U22 vô địch, “người hùng thầm lặng” bầu Đức mạnh tay tái cấu trúc
Với việc thoái hết vốn khỏi CTCP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) sẽ “buông tay” hoàn toàn với lĩnh vực thủy điện nếu giao dịch chuyển nhượng thành công. Trước đó, bầu Đức cũng đã “chia tay” với mảng bất động sản khi bán đứt dự án HAGL Myanmar cho Công ty Bất động sản Đại Quang Minh, thuộc sở hữu của Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco) do tỷ phú Trần Bá Dương kiểm soát.
HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã: HAG) của bầu Đức vừa nhất trí thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ số 248,5 triệu cổ phần, tương đương 99,4% vốn điều lệ đang sở hữu tại CTCP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai.
Động thái này, theo HĐQT Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức là nhằm mục đích đẩy mạnh công tác tái cấu trúc tập đoàn theo hướng thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực không hiệu quả và tăng cường tập trung vào nông nghiệp.
Thông tin trong báo cáo tài chính quí III/2019, HAG ghi nhận giá gốc đầu tư vào Thủy điện HAGL là hơn 2.532 tỷ đồng. Được biết, Thủy điện HAGL là đơn vị sở hữu 100% vốn tại 3 đơn vị là Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu, Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3 và Công ty TNHH MTV Khoáng sản Hoàng Anh Gia Lai.
Cũng tại báo cáo tài chính quí III/2019 cho thấy, HAGL của bầu Đức đang thanh lí hai doanh nghiệp khác thuộc lĩnh vực thủy điện là Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu – Nậm Kông 2 (trụ sở tại Viêng Chăn, Lào) và Công ty TNHH Nậm Kông 3 (trụ sở tại Attapeu, Lào). Đây là hai doanh nghiệp do HAGL sở hữu 99,4%.
Như vậy, sau khi chuyển nhượng xong cổ phần tại Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, HAGL sẽ chính thức chia tay mảng thủy điện để tập trung phát triển mảng nông nghiệp.
Trước đó, vào hồi tháng 10/2019, Bầu Đức cũng đã chính thức “chia tay” mảng kinh doanh bất động sản khi hoàn tất chuyển nhượng hơn 196 triệu cổ phần, tương đương 47,93% vốn điều lệ tại công ty cổ phần phát triển nhà Hoàng Anh. Đơn vị này đang quản lý và vận hành khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center tại thủ đô Yangon của Myanmar.
Theo đó, HAGL của bầu Đức đã đầu tư giai đoạn 1 của dự án bao gồm hai tòa nhà văn phòng 80.000 m2, một trung tâm thương mại 36.000m2 và khách sạn 5 sao Melia với 420 phòng đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, giai đoạn 2, Đại Quang Minh sẽ tiếp quản do phía HAGL không đủ khả năng tài chính để tiếp tục khai thác dự án này.
Đây là dự án bất động sản cuối cùng tại Hoàng Anh Gia Lai sau khi người sáng lập công ty Đoàn Nguyên Đức cho biết sẽ thoái toàn bộ vốn mảng bất động sản để tái cơ cấu tài chính cũng như tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp.
Bất động sản từng là một trong những nguồn thu chính cho Hoàng Anh Gia Lai ở thời kỳ phát triển hoàng kim trước đây, trước khi công ty đầu tư đa ngành mía đường, cao su,… Kết quả, HAGL bắt đầu chuỗi thua lỗ kéo dài từ năm 2016 dưới tác động của chi phí tài chính ngày càng lớn do huy động vốn cho các mảng kinh doanh mới không hiệu quả.
Tập đoàn này cũng đã rút chân ra khỏi lĩnh vực sản xuất mía đường, bắp, năng lượng. Cùng với giảm quy mô ở mảng cao su khi bán 3 công ty cao su vốn nghìn tỷ cho Công ty Thadi (công ty con khác của Thaco).
Trong 9 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp Bầu Đức chỉ ghi nhận doanh thu thuần 1.480 tỉ đồng, giảm mạnh so với cùng kì, trong khi đó công ty lỗ ròng tới 1.266 tỉ đồng.
Doanh thu của HAGL chủ yếu đến từ mảng trái cây với tỉ trọng khoảng 64%, các hoạt động nông nghiệp khác như bán mủ cao su và bán ớt đóng góp lần lượt 13% và 9%.
Trong năm, HAGL đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu, đánh giá lại và thanh lý tài sản bao gồm các công ty cao su cho Thadi. Nguồn tiền thu được dùng để trả nợ vay các ngân hàng.
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, doanh nghiệp của bầu Đức đã thu khoảng 8.537 tỉ đồng từ thu hồi góp vốn vào các đơn vị khác trong năm nay, thu từ đi vay 2.715 tỉ đồng, nhưng cũng chi trả gốc lãi vay tới 6.521 tỉ đồng.
Kết quả kinh doanh thua lỗ, phải bán đi nhiều mảng kinh doanh, công ty con, bất động sản đã khiến cổ phiếu HAG của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) rơi xuống vùng giá thấp nhất trong lịch sử doanh nghiệp.
Hiện tại, giá cổ phiếu HAG của bầu Đức chỉ được nhà đầu tư giao dịch ở mức 3.900 đồng. Đây đồng thời là vùng giá thấp nhất trong hơn 10 năm giao dịch trên sàn chứng khoán của cổ phiếu này. Nếu so với hơn 10 năm trước (thời điểm HAG niêm yết) cổ phiếu doanh nghiệp này đã giảm gần 4 lần. Trong khi nếu so với mức giá đỉnh 40.000 đồng/cổ phiếu giai đoạn 2009-2011, thị giá HAG đã giảm hơn 10 lần. Nhà đầu tư gắn bó với cổ phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua cũng chịu thua lỗ khi cổ phiếu giảm liên tục.
Kinh doanh lao đao, vẫn đầu tư cho bóng đá
Với bầu Đức – ông chủ của HAGL dù lúc khó khăn nhất của doanh nghiệp ông đã phải bán đi nhiều mảng kinh doanh gắn bó với tên tuổi của mình…, nhưng bóng đá luôn được giữ lại.
Năm 2001, bầu Đức mua lại đội bóng hạng nhất Gia Lai và đổi tên thành Hoàng Anh Gia Lai. Với chiến lược vung tiền để đầu tư vào dàn cầu thủ chất lượng, đội bóng của ông liên tục lập ra những chiến công tại V-League: vô địch 2 năm liên tiếp 2002 và 2003 tại giải đấu cao nhất Quốc gia, cùng với đó là nhiều thương vụ chuyển nhượng “bom tấn” của bóng đá.
Năm 2007, khi mà hàng loạt những ông bầu mới chập chững vào bóng đá, rập khuôn theo cách mà những ông bầu trước đó đã làm là “ném tiền ăn xổi” thì bầu Đức lặn lội sang Arsenal để học hỏi một cách làm khác – phát triển bóng đá bền vững.
Bầu Đức tiếp tục tạo thêm dấu ấn trong lịch sử bóng đá Việt Nam khi mời ông Park Hang Seo đảm nhiệm chức HLV trưởng đội tuyển và tự bỏ tiền túi trả tiền lương cho ông Park và cộng sự với con số khủng 700 triệu đồng/tháng.
Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo trong những năm gần đây, bóng đá Việt Nam gặt hái được nhiều thành công lớn như thành tích đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 và U22 Việt Nam vô địch SEA Games 30 vào tối ngày 10/12.
Hiện tại, dù bầu Đức đã “dừng” trả lương cho thầy Park nhưng bầu Đức vẫn được gọi là “người hùng thầm lặng” vì một tinh thần hết mình đóng góp cho sự nghiệp bóng đá Việt Nam và tiên phong trong xu hướng đào tạo trẻ.
Huyền Anh/DV