Ứa nước mắt với những “xóm mồ côi” không màng đón Tết
Những “xóm mồ côi” có hàng trăm nóc gia nằm chơi vơi ven rừng phòng hộ Bạc Liêu, tách biệt hẳn với cuộc sống hối hả bên ngoài
Ở khu rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu có những xóm nhà quạnh hiu được gọi tên theo tên của những con mương (kênh, rạch) chảy thông ra biển. Cư dân của những “xóm mồ côi” này mấy mươi năm chỉ cắm mặt vào rừng vào biển để mưu sinh bằng nghề “săn bắt hái lượm”. Cuộc sống của họ gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.
Nghỉ Tết là không có ăn
Tôi trở lại những “xóm mồ côi” những ngày giáp Tết. Hơn 20 nóc nhà lụp xụp bên dòng kênh Mương Bảy đổ ra biển Đông (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) vẫn không khác gì hơn so với mấy năm trước. Có khác là nhiều chỗ rách hơn và nghiêng nhiều hơn theo hướng gió từ biển thổi vào.
Rừng vào Xuân không có trăm hoa đua nở như bên ngoài, mà chỉ có những ngôi nhà lá màu xám lọt thỏm giữa màu xanh của ngàn lá. Trong nhà chỉ còn lại vài trẻ nhỏ và người già. “Giờ này ra biển hết rồi chú ạ! Ở đây mấy chục năm ngày Tết cũng như ngày thường, bà con làm ngày nào ăn ngày đó, nghỉ làm một ngày là đói!”, ông Tô Văn Chiến (67 tuổi) phân trần.
Ông Chiến cũng là người cao tuổi nhất xóm và là người lập nên xóm này từ 30 năm trước. Ngôi nhà của ông làm bằng cây lá địa phương, nền đất nhưng đã là ngôi nhà tươm tất và rộng nhất trong xóm. Nhiều ngôi nhà khác rách bươm, được chắp vá, che chắn bằng bất cứ thứ gì có thể…
Chị Hà Kim Nhanh, cho biết 3 đứa con nhỏ vẫn chưa có quần áo mới, phải chờ cha chúng xong chuyến biển về mới tính. Nhiều người khác nghe vậy cũng xúm xít “khoe” con mình Tết này… không có áo mới. Dường như chẳng có ai buồn hay lo lắng, chắc đã thành quen… “Ở đây là vậy đó, ai cũng nghèo như ai, một đứa không có áo mới thì cả xóm cũng không. Cũng giống như chúng tôi từ lúc mở mắt chào đời đã thấy quanh mình là rừng và biển, lớn lên chút nữa thì lặn lội kiếm ăn, cả chuyện học hành cũng bỏ quên nơi xó rừng, nên chẳng phải bận tâm việc bọn trẻ so bì với những đứa trẻ bên ngoài”, chị Nhanh hồn nhiên nói.
Ngoài xóm Mương Bảy này, suốt dọc dải rừng phòng hộ hơn 5.000 ha ven biển Bạc Liêu hiện có gần 900 hộ với khoảng 2.500 nhân khẩu. Tất cả họ đều lặn ngụp ngoài bãi biển để kiếm ăn hàng ngày. Nói về cuộc mưu sinh chật vật nơi đây, nhiều người ví von rằng khi nào cái quần ướt là no, còn quần khô là đói. Bởi họ sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, vào những sản vật ven biển với cách khai thác chủ yếu là xắn quần lội xuống biển và mò bằng tay không.
Những xóm nhà này đều có “tuổi đời” khoảng 30 năm, tập trung ở đầu những con kênh phía sát biển. Vì vậy mà tên xóm cũng được gọi theo tên của những con kênh đó, như: Mương Bảy, Mương Bốn, Mương Hai…
“Xuân này con không về!”
Gần 12 giờ trưa, cái nắng nóng dần xua tan cái không khí se lạnh của những ngày đầu Xuân. Từ ngoài mé biển, vài bóng người lam lũ đang trở về nhà tránh nắng. Bà Nguyễn Thị Hạnh, ở xóm Mương Bốn, cách Mương Bảy một cánh rừng, đang mang vào “chiến lợi phẩm” sau một ngày ngụp lặn ngoài biển chỉ có gần 1 kg hải quỳ. “Mấy chục năm nay, chỉ duy nhất ngày mùng 1 Tết là người dân ở đây không ra biển, còn lại các ngày khác đều phải ra biển kiếm ăn, nghỉ hơn một ngày là coi như đói. Ở rừng này, dân nghèo ngày càng đông làm cho ốc len, ba khía sinh sản không kịp để bắt. Người nào giỏi lắm thì đi một buổi kiếm được khoảng 1 kg hải quỳ, bán được khoảng 3-4 chục ngàn đồng, đủ sống qua một ngày”, bà Hạnh cho biết.
Đi cùng bà Hạnh là người con gái tên Nguyễn Tố Linh, năm nay đã 17 tuổi nhưng dáng dấp chỉ bằng đứa trẻ 12. Bộ quần áo lem luốc bùn đất, khuôn mặt xanh xao mướt mồ hôi. Em bảo đã theo mẹ lội rừng, xuống kênh mò cua bắt ốc từ năm 7 tuổi và kể từ đó đến nay em chưa từng bước chân ra khỏi rừng.
Ở xóm Mương Hai, nơi nghèo nhất trong các “xóm mồ côi” ở rừng phòng hộ Bạc Liêu, bà Nguyễn Thu Hồng (54 tuổi) bế đứa cháu ngoại mới hơn 10 tháng tuổi đi tìm chỗ gửi nhờ để ra biển bắt ốc nhưng nhà nào cũng vắng nên đành ngồi chờ. Đứa bé là kết quả của những ngày rong chơi của đứa con gái mới 13 tuổi tên H.T.N của bà. “Từ lúc sinh con bé được 2 tháng, nó đi biền biệt không về, không một chút tin tức. Tết này, ngóng mãi cũng không thấy tăm hơi!”, bà Hồng quệt nước mắt kể.
Cách đây 13 năm, bà Hồng cũng bồng đứa con gái bằng đứa cháu ngoại bây giờ trôi dạt đến xóm Mương Hai. Khi đó, bà cũng ôm con đi gửi hàng xóm để ra biển mò cua bắt ốc kiếm tiền mua sữa cho con giống như cái cảnh bà nuôi cháu ngoại bây giờ.
“Trước tôi ở phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu. Chồng tôi bệnh qua đời lúc tôi sinh cháu N. được 7 tháng. Không có việc làm, không người nương tựa nên tôi phải mang con ra đây dựng cái chòi và ra biển mò cua bắt ốc kiếm tiền mua sữa cho con. N. học được hết lớp 3 thì đòi nghỉ học. Cháu nói nhà nghèo quá, đi học mặc cảm với bạn bè. Tôi khuyên không được, nên thôi. Từ lúc nghỉ học, cháu cũng bắt đầu tụ tập bạn bè bên ngoài rừng đi chơi nhiều hơn. Tôi vì lo kiếm sống suốt ngày nên cũng không có thời gian để quan tâm tới con. Đến lúc nó mang thai tôi cũng không hay. Lúc sinh con, nó mới 13 tuổi. Hỏi cha đứa bé là ai, nó cương quyết không nói. Khi con bé được 2 tháng thì nó bỏ nhà đi. Đến giờ tôi cũng không có tin tức gì và cũng không biết con đang ở đâu…”, bà Hồng buồn bã kể.
DUY NHÂN/NLĐ