Úc cảnh báo sẽ ‘tiếp đón’ tàu do thám Trung Quốc đi vào EEZ nước này
Sự xuất hiện của tàu do thám Tianwangxing trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Úc khiến một số người lo lắng nhưng giới chức lại tỏ ra điềm tĩnh. Bộ Quốc phòng Úc hé lộ đã lên kế hoạch “tiếp đón” tàu Trung Quốc.
“Chúng tôi đang rất cảnh giác trước sự xuất hiện của tàu Tianwangxing. Nhưng như quý vị cũng đã biết, con tàu có quyền đi vào EEZ”, Thủ tướng Úc Scott Morrison giải đáp thắc mắc của một tờ báo địa phương ngày 14-7.
“Chúng tôi biết tàu Trung Quốc đang lảng vảng ngoài kia và luôn theo dõi sát sao. Chúng tôi hiểu vì sao phải làm như vậy”, ông Morrison khẳng định.
Đây không phải là lần đầu tiên tàu do thám Trung Quốc đến EEZ của Úc để thu thập thông tin tình báo từ cuộc tập trận Talisman Sabre. Các tàu Trung Quốc đã từng lảng vảng vào các năm 2017 và 2019, theo truyền thông Úc.
Cuộc tập trận năm nay có sự tham gia của hơn 17.000 binh sĩ đến từ Úc, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc và New Zealand. Các hoạt động đầu tiên đã bắt đầu hôm 14-7 và dự kiến kéo dài đến hết ngày 31-7 tới.
Tàu Tianwangxing có khả năng theo dõi các vụ phóng tên lửa và thu thập các tín hiệu tình báo. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cho biết Canberra không bất ngờ vì sự xuất hiện của tàu do thám Trung Quốc và đã theo dõi nó nhiều ngày qua.
“Chúng tôi đã dự đoán được việc một tàu do thám thế này sẽ mò đến khu vực tập trận như mấy lần trước và đã lên kế hoạch cho sự có mặt của nó”, ông Dutton khẳng định.
Hiện chưa có động thái nào cho thấy Úc sẽ phản đối Trung Quốc vì đưa tàu do thám vào EEZ. Thủ tướng Úc Morrison và các quan chức trong chính quyền lập luận theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, tàu Trung Quốc có quyền đi vào EEZ và Canberra là một bên tuân thủ luật.
“Úc ủng hộ và tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia thực hiện tự do hàng hải và hàng không hợp pháp trong vùng biển và vùng trời quốc tế, giống như chúng tôi mong muốn những người khác cũng tôn trọng quyền của chúng tôi”, Bộ Quốc phòng Úc đặt vấn đề trong thông cáo ngày 14-7.
Bắc Kinh đã nhiều lần phản đối các hoạt động “đảm bảo tự do hàng hải” của Mỹ và đồng minh trên Biển Đông, cáo buộc các nước này “xâm phạm chủ quyền Trung Quốc” bất chấp yêu sách vô lý đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ.
“Phản ứng chính thức của Úc trước các hoạt động quân sự của nước ngoài trong EEZ của mình có xu hướng ôn hòa và dựa trên sự hiểu biết về luật pháp quốc tế”, nhà nghiên cứu Collin Koh (Singapore) nhận định với báo South China Morning Post.
BẢO DUY