+
Aa
-
like
comment

Ủng hộ đề xuất “thiến hóa học” tội phạm xâm hại trẻ em

Quỳnh Quỳnh - 28/05/2020 08:35

Nhiều người tỏ ra rất ủng hộ đề xuất của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề xuất mở rộng hình thức “thiến hóa học”, lao động công ích, công khai danh tính tội phạm xâm hại trẻ em. 

Thảo luận việc thực hiện chính sách pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em tại Quốc hội sáng 27/5, ông Nguyễn Ngọc Phương nêu đề xuất trên. Biện pháp này được áp dụng ở nhiều quốc gia, người chịu hình phạt sẽ được tiêm chất kháng testosterone, khiến nồng độ testosterone trong cơ thể xuống mức trước tuổi dậy thì, giảm nhu cầu tình dục.

Đề xuất trên xuất phát từ thực tế thời gian qua, tình trạng xâm hại trẻ em vẫn diễn ra phổ biến gây bức xúc dư luận xã hội. Một con số thống kê cho thấy, giai đoạn từ 2015 đến 2019, toàn quốc phát hiện hơn 7.800 vụ xâm hại trẻ em, với gần 8.600 đối tượng xâm hại và số trẻ em bị xâm hại là gần 8.100 em, trong đó số trẻ em nữ bị xâm hại gấp 7 lần số trẻ em nam. Đáng chú ý, năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019 có đến 1400 trẻ bị xâm hại. Tuy nhiên đây không phải là con số cuối cùng.

Bày tỏ rất buồn về thực trạng trẻ em bị xâm hại thời gian qua, ông Phương nói: “Khi tiếp xúc cử tri, nhắc đến vấn đề xâm hại trẻ em ai cũng rùng mình căm ghét, ám ảnh và mong muốn phải xử lý nghiêm khắc đối tượng này”. Thực tế cho thấy kẻ xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân, thậm chí bố xâm hại con, ông nội xâm hại cháu… với thủ đoạn dã man, lặp lại.

Theo tìm hiểu của PV, hình thức “thiến hóa học” được áp dụng tại một số nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Hàn Quốc… Đối tượng phạm tội sẽ bị tiêm chất kháng testosterone (androgen hay antiandrogen), khi chất này được đưa vào cơ thể sẽ làm nồng độ hormone testosteron xuống trước tuổi dậy thì, không có cảm giác ham muốn tình dục.

Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, mặc dù hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em gây bức xúc cho xã hội, bản thân nạn nhân và ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường về nhân cách trẻ nhưng pháp luật Việt Nam chưa nhắc đến hình phạt “thiến hóa học”. Đề xuất áp dụng hình thức “thiến hóa học” đối với tội phạm liên quan đến các hành vi ấu dâm là có thể nhưng chưa áp dụng được, do đó phải sửa đổi Bộ luật Hình sự. Ngoài hình thức phạt tù, cải tạo không giam giữ, phạt tiền thì phải đưa thêm hình phạt “thiến hóa học” vào luật và phải xây dựng hệ thống cơ sở vật chất để thi hành án.

“Muốn bổ sung hình phạt “thiến hóa học” cần xây dựng đề án nghiên cứu, chứng minh việc nếu áp dụng biện pháp trên thì tội phạm liên quan tình dục có giảm, không tăng nặng ngân sách và cồng kềnh bộ máy nhà nước” – luật sư Tuấn Anh nói.

Cô Khưu Bảo Trân, một giáo viên ở Hà Nội, cho rằng ngày nay, nạn lạm dụng trẻ em ngày càng lan tràn, gây nhức nhối cho dư luận; đồng thời cũng khiến cho nhiều gia đình phải đau đớn vì những hệ quả của nó. “Tôi có con gái nên cũng lo lắng lắm. Nếu ở Việt Nam mà áp dụng biện pháp thiến hóa học như ở Indonesia thì tôi cực kỳ hoan nghênh và ủng hộ. Áp dụng biện pháp này để bọn “ác quỷ” phải e sợ và không dám hoành hành nữa” – cô Trân đề xuất.

Anh Lê Mạnh (Hà Đông, Hà Nội), cho rằng đã đến lúc phải có biện pháp đủ mạnh để răn đe, khiến những đối tượng có ý định xâm hại trẻ em phải dè chừng. Thiến hóa học là một biện pháp đã được nhiều quốc gia áp dụng. Trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở nước ta gia tăng mạnh trong những năm gần đây thì thiến hoá học là biện pháp cần thiết và cần áp dụng sớm để ngăn chặn.

Nhiều người nhanh chóng ủng hộ biện pháp này, tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn có ý kiến lo ngại các tác dụng phụ của “thiến hóa học”. Theo đó nó có thể khiến kẻ tội phạm trở nên “điên cuồng” hơn và hành động cực đoan. Mặt khác khi không được tiêm thuốc liên tục, tác dụng của thuốc có thể giảm và mất đi, mức testoterone lại trở về ngưỡng cao, khi đó không có gì đảm bảo rằng “kẻ kia” sẽ không tiếp tục làm bậy. Một ví dụ được đưa ra đối với  Joseph Frank Smith, một kẻ lạm dụng tình dục trẻ em bị kết án, bị tiêm thuốc vào những năm 1980, và sau đó đã trở thành người ủng hộ việc “thiến hóa học”. Smith đã ngừng sử dụng thuốc tiêm vào năm 1989. Tuy nhiên đến năm 1999, Joseph Frank Smith lại bị kết án tù vì đã lạm dụng một bé gái năm tuổi. Ngoài ra “thiến hóa học” cũng có thể gây ra những phản ứng phụ ở một số người “bao gồm trầm cảm, mệt mỏi, tiểu đường, và huyết khối”.

Xét cho cùng không có gì là an toàn tuyệt đối, nhất là khi chúng ta đang phải đối mặt với việc chuẩn mực đạo đức đã suy hoại trong nhiều tầng lớp, các vấn đề bạo lực tranh giành và “sinh lý thầm kín” nay được phổ rộng khắp các kênh truyền thông. Có lẽ đây chính là nguồn gốc của các vấn nạn hôm nay, không chỉ là xâm tại tình dục trẻ em mà còn có giết người hàng loạt…

Hy vọng thời gian tới khi sửa đổi các quy định của luật xử lý vi phạm hành chính, bộ luật hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan, biện pháp thiến hóa học, bắt buộc chữa bệnh đối với tội phạm xâm hại tình dục sẽ được quy định, được luật hóa để thực hiện tốt giải pháp phòng ngừa và đảm bảo xử lý đối với các hành vi vi phạm một cách công bằng nhất.

Quỳnh Quỳnh

(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả) 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều