Ukraine “đổi mục tiêu” từ bỏ NATO mong muốn gia nhập phe mới càng sớm càng tốt
Một số quốc gia thành viên và các quan chức EU lo ngại việc để Ukraine gia nhập EU quá nhanh sẽ khiến Nga thêm giận dữ.
Khi xung đột giữa Nga và Ukraine đang căng thẳng, ngày 28/2 theo giờ địa phương, Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), đồng thời liên tục kêu gọi EU cho phép Ukraine gia nhập tổ chức này càng sớm càng tốt bằng “thủ tục đặc cách”.
Những khúc quanh trên con đường gia nhập EU
Trang Sohu của Trung Quốc đưa tin, mong muốn gia nhập EU của Ukraine đã có từ lâu và ở một mức độ nào đó có liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014.
Ngay từ năm 2005, tại Hội nghị thượng đỉnh Ukraine – EU lần thứ 12, Ukraine và EU đã ký “Kế hoạch hành động Ukraine – EU”. Năm 2009, hai bên đã ký “Chương trình nghị sự giữa các nước liên kết” càng cụ thể và có tính hoạt động hơn. Năm 2010, hai bên tuyên bố bắt đầu đàm phán trong khuôn khổ chương trình nghị sự để thảo luận về việc ký kết một thỏa thuận liên kết song phương.
Tuy nhiên, việc Ukraine liên tục tiếp cận châu Âu đã khiến Nga không hài lòng. Do những nỗ lực của Tổng thống Ukraine khi đó là ông Viktor Yanukovych, vào tháng 11/2013, Quốc hội Ukraine đã bác bỏ một dự luật nhằm đáp ứng các yêu cầu của “thỏa thuận liên kết”, và ông Yanukovych ngay lập tức tuyên bố rằng Ukraine “đình chỉ” ký thỏa thuận liên kết với EU.
Trước và sau đó, chính phủ Ukraine do ông Yanukovych đứng đầu đã ký một loạt thỏa thuận với Nga. Khi các phe phái thân EU tiến hành các cuộc biểu tình, cuối cùng dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine từ tháng 11/2013 đến tháng 2/2014.
Tháng 9/2014, “Thỏa thuận liên kết Ukraine – EU” – vốn nhiều lần bị ngăn chặn và trì hoãn – đã được Quốc hội Ukraine và Nghị viện châu Âu thông qua và cuối cùng đã có hiệu lực vào ngày 1/9/2017. Tuy nhiên, đây chỉ là một bước tiến nhỏ so với con đường dài Ukraine phải đi để gia nhập EU.
Cuộc xung đột quân sự với Nga lần này gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Ukraine. Gia nhập EU để nhận được sự ủng hộ đã trở thành mong muốn cấp thiết của chính phủ và công chúng Ukraine.
Mặc dù EU không phải là một liên minh quân sự, nhưng Hiệp ước Lisbon – cơ sở pháp lý của EU – quy định rõ ràng rằng: “Bất kỳ quốc gia thành viên nào bị xâm lược vũ trang, các quốc gia thành viên khác có nghĩa vụ hỗ trợ và giúp đỡ trong khả năng của mình”. Ukraine có thể nhận được nhiều viện trợ quân sự trực tiếp hơn trong trường hợp nước này trở thành thành viên của EU.
Vì lý do này, ngay sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ không lâu, phải chịu áp lực quân sự của Nga và giành được một số thiện cảm của quốc tế, Ukraine đã nhanh chóng điều chỉnh “trọng tâm” của mình, chuyển mục tiêu tương lai từ gia nhập NATO sang gia nhập EU.
Thái độ “nửa vời” của EU
Theo Sohu, so với một NATO đã sớm dự đoán “sẽ xảy ra chiến tranh” nhưng cũng sớm tuyên bố “không cử một binh sĩ nào tới Ukraine”, EU lần này có vẻ khá chủ động.
Ngày 28/2, trước đề nghị của Ukraine cho phép nước này nhanh chóng gia nhập EU bằng “thủ tục đặc cách” theo “lối đi nhanh”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, “chúng tôi hy vọng Ukraine sẽ gia nhập EU” và “một ngày nào đó Ukraine sẽ trở thành thành viên của EU”. Đây là lần đầu tiên một chính trị gia cấp cao của EU thể hiện quan điểm này một cách rõ ràng như vậy.
Ngày 1/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu trực tuyến trước Nghị viện châu Âu. Các nghị sĩ EU đã bày tỏ sự đồng tình và thấu hiểu lời thỉnh cầu của Ukraine bằng cách vỗ tay không ngớt.
Nhưng đằng sau sự “nhiệt tình” này là một thái độ “nửa vời” đầy ẩn ý.
Có lẽ đó là do những gì bà Ursula von der Leyen nói “dễ gây hiểu lầm”. Sau đó vào ngày 28/2, người phát ngôn của EU nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng đó chỉ là “ý kiến cá nhân” của bà von der Leyen và rằng EC là “một nơi có các quy định”, ngay cả khi là chủ tịch “thì cũng không thể một mình quyết định”.
Sau đó, một chính trị gia EU khác là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã nói rõ hơn khi cho rằng, việc Ukraine gia nhập EU cần có sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên EU, và các nước thành viên này có “quan điểm và độ nhạy cảm khác nhau về vấn đề này”.
Tháng 2/1991, Hungary, Ba Lan và Tiệp Khắc thành lập “Nhóm Visegrad” nổi tiếng nhằm hỗ trợ lẫn nhau gia nhập EU. Sau khi Cộng hòa Séc và Slovakia trở thành quốc gia độc lập vào năm 1993, số lượng thành viên của nhóm đã thay đổi từ ba thành bốn. Giờ đây, cả bốn quốc gia thành viên của nhóm này đều đã có được điều ước của mình. Chính phủ Ukraine đã đưa nhóm này và những “chiến hữu” trở thành trọng tâm trong quan hệ công chúng và đã đạt được một số kết quả nhất định.
Ngày 27/2, 8 quốc gia EU là Cộng hòa Séc, Latvia, Litva, Bulgaria, Estonia, Ba Lan, Slovakia và Slovenia đã cùng nhau ra thư ngỏ kêu gọi EU thảo luận về vấn đề Ukraine gia nhập EU càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, thái độ của các quốc gia thành viên khác là rất khác nhau, nhìn chung có xu hướng bảo thủ và lý do rất phức tạp.
Một số quốc gia thành viên và các quan chức EU lo ngại việc để Ukraine gia nhập EU quá nhanh sẽ khiến Nga thêm giận dữ.
Một số quốc gia thành viên và quan chức EU cho rằng, thu nhập bình quân đầu người của Ukraine chỉ bằng 1/4 Romania – thành viên nghèo nhất hiện nay của EU. Mặc dù thỏa thuận liên kết đã được ký kết, nhưng quá trình “hợp tác chính trị và hội nhập kinh tế sâu rộng” vẫn chưa được suôn sẻ.
Các chuyên gia pháp lý liên quan của EU cũng cho rằng, trong nhiều lĩnh vực như kinh tế thị trường và các quy tắc môi trường, Ukraine phải “thay đổi hoàn toàn hàng nghìn quy định, tiêu chuẩn và hệ thống” mới có thể đáp ứng yêu cầu “liên kết với EU”.
Ngoài ra, một số người còn cho rằng, Ukraine có những vấn đề như “tham nhũng” và “hệ thống luật pháp chưa chặt chẽ”. “Trong mọi trường hợp, quy tắc vẫn là quy tắc, không thể để một quốc gia không đáp ứng các tiêu chuẩn tùy tiện gia nhập EU”.
Có thực sự là một “lối đi nhanh”?
Theo Sohu, trong tình hình hiện nay, việc các quan chức châu Âu từ chối trực tiếp yêu cầu của Ukraine là quá rủi ro về mặt chính trị. Vì vậy, hầu hết các chính trị gia “ôn hòa” không thể không nói những lời kiểu như “để chúng tôi nghiên cứu”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là đại diện của phe “ôn hòa”, và thái độ của ông đã khiến Tổng thống Ukraine Zelensky bất mãn trước khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine leo thang. Tháng 4/2021, ông Zelensky nói với tờ Le Figaro của Pháp rằng: “(Macron) không thể để chúng tôi chờ đợi vô thời hạn trong các phòng chờ của EU và NATO”.
Theo tình hình hiện nay, chỉ có một kênh duy nhất để vào EU, đó là tuân theo các quy định tại Điều 49 của Hiệp ước EU:
Đầu tiên, quốc gia nộp đơn phải chính thức nộp “Đơn xin gia nhập EU”;
Thứ hai, Hội đồng Liên minh châu Âu đưa ra ý kiến chính thức về “Đơn xin gia nhập EU”;
Thứ ba, Nghị viện Châu Âu biểu quyết về việc có chấp thuận đơn này hay không;
Thứ tư, EU thực hiện các bước xét duyệt cồng kềnh và phức tạp dựa trên các tiêu chí bao gồm tất cả các lĩnh vực hoạt động của EU (lên đến 35 lĩnh vực);
Thứ năm, Hội đồng EU thông qua “Đơn xin gia nhập EU”;
Thứ sáu, Nghị viện châu Âu và Quốc hội Ukraine biểu quyết thông qua đơn này;
Thứ bảy, nghị viện của tất cả 27 quốc gia thành viên EU làm thủ tục bỏ phiếu;
Thứ tám, gia nhập EU.
“Lộ trình tiêu chuẩn” này thực sự là một quãng đường khá dài. Bosnia và Herzegovina đã nộp “Đơn xin gia nhập EU” từ năm 1995, nhưng mãi đến tận năm 2016 mới được tổ chức này kết nạp. Thổ Nhĩ Kỳ được EU chấp nhận “Đơn xin gia nhập EU” vào năm 2005, nhưng đến nay đã 17 năm trôi qua, mục tiêu gia nhập EU của quốc gia này không những không gần hơn mà còn ngày càng xa vời.
Khai Tâm