UBND TP Gia Nghĩa chưa biết chuyện phá 5.600m2 rừng phòng hộ và ai là thủ phạm
Sau nhiều ngày xảy ra vụ máy móc cơ giới rầm rộ ủi cả tuyến đường rộng 8-10m, dài khoảng 2km, vùi lấp hơn 5.600m2 rừng phòng hộ Đắk R’Tih, UBND TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) nói mới nắm vụ việc qua báo chí và vẫn chưa biết ‘thủ phạm’ là ai.
Hơn 5.600m2 rừng phòng hộ thủy điện Đắk R’Tih đã bị hủy hoại – VIDEO: TRUNG TÂN
Liên quan đến vụ “tự ý san lấp 5.000m2 rừng phòng hộ thủy điện Đắk R’Tih”, chiều 30-3, ông Đỗ Tấn Sương – chủ tịch UBND TP Gia Nghĩa – xác nhận mới biết sự việc qua báo chí và ‘có chỉ đạo qua điện thoại’ để xã xác minh, nắm thông tin để xử lý…
Ông Sương cho biết phó chủ tịch xã Đắk R’Moan báo cáo qua điện thoại có 2 người đến mua gom đất khu vực thôn Tân Hiệp (xã Đắk R’moan), rồi mở đường vành đai để vận chuyển nông sản. Việc tự ý mở đường, hủy hoại cây rừng phòng hộ họ hứa sẽ bồi thường đúng, đủ.
Sáng cùng ngày, tại hiện trường, tất cả máy móc cơ giới đã rút lui. Tại đây xuất hiện thêm một số tuyến đường ‘xương cá’ nối từ đường vành đai lên đỉnh đồi, trên phần đất nông nghiệp, trồng cà phê mà một người đã “mua gom” trước đó.
Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Trai – hạt trưởng Hạt kiểm lâm TP Gia Nghĩa – cho biết sau khi UBND xã Đắk R’Moan phát hiện, báo cáo, ngày 9-3, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo đơn vị xác minh, điều tra vụ việc.
Tại hiện trường phá rừng, diện tích rừng trồng bán ngập thuộc lô a, khoảnh 5 tiểu khu 1725 xã Đắk R’Moan tại lòng hồ thủy điện Đắk R’Tih đo được 5.624m2.
“Trong bản đồ thiết kế trồng rừng bán ngập dự án với mục đích phòng hộ, chắn gió, ngăn sạt lở. Rừng trồng từ năm 2017 nhưng đến nay, theo tìm hiểu, Quỹ bảo vệ phát triển rừng Đắk Nông (đơn vị chủ đầu tư, trồng 160ha rừng tại khu vực lòng hồ Đắk R’Tih – PV) chưa thực hiện thủ tục để UBND tỉnh Đắk Nông công nhận là rừng phòng hộ”, ông Trai thông tin.
Cũng qua kiểm tra, việc mở đường trái phép đã vùi lấp hoàn toàn các cây gáo vàng dưới 1m, những cây có đường kính khoảng 20cm, cao trên 1-4m bị lấp nửa thân.
“Diện tích rừng bán ngập (cây gáo vàng) đã bị hủy hoại nghiêm trọng, nếu không kịp thời khắc phục, số cây còn lại cũng sẽ bị chết”, ông Trai lo lắng.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Trung Đông – phó chủ tịch UBND xã Đắk R’Moan, điều đáng lo lắng hơn là hiện các ngành chức năng chưa biết ai là thủ phạm thuê người ủi đường, phá rừng phòng hộ.
Ông Đông cho biết người trực tiếp lái máy san ủi tuyến đường nói mình được thuê bằng miệng, chứ không có hợp đồng. Tuy nhiên, qua xác minh không có ai tại địa phương như lời khai.
“Chúng tôi đang giao công an xã xác minh để truy tìm thủ phạm thực sự đã hủy hoại đất, rừng mới có thể xử lý, xử phạt theo quy định”, ông Đông giải thích.
Ông Đông cũng khẳng định có nắm được việc một số cá nhân tại TP.HCM lên khu vực quanh lòng hồ thủy điện Đắk R’Tih “mua gom” đất với diện tích lớn. Tuy nhiên những người này là ai xã không biết và sẽ đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai TP Gia Nghĩa cung cấp thông tin.
Về nghi vấn một đại gia lên khu vực này mua gom đất, tự ý mở đường làm dự án, ông Đỗ Tấn Sương cho biết cũng chưa nghe và sẽ cho kiểm tra.
Theo ông Sương, khu vực này chưa được quy hoạch làm khu đô thị, dân cư nào cả. “Nhưng hình như có một cá nhân có văn bản xin đầu tư dự án tại đây, cụ thể ra sao phải để ngành chức năng kiểm tra, sẽ thông tin sau”, ông Sương nói.
Từ hồ sơ, ngày 25-11-2020, ông Nguyễn Văn Sang – tổng giám đốc Công ty cổ phần DOSA GROUP (TP.HCM) – có văn bản xin ngành chức năng cho “đăng ký kế hoạch sử dụng đất” tại thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’Moan với diện tích khoảng 120ha sử dụng vào mục đích đất ở đô thị “để đầu tư dự án khu biệt thự ven hồ, thương mại dịch vụ và công trình công cộng có mục đích kinh doanh”, với thời gian sử dụng đến năm 2064.
Qua điện thoại, ông Sang khẳng định không liên quan gì đến việc san ủi, hủy hoại đất rừng ven hồ thủy điện Đắk R’Tih. Đến nay ông cũng chưa nộp bất cứ thủ tục nào để đầu tư dự án nào tại khu vực này.
TRUNG TÂN