Ukraine tiếp nhận ồ ạt số vũ khí, đạn dược từ NATO
Trang Wall Street Journal đưa tin, hàng đoàn máy bay mang theo vũ khí, đạn dược của phương Tây đang đổ đến Kiev, nhằm củng cố sức mạnh phòng thủ của Ukraine trước nguy cơ Nga phát động chiến tranh.
Mỹ và một số thành viên NATO đã mở cầu hàng không tiếp tế vũ khí, đạn dược giúp Ukraine củng cố năng lực quốc phòng trước mối đe dọa từ động thái điều binh của Nga. Sau khi Tổng thống Joe Biden phê chuẩn gói viện trợ quân sự trị giá 200 triệu USD cho Ukraine, ít nhất 8 máy bay vận tải chở đầy trang thiết bị quân sự của Mỹ đã hạ cánh tại Kiev, theo Wall Street Journal.
Theo Wall Street Journal, trước khi Nga leo thang căng thẳng tại Đông Âu, chỉ Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine. Ankara cung cấp cho Kiev máy bay không người lái trang bị vũ khí có tên TB2 Bayraktar. Quân đội Ukraine sử dụng thiết bị này trong cuộc chiến với lực lượng ly khai ở miền Đông.
Tuy nhiên, đến khi Nga leo thang căng thẳng ở Đông Âu, Mỹ đã có lý do tăng cường viện trợ Kiev. Một số thành viên NATO khác như Anh, các nước Baltic, Ba Lan và Cộng hòa Czech cũng có động thái tương tự, đồng thời cử chuyên gia đào tạo lực lượng vũ trang Ukraine.
Đến nay, Mỹ đã viện trợ Ukraine một số trang thiết bị quân sự như đạn pháo, tên lửa chống tăng, tên lửa phá công sự, súng phóng lựu đạn, thiết bị nổ định hướng, vũ khí cá nhân.
Anh cũng viện trợ Ukraine hàng nghìn tên lửa chống tăng, trong khi Latvia và Lithuania chuyển giao cho Kiev tên lửa phòng không Stinger.
Tuy vậy, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak cho rằng điều Kiev cần là phát triển mối quan hệ và mua sắm trang thiết bị quốc phòng chặt chẽ, nhất quán với Mỹ và các thành viên NATO, thay vì những lô hàng chuyển giao từng phần như hiện nay. Thực tế, phương Tây chưa viện trợ Ukraine những hệ thống vũ khí phức tạp, có uy lực lớn như các hệ thống phòng không tối tân.
Từ 22/1, Mỹ đã gửi tới Ukraine khoảng 650 tấn vũ khí, đạn dược. Tính từ khi Nga sáp nhập trái phép Crimea, viện trợ quân sự của Washington cho Kiev đã lên đến 2,7 tỷ USD.
“Các lô vũ khí vẫn đang được chuyển đi”, Lầu Năm Góc cho biết, hứa hẹn sẽ có thêm viện trợ cho Ukraine.
Để so sánh, sức mạnh hỏa lực không quân, hải quân, tên lửa, pháo binh của Nga vượt trội so với Ukraine, mọi viện trợ của phương Tây sẽ không đủ để khỏa lấp chênh lệch giữa hai bên. Ukraine hiện chưa phải thành viên NATO, bởi vậy Mỹ hay bất cứ nước châu Âu nào sẽ không có nghĩa vụ can thiệp quân sự trong trường hợp Nga phát động chiến tranh, theo Wall Street Journal.
Giới chức Mỹ cho rằng với hơn 100.000 quân triển khai ở biên giới Ukraine, Nga có đủ khả năng phát động chiến tranh chớp nhoáng.
Trường hợp chiến tranh bùng nổ, ít có khả năng NATO sẽ gửi quân trực tiếp tham chiến hỗ trợ Kiev bởi có nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân.
Dù vậy, giới chức một số nước cho biết quyết định viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm gửi đi thông điệp phương Tây quyết tâm ủng hộ Kiev, đồng thời cảnh báo Nga về cái giá nước này phải trả nếu tấn công Ukraine.
Trang Wall Street Journal cho biết, Ukraine hiện thiếu đạn trầm trọng, một quan chức Mỹ nói. Sau năm 2014, nhiều kho vũ khí của Ukraine đã bị phá hủy trong các vụ việc giống như tai nạn. Tuy nhiên, Kiev cáo buộc chính phủ Nga đứng sau các vụ phá hoại này.
Cơ quan tình báo Nga cũng bị cáo buộc tấn công phá hoại một số kho vũ khí tại Czech chuẩn bị được cung cấp cho Ukraine.
Ukraine chỉ có một nhà máy sản xuất đạn duy nhất nằm ở thành phố Luhansk. Nhưng sau năm 2014, thành phố này đã rơi vào tay phiến quân ly khai do Nga hậu thuẫn. Các đối tác phương Tây hiện giúp Ukraine giải quyết vấn nạn thiếu thốn đạn dược.
Một phần không nhỏ trong số hàng viện trợ Mỹ gửi cho Kiev là các loại đạn dược sử dụng cho các loại súng khác nhau, như lựu đạn, đạn súng trường cỡ lớn, đạn xuyên giáp xe cơ giới, đạn chống tăng.
Tháng trước, Anh gửi khoảng 2.000 tên lửa chống tăng tầm ngắn NLAW cho Ukraine. Tuần qua, quân đội Ukraine bắt đầu tập luyện sử dụng tên lửa NLAW ở các khu huấn luyện ngoài thành phố Chernihiv gần thủ đô Kiev.
Theo Wall Street Journal, Ukraine và Anh đang thảo luận về hợp đồng mua bán hai tàu quét mìn đã qua sử dụng. Kiev cũng muốn trông cậy vào Anh để tự sản xuất tàu khu trục và tàu tên lửa hộ tống.
Từ năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chuyển giao thiết bị bay không người lái Bayraktar TB2 cho Ukraine. Vũ khí này giúp quân đội chính phủ Kiev phá hủy pháo tầm xa của phiến quân tại Donbass.
Trong chuyến thăm Kiev tuần trước, Tổng thống Tayyip Erdogan ký hợp đồng chính thức cho phép Ukraine sản xuất thiết bị bay của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà máy sản xuất hiện đã khởi công ở ngoại ô Kiev.
Ba Lan, một trong những nước phản đối Nga tăng cường binh lực ở Đông Âu, cam kết viện trợ Ukraine thiết bị bay không người lái và các loại vũ khí phòng không tầm ngắn, vác vai. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak nói nước này sẽ viện trợ Ukraine những vũ khí tiên tiến nhất.
Trong chuyến thăm Mỹ tháng 12/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov mang tới Washington đề xuất mua các hệ thống phòng thủ tên lửa, bởi Kiev nhận thức rõ sức mạnh hỏa lực tầm xa của Nga.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk cho biết để hạn chế ưu thế của Nga, Ukraine cần phân tán lực lượng, đánh du kích. Những vũ khí mà Kiev sẽ cần đến gồm súng bắn tỉa, kính nhìn đêm, thiết bị bay do thám và tấn công, các hệ thống radar.
Các nước phương Tây bắt đầu cân nhắc viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine sau khi Nga sáp nhập Crimea và kích động ly khai ở Donbass.
Động thái leo thang căng thẳng gần đây ở Đông Âu khiến một số chính phủ phương Tây quyết định hành động. Tuy vậy, một số nước, đặc biệt những quốc gia phụ thuộc vào năng lượng của Nga, vẫn chỉ chuyển giao cho Ukraine trang thiết bị phi sát thương, trang Wall Street Journal cho biết.
Đức tới nay mới chỉ cung cấp cho Ukraine 5.000 mũ bảo hộ và nhu yếu phẩm y tế. Berlin cũng cấm Estonia cung cấp cho Ukraine pháo D-30 do Đức sản xuất. Trong khi đó, Canada cho biết đã viện trợ Ukraine một số thiết bị do thám và giám sát.
Tại Washington, lập trường về viện trợ vũ khí cho Ukraine cũng đã có những thay đổi. Nếu như dưới thời Barack Obama, Nhà Trắng phản đối cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev thì đến thời cựu Tổng thống Donald Trump, những tên lửa chống tăng Javelin đầu tiên đã được bàn giao.
Việc chính quyền Tổng thống Biden phê duyệt gói viện trợ quốc phòng 200 triệu USD mở đường cho chiến dịch không vận viện trợ vũ khí ồ ạt cho Ukraine hiện nay, đồng thời hứa hẹn sẽ có thêm nhiều lô vũ khí khác của Mỹ được bàn giao cho Kiev.
Bảo Trâm (Theo Wall Street Journal)