U23 Việt Nam – U23 Triều Tiên: Cánh cửa hẹp trước mặt!
Khi tấm vé tứ kết bị định đoạt bởi kẻ khác, liệu “đoàn quân đỏ” thêm một lần lách qua khe cửa hẹp?
Đôi cánh gãy
Hoàn cảnh của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á năm nay thêm một lần nữa chứng minh rằng: Thầy giỏi chỉ là một việc, chất lượng cầu thủ là một việc hoàn toàn khác.
Việc giữ sạch lưới, kiếm được 2 điểm để duy trì hy vọng đã cho thấy ông Park vẫn rất xuất sắc, dù sao “không để thủng lưới trước khi ghi bàn” vẫn là triết lý bóng đá kinh điển.
Bóng đá là môn thể thao có tính kế thừa rất cao, hai trận đấu vừa qua cho thấy Việt Nam còn nhiều lổ hổng trong đào tạo trẻ, một phần nguyên nhân do lò HAGL không có thêm “sản phẩm” mới chất lượng.
“Có bột mới gột nên hồ”. Khi lực lượng trong tay ông Park quá mỏng, đặc biệt là hai bên cánh không còn những cầu thủ được đào tạo chuyên sâu sở trường như Văn Thanh, Hồng Duy, Văn Hậu…
Việt Anh và Ngọc Bảo liên tục bị đối phương khoét sâu xuống hai cánh, Quang Hải mất phần lớn tố chất nguy hiểm khi phải lùi về hỗ trợ phòng ngự. Tấn Tài và Thanh Thịnh mang đến nỗi thất vọng.
Trong bối cảnh Quang Hải bị chăm sóc kỹ càng. Phương án tiếp cận khung thành cần được sự san sẻ từ hai biên, lôi kéo hoặc đưa bóng vào cho tiền đạo dứt điểm.
Đáng tiếc, bộ đôi này thể thủ thiếu chắc chắn, mà công cũng chẳng tốt. Ở sơ đồ 3-4-3 hay 3-5-2, những cầu thủ chạy cánh mang trên mình nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Đảm bảo cả phòng ngự lẫn tấn công, chứ không như cách đá 4 hậu vệ.
Trận gặp U23 UAE, ngôi sao người Hà Nội tung ra 25 đường chuyền, nhưng hết 2/3 là chuyền về, không có bất cứ kiến tạo nào trong vòng 16m50 bên phần sân đối phương.
Con số thống kê trong trận gặp U23 Jordan còn khiêm tốn hơn, suốt hiệp 1 các học trò của ông Park không có nổi một cú dứt điểm. Nguyên nhân trực tiếp từ hàng tiền vệ không kiểm soát được thế trận.
Khi Quang Hải cáng đáng quá nhiều nhiệm vụ thì Đức Chiến lại không có được sự chính xác trong các pha kiến tạo; Tiến Linh liên tục phải nhận bóng trong tư thế quay lưng với cầu môn đối phương.
Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao ông Park không phòng thủ phản công triệt để như trước đây? Có hai nguyên nhân, một là chất lượng hàng thủ không đảm bảo khi mất quá nhiều trụ cột; hai là khả năng chuyển trạng thái, tác chiến độc lập của các tiền đạo áo đỏ là không cao.
Chỉ mành treo chuông
Hai trận hòa không bàn thắng đẩy U23 Việt Nam vào tình thế mất phần lớn quyền tự quyết vào kết quả trận đấu cùng giờ giữa U23 Jordan và U23 UAE (20h15 ngày 16/1).
Kịch bản thứ nhất: Nếu U23 Jordan và U23 UAE hòa nhau có tỷ số thì
U23 Việt Nam “xách va ly” về nước cho dù thắng U23 Triều Tiên. Vì cả 3 đội cùng có 5 điểm, song Việt Nam thua về thành tích đối đầu.
Kịch bản thứ hai: Cặp đấu U23 Jordan và U23 UAE hòa không bàn thắng, lúc này U23 Việt Nam thắng U23 Triều Tiên cách biệt 2 bàn là đi tiếp, do hơn đối thủ về hiệu số bàn thắng bại.
Kịch bản thứ ba: Thuận lợi nhất là khi có thắng thua trong trận U23 Jordan và U23 UAE, khi đó đoàn quân đỏ chỉ việc có thêm 3 điểm trước đội bóng đến từ Đông Á, qua đó chiếm suất nhì bảng.
Không loại trừ hai đội bóng Tây Á “dắt tay” nhau đi tiếp, nhưng ở bảng C Hàn Quốc đã chiếm vị trí nhất bảng. Tại tứ kết, để tránh đội mạnh như Hàn Quốc thì U23 Jordan và U23 UAE buộc phải phân ngôi nhất bảng.
Nhưng trước khi chờ kết quả còn lại, U23 Việt Nam phải đánh bại U23 Triều Tiên tỷ số càng đậm càng tốt. Đội bóng của HLV Ju Song-il toàn thua sau 2 lượt trận và đã rời cuộc chơi nhưng họ hoàn toàn không “dưới cơ” chúng ta.
Vấn đề trực tiếp nhất của ông Park hiện nay là…đưa bóng vào lưới đối thủ, không còn sự lựa chọn nào mới, tất cả phụ thuộc vào phong độ của Tiến Linh và Đức Chinh, khả năng bùng nổ của Quang Hải.
Buộc phải thắng để hy vọng đi tiếp, đây là lúc ông Park trổ tài chơi tấn công áp đảo đối phương, một mất một còn trong tình thế “vũ khí” không được tối tân.
Dự đoán: 2-1