U22 Việt Nam vô địch SEA Games 30, giành HCV lịch sử
U22 Việt Nam dốc toàn lực cho chiến dịch SEA Games 30 và hoàn thành giấc mơ dang dở với tấm HCV lịch sử.
HLV Park Hang Seo “phân thân”
SEA Games 30 ban đầu không phải giải đấu được HLV Park Hang Seo xem trọng. Nhà cầm quân người Hàn Quốc từng có ý định giao trợ lý Lee Young-jin phụ trách U22 Việt Nam để tập trung cho chiến dịch vòng loại World Cup 2022 cùng đội tuyển quốc gia.
Thầy Park vốn không biết sân chơi thường được gọi là “ao làng” dành cho đội tuyển trẻ lại có ý nghĩa đặc biệt đối với bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên khi đã cảm nhận được điều đó, ông đã đổi ý và quyết tâm dốc toàn lực giúp U22 Việt Nam chinh phục giấc mơ vàng SEA Games.
“Tôi biết khát khao của người Việt rất lớn với SEA Games”, HLV Park Hang Seo chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với VTC News hồi đầu tháng 5/2019. Hôm đó cũng là ngày trợ lý mới của ông Park, Kim Han-yoon đến Việt Nam. Trong lúc vị HLV trưởng trả lời phỏng vấn, ông Kim và HLV thể lực Park Sung-gyun ngồi ở một góc khác trong phòng, vạch kế hoạch hướng tới SEA Games 30.
Trong bốn tháng liền sau đó, U22 Việt Nam tập trung nhiều đợt ngắn hạn để HLV Park Hang Seo tranh thủ thời gian tuyển chọn, huấn luyện. Tháng 10 và tháng 11 thực sự là khoảng thời gian thầy Park phải “phân thân” khi cùng lúc làm việc với hai đội tuyển. Cũng may là lịch trình trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng này lại thuận lợi bởi đội tuyển Việt Nam được chơi tới ba trận vòng loại World Cup trên sân nhà.
Trước SEA Games 30, U22 Việt Nam thi đấu tám trận cả giao hữu quốc tế và đá tập với CLB, không thua trận nào. HLV Park Hang Seo chỉ cầm quân ba trận, trong đó có trận thắng U22 Trung Quốc ngay trên sân khách.
Vòng bảng từ dễ đến khó, U22 Việt Nam thể hiện bản lĩnh
U22 Việt Nam sang Philippines với lực lượng rất mạnh, có tới tám tuyển thủ quốc gia trong đó Trọng Hoàng, Hùng Dũng là hai cái tên quá tuổi. Nỗi lo lớn nhất chỉ là vấn đề thể lực của các trụ cột sau cả năm phải cày ải nhiều mặt trận. Lịch thi đấu khắc nghiệt và mặt sân cỏ nhân tạo của SEA Games 30 tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ chấn thương.
“Cả cuộc đời làm bóng đá, tôi chưa từng trải qua giải đấu nào khắc nghiệt như thế này. Phải liên tục xoay tua đội hình để tránh chấn thương và giữ sức bền, thể lực cho cầu thủ”, ông Park chia sẻ sau lượt trận thứ tư. Rủi ro quả thực đã xảy ra khi U22 Việt Nam mất Trọng Hùng và Quang Hải vì chấn thương.
U22 Việt Nam vẫn vượt qua vòng bảng một cách thuyết phục với đội hình xoay tua liên tục. Các học trò của HLV Park Hang Seo thắng dễ U22 Brunei và U22 Lào. Thử thách thực sự chỉ bắt đầu xuất hiện ở ba trận sau đó gặp những đối thủ mạnh.
U22 Indonesia khiến U22 Việt Nam lần đầu tiên rơi vào thế phải rượt đuổi, vì một sai sót kỹ thuật của thủ môn Bùi Tiến Dũng. Tuy nhiên Quang Hải và đồng đội đã làm chủ trận đấu và kiên trì tấn công trước hàng phòng ngự “đổ bê tông” của đối thủ.
Đây là trận đấu thử thách bản lĩnh và sự lì lợm của U22 Việt Nam, nhưng các học trò của thầy Park đã vượt qua nhờ sự vượt trội cả về con người và lối chơi. Hai bàn thắng lật ngược tình thế của Thành Chung và Hoàng Đức là thành quả xứng đáng mà ngay cả HLV Indra Sjafri của U22 Indonesia cũng phải tâm phục khẩu phục.
Đội bóng đã sớm bị loại là U22 Singapore lại khiến U22 Việt Nam vất vả về thế trận và trải qua hai hiệp đấu khó khăn nhất ở vòng bảng. Phải nhờ tới pha dàn xếp đá phạt góc đúng bài ở hiệp hai, với cú đánh đầu kết thúc của Hà Đức Chinh, U22 Việt Nam mới giành được ba điểm.
Sau bốn trận toàn thắng, U22 Việt Nam khiến người hâm mộ nhớ lại những ký ức tồi tệ ở SEA Games 29 khi để U22 Thái Lan chọc thủng lưới hai lần trong mười phút đầu trận. Tuy nhiên cũng giống như trận đấu với U22 Indonesia, các học trò của HLV Park Hang Seo một lần nữa thể hiện bản lĩnh khi bị đẩy vào thế khó, giành lại một điểm nhờ cú đúp bàn thắng của Tiến Linh.
Thong thả vượt qua bán kết
Nếu U22 Indonesia phải đá hiệp phụ với U22 Myanmar, U22 Việt Nam lại không phải tiêu hao quá nhiều sức lực và tinh thần khi vượt qua U22 Campuchia. Mọi toan tính của HLV Park Hang Seo ở trận đấu này đều thuận lợi. Chiến thắng với tỉ số 4-0 cùng thế trận hoàn toàn chủ động của U22 Việt Nam phản ánh đúng sự chênh lệch về trình độ và kinh nghiệm thi đấu giữa hai đội.
Đây cũng là trận đấu mà HLV Park Hang Seo lần đầu xếp Tiến Linh đá chính cùng Đức Chinh, sau ba lần thử nghiệm ở vòng bảng. Dù Tiến Linh buộc phải rời sân sớm nhưng cặp “song sát” này cũng kịp ghi dấu ấn bằng bàn mở tỉ số từ rất sớm. U22 Việt Nam giải quyết trận đấu ngay từ hiệp một để có thể chơi thảnh thơi, dưỡng sức cho trận chung kết hứa hẹn căng thẳng.
Nhân vật nổi bật nhất ở trận đấu với U22 Campuchia là Hà Đức Chinh. Cú hattrick giúp chân sút từng bị gọi là “chân gỗ” này lập kỷ lục cầu thủ Việt Nam ghi bàn nhiều nhất trong một kỳ SEA Games (8 bàn).
Đập tan nỗi ám ảnh, giành HCV lịch sử
U22 Việt Nam lọt vào trận chung kết SEA Games sau 10 năm vắng mặt, nhưng có nhiều yếu tố trùng hợp khiến người hâm mộ lo lắng rằng thất bại cay đắng năm 2009 sẽ lặp lại. U22 Việt Nam cũng hòa Thái Lan khiến kình địch này bị loại, cũng dễ dàng vào chung kết với phong độ “hủy diệt” và gặp lại một bại tướng ở vòng bảng.
Tuy nhiên HLV Park Hang Seo và các học trò đã đập tan nỗi ám ảnh của người hâm mộ cả nước để hoàn thành giấc mơ dang dở của bóng đá Việt Nam ở đấu trường SEA Games. Dù U22 Indonesia đã cố gắng thay đổi lối chơi, tìm cách đối phó nhưng U22 Việt Nam vẫn giành chiến thắng bằng một màn trình diễn thuyết phục.
Trong một trận đấu khó khăn, U22 Việt Nam vẫn thắng giòn giã với tỉ số 3-0. Hai trong ba bàn thắng của U22 Việt Nam đến từ đòn đánh sở trường, đó là những tình huống cố định và người kết thúc đều là Đoàn Văn Hậu. Đỗ Hùng Dũng, người giữ băng đội trưởng thay Quang Hải, cũng ghi dấu giày bằng một cú sút xa thành bàn.
Các cổ động viên Việt Nam đương nhiên rất tự tin và lạc quan trước trận đấu, nhưng có lẽ không nhiều người nghĩ tới tỉ số 3-0. Giấc mơ dang dở qua nhiều thế hệ cầu thủ cuộc đã thành hiện thực. Bóng đá Việt Nam lần đầu tiên giành tấm huy chương vàng SEA Games.