẵng, chia sẻ thêm: Hệ thống miễn dịch có vai trò cực kỳ quan trọng giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Đa phần bệnh nhân ung thư có nguy cơ bị tổn thương hệ miễn dịch, mức độ tùy thuộc loại ung thư mắc phải, phương pháp điều trị, tuổi và các bệnh lý kết hợp, đặc biệt trong thời gian điều trị tích cực hoặc vừa kết thúc đợt xạ trị, hóa trị, phẫu thuật.

“Bệnh nhân ung thư có nguy cơ rất cao nhiễm nCoV. Khi mắc Covid-19, bệnh cũng sẽ diễn biến nhanh và nặng hơn, tiên lượng xấu hơn, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn”, bác sĩ Pháp nói.

Ngoài tác dụng phụ khi hóa xạ trị, người ung thư còn ăn uống kém. Đây cũng là một lý do khiến người bệnh suy giảm hệ miễn dịch, dễ bị nCoV tấn công. Bác sĩ Pháp khuyến cáo người ung thư chú trọng việc ăn uống và luyện tập để nâng cao thể trạng, đặc biệt giữ tinh thần vui vẻ, thoái mái giúp tăng miễn dịch cho cơ thể, chống lại các tác nhân gây bệnh.

Để giảm nguy cơ mắc Covid-19 cho bệnh nhân ung thư, Ủy ban sức khỏe Quốc gia Trung Quốc từng khuyến cáo người ung thư ở trong vùng đang bùng phát dịch nên hoãn điều trị hóa chất hoặc phẫu thuật thay thế nếu được. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư hoặc sau điều trị ung thư là nhóm nguy cơ cao, cần được bảo vệ, cách ly chặt chẽ hơn. Nhóm này khi mắc Covid-19 phải điều trị tích cực, chuyên sâu hơn, nhất là bệnh nhân lớn tuổi hoặc có các bệnh lý nền khác.

Đến sáng 7/5, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều ghi nhận 11 ca Covid-19, gồm 7 bệnh nhân và 4 người nhà chăm nuôi bệnh nhân tại Khoa Ngoại – Gan – Mật. Từ sáng 7/5, Bệnh viện K ngưng tiếp nhận bệnh nhân, không cho bệnh nhân xuất viện, cách ly từng khoa, phòng, thực hiện nội bất xuất, ngoại bất nhập ở cả 3 cơ sở. Khoảng 4.000 người gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà, đang có mặt tại cơ sở Tân Triều, hơn 16.000 người từng đến bệnh viện này từ giữa tháng 4 đến ngày 7/5.

Trong đợt dịch lần này, Covid-19 đã xuất hiện tại nhiều bệnh viện từ tuyến trung ương đến địa phương như bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, K Trung ương, Đa khoa Phúc Yên, Đa khoa Thái Bình, Phổi Lạng Sơn,Hoàn Mỹ Đà Nẵng…

Lê Cầm

Bài mới
Đọc nhiều