+
Aa
-
like
comment

Ukraine liên tục thỉnh cầu nhưng Mỹ và NATO đều “lắc đầu”: làm điều này nghĩa là tuyên chiến với Nga

08/03/2022 21:05

Mặc dù Ukraine kêu gọi áp dụng vùng cấm bay, nhưng Mỹ và NATO đều từ chối.

Lời thỉnh cầu Mỹ và NATO đều "lắc đầu": Tại sao làm điều này nghĩa là tuyên chiến với Nga?

Một cuộc thăm dò gần đây của Reuters tại Mỹ cho thấy 74% số người được hỏi ủng hộ NATO áp dụng vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine.

Chính quyền Ukraine cũng đã hối thúc liên minh do Mỹ đứng đầu áp dụng vùng cấm bay trên cả nước, đồng thời cho rằng cần phải bảo vệ thường dân Ukraine trước các đợt pháo kích của Nga.

Nhưng từ khi chiến tranh bùng nổ, chính quyền ông Biden đã bác bỏ động thái này, đồng thời cảnh báo rằng nó có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột trực tiếp với Nga – một cường quốc hạt nhân.

Vậy tại sao Mỹ lại không thiết lập vùng cấm bay như lời kêu gọi của nhiều bên liên quan?

Dưới đây là một số giải thích chi tiết được Al Jazeera đăng tải:

Vùng cấm bay là gì?

Peter Harris, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bang Colorado, giải thích rằng vùng cấm bay là “không gian địa lý được chỉ định, nơi một số loại chuyến bay bị cấm”.

“Trong tình huống này, điều mà mọi người đề cập tới là các không gian được chỉ định bên trong lãnh thổ Ukraine – có thể là toàn bộ Ukraine – cấm sử dụng máy bay quân sự, cụ thể là máy bay quân sự của Nga trong vùng trời đó”, ông Harris nói với Al Jazeera.

Ảnh: AP

Ông Harris cho biết kích hoạt lệnh cấm bay sẽ đồng nghĩa với việc cho phép (và bắt buộc) phá hủy các hệ thống phòng không của Nga ở Ukraine và đe dọa bắn hạ máy bay Nga trên toàn bộ Ukraine nhằm tránh việc chúng tiếp cận các máy bay phản lực của NATO. Ông nói: “Đó sẽ là một sự leo thang khá gay gắt của NATO”.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio nói vùng cấm bay đã trở thành một “câu cửa miệng” với nhiều người không hiểu ý nghĩa của nó. Trả lời ABC News, ông Rubio nói: “Không phải chỉ đơn thuần là thông qua một số quy tắc mà mọi người phải tuân theo. Đó đồng nghĩa với việc sẵn sàng bắn hạ máy bay của Nga, hay về cơ bản là châm ngòi cho Thế chiến III”.

Ai muốn áp dụng vùng cấm bay?

Chính phủ Ukraine là phía ủng hộ mạnh mẽ nhất cho việc áp dụng vùng cấm bay trên cả nước.

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã nhiều lần đề nghị NATO cấm máy bay phản lực của Nga bay trong không phận Ukraine, một động thái mà ông cho là sẽ cứu dân thường khỏi các cuộc tấn công. NATO có hiệp ước về quyền tự vệ tập thể của tất cả các thành viên, nhưng Ukraine không phải là thành viên của liên minh này.

“Chúng tôi vẫn lặp lại hàng ngày rằng: hãy khóa chặt bầu trời Ukraine. Đóng cửa đối với tất cả các tên lửa của Nga, đối với máy bay chiến đấu của Nga, đối với tất cả những kẻ tấn công từ Nga”, ông Zelenskyy nói.

Tại sao đề cập tới vũ khí hạt nhân?

Một số quan chức và chuyên gia đã nhấn mạnh rằng Nga là một cường quốc hạt nhân khi lên tiếng phản đối việc NATO áp đặt vùng cấm bay đối với Ukraine.

Ông Harris cho biết, hỗ trợ quân sự của NATO cho Ukraine có nguy cơ leo thang, và việc trực tiếp tham gia vào các hành động thù địch chống lại Nga sẽ khiến Washington và các đồng minh của họ tiến gần hơn đến xung đột trực tiếp với Moscow.

Ông Harris nói: “Nếu có một cuộc xung đột nóng giữa Nga và một thành viên NATO, thì cuối cùng vũ khí hạt nhân sẽ được mang ra cuộc chiến. Dù mọi người có muốn hay không, đó vẫn luôn là một khả năng. Và các nhà lãnh đạo không thể đảm bảo một cách đáng tin cậy rằng họ sẽ không leo thang đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân bởi vì các sự kiện có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của những người chịu trách nhiệm”.

Trước đây, vùng cấm bay đã được thực hiện ở đâu?

Mỹ và NATO đã dẫn đầu nỗ lực thiết lập các vùng cấm bay trong 3 cuộc xung đột khác nhau trong 30 năm qua.

Iraq, năm 1992: Bắt đầu từ năm 1992, sau Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, một liên minh do Mỹ dẫn đầu đã thực thi vùng cấm bay trên miền nam và miền bắc Iraq trong nỗ lực hạn chế các cuộc tấn công từ trên không của chính phủ Tổng thống Saddam Hussein. Cơ chế đó vẫn được duy trì cho đến khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003.

Bosnia, năm 1993: Lực lượng không quân NATO đã hợp tác thực thi vùng cấm bay trên Cộng hòa Bosnia và Herzegovina mới thành lập từ năm 1993 đến 1995 để bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công trên không chủ yếu của lực lượng Bosnia-Serb. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết vào năm 1993 cho phép các quốc gia thành viên thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ không phận của Bosnia.

Libya, năm 2011: Sau khi một cuộc nổi dậy chống lại nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi nổ ra ở Libya và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi cấm các chuyến bay qua đất nước này, NATO đã thiết lập một vùng cấm bay trong bối cảnh phức tạp. Sự can thiệp của NATO đã một phần dẫn tới việc phiến quân tại Libya lật đổ ông Gaddafi. Nhà lãnh đạo này sau đó đã bị các tay súng đối lập có vũ trang bắt và sát hại.

Tuy nhiên, ông Harris nhấn mạnh rằng Ukraine là trường hợp khác với 3 trường hợp trước vì Nga là một quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân với lực lượng phòng không và không quân mạnh.

Có loại vùng cấm bay nào khác không?

Một số quan chức đã kêu gọi Mỹ thực hiện vùng cấm bay “hạn chế” để bảo vệ dân thường tại các khu vực cụ thể của Ukraine.

Với tên gọi “vùng cấm bay nhân đạo”, những người ủng hộ biện pháp này cho rằng nó sẽ tạo ra nơi trú ẩn an toàn cho người Ukraine đang di tản khỏi vùng chiến tranh và là bệ phóng cho các nỗ lực cứu trợ nhân đạo trên khắp đất nước mà không ảnh hưởng tới cán cân quân sự trong cuộc xung đột.

Dù vậy, vùng cấm bay nhân đạo vẫn cần phải tới can thiệp quân sự và có cùng những rủi ro về tính toán sai lầm và leo thang. “Tôi không nghĩ rằng có sự khác biệt thực sự”, ông Harris nói và cho rằng “các hành lang nhân đạo” được đàm phán giữa Ukraine và Nga để cho phép dân thường chạy trốn khỏi các cuộc giao tranh là một vấn đề khác mà không cần NATO can thiệp.

Chính quyền ông Biden nói gì?

Bất chấp những lời kêu gọi ngày càng tăng nhằm thực thi vùng cấm bay đối với Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các trợ lý hàng đầu của ông đã bác bỏ ý tưởng này. Đây là những gì họ đã nói trong tuần qua:

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki: “Một khu vực cấm bay cần áp dụng nhiều nguyên tắc. Về cơ bản, vùng cấm bay sẽ buộc quân đội Mỹ phải bắn hạ máy bay Nga và gây ra một cuộc chiến trực tiếp tiềm tàng với Nga – đây là điều mà chúng tôi muốn tránh”.

Ngoại trưởng Antony Blinken nói với NBC News: “Tổng thống Biden có trách nhiệm không đưa chúng ta vào một cuộc xung đột trực tiếp, một cuộc chiến trực tiếp, với Nga – một cường quốc hạt nhân – và có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh mở rộng thậm chí vượt ra ngoài Ukraine đến châu Âu.”

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói với ABC News: “Tổng thống Biden đã rất, rất rõ ràng rằng quân đội Mỹ sẽ không được đưa tới mặt đất hoặc trên không để leo thang cuộc chiến này và biến nó trở thành cuộc chiến của Mỹ chống lại người Nga.”

NATO đã nói gì?

NATO bày tỏ cùng ý kiến với chính quyền Mỹ rằng việc thực thi vùng cấm bay sẽ khiến liên minh quân sự này đối đầu trực tiếp với Nga. NATO từ chối các lời kêu gọi của Ukraine.

“Chúng tôi không phải là một phần của cuộc xung đột này”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sau cuộc họp của khối xuyên Đại Tây Dương vào tuần trước. “Chúng tôi với tư cách là đồng minh NATO có trách nhiệm ngăn chặn cuộc chiến này leo thang bên ngoài lãnh thổ Ukraine vì điều đó sẽ còn nguy hiểm hơn, tàn khốc hơn và sẽ gây ra nhiều đau khổ hơn cho con người.”

Nga đã nói gì?

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo phương Tây không nên áp dụng vùng cấm bay đối với Ukraine, nói rằng điều đó nghĩa là tuyên chiến với Nga.

“Bất kỳ nước nào hành động theo hướng đó sẽ được chúng tôi coi là lời tuyên bố tham gia vào cuộc xung đột vũ trang”, ông Putin nói.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều