Úc lên tiếng về lập trường Biển Đông của Mỹ, ủng hộ tự do hàng hải
Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định nước này ‘ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải trên Biển Đông’, khi được hỏi về việc Mỹ bác bỏ hầu hết yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc trong tuyên bố lập trường mới.
‘Chúng tôi sẽ tiếp tục lập trường nhất quán là ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải trên Biển Đông’, ông Morrison khẳng định trước báo giới ngày 16-7. Úc là nước mới nhất lên tiếng về lập trường Biển Đông mới của Mỹ.
Sự hiện diện của Úc trên Biển Đông vẫn còn khá khiêm tốn và thường vấp phải sự chỉ trích, đe dọa từ Trung Quốc.
Năm 2015, sau khi Mỹ triển khai chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông đầu tiên, Úc xác nhận máy bay quân sự của nước này đã bay ngang qua khu vực. Năm 2018, trên đường tới thăm Việt Nam, 3 tàu chiến Úc đã gặp phải sự thách thức từ tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông.
Lần gần đây nhất Úc công khai hoạt động tại Biển Đông là vào tháng 4-2020. Tàu hộ vệ tên lửa của Úc đã tham gia tập trận chung với nhóm tàu chiến Mỹ gần khu vực tàu khảo sát Hải dương 8 của Trung Quốc hoạt động. Nhóm tàu Trung Quốc trước đó đã đe dọa tàu thăm dò Malaysia.
Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đang chứng kiến những căng thẳng về chính trị trong hơn một năm qua. Canberra gần đây đã điều chỉnh chiến lược quốc phòng trước các mối đe dọa tiềm tàng từ các hoạt động của Bắc Kinh trong khu vực.
Theo chuyên gia Euan Graham thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), việc tăng cường năng lực quân sự sẽ không thể hoàn tất trong thời gian ngắn hạn. Do đó trong thời gian tới, Úc có thể sẽ phối hợp với các đối tác trong khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia… để đối phó Trung Quốc.
Dù Úc và Indonesia có một số vấn đề khác biệt nhưng lại có điểm chung là đều lo lắng trước sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Để thuyết phục các nước hợp tác và tự tăng cường năng lực cảnh giới, ông Graham suy đoán Úc sẽ triển khai hệ thống giám sát hàng hải với các cảm biến hiện đại dưới nước và sử dụng các tàu ngầm không người lái cho tới khi hạm đội tàu ngầm mới hoàn thiện vào năm 2030.
BẢO DUY/ TTO