+
Aa
-
like
comment

U ám tương lai của dự án “tiêm kích hạm tàng hình” Trung Quốc: Có bán cũng không ai mua?

28/03/2021 17:06

Dự án FC-31 được tạo ra trên cơ sở tự phát, nên đã phải đối mặt với nhiều vấn đề cố hữu. Ngay cả khi Quân đội Trung Quốc can thiệp cũng có thể không cứu được tiêm kích này?

Vào đầu thập kỷ trước, nhà sản xuất máy bay Trung Quốc Shenyang Aircraft Corporation đã phát triển bay chiến đấu thế hệ 5 FC-31.

Thời gian đã khá dài, nhưng triển vọng thực sự của FC-31 vẫn còn là một câu hỏi, khi chưa tìm được khách hàng và nguyên mẫu chưa thực sự hoàn thiện.

Các giai đoạn phát triển của dự án

Lần đầu tiên, thế giới biết đến sự tồn tại của một dự án mới từ Shenyang (Thẩm Dương) vào năm 2011. Sau đó, những bức ảnh về một mẫu máy bay, với ký hiệu F-60 đã được tung lên mạng Internet.

Vào mùa thu năm 2012, một chiếc máy bay tương tự đã được phát hiện tại một trong những sân bay của Trung Quốc. Những ngày cuối tháng 10/2012, chiếc máy bay này đã thực hiện chuyến bay đầu tiên, nhưng không có thông tin nào vào thời điểm đó.

Chỉ vài tuần sau, trong triển lãm Airshow China 2012, Shenyang Aircraft Corporation (SAC) đã trưng bày một hình mẫu mô phỏng của chiếc máy bay tương lai, tương tự như nguyên mẫu đã thấy trước đây. Các thông tin một lần nữa không được cung cấp.

U ám tương lai của dự án tiêm kích hạm tàng hình Trung Quốc: Có bán cũng không ai mua? - Ảnh 1.
Mô hình FC-31 tại một trong những triển lãm nước ngoài năm 2015 (Nguồn: Popular Mechanics).

Lần đầu tiên, SAC nói về dự án tại buổi phát trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV năm 2014. Máy bay được chính thức giới thiệu với tên gọi FC-31 và được gọi là sáng kiến ​​phát triển “Thẩm Dương”.

Năm 2015, SAC đã trình bày các tài liệu về FC-31 tại triển lãm IDEX ở nước ngoài. Vào thời điểm đó, SAC đang tìm kiếm khách hàng tiềm năng, cả ở Trung Quốc và nước ngoài. Các đặc điểm và khả năng chính của FC-31 đã được công bố. Ngoài ra, kế hoạch cho tương lai đã được tiết lộ.

Theo báo chí nước ngoài, vào cuối năm 2016, các chuyến bay thử nghiệm của một máy bay nguyên mẫu, với cấu hình cải tiến đã bắt đầu. Nguyên mẫu đã nhận được một số thiết bị mới cho các mục đích khác nhau, có ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của nó.

Cuối năm 2018, báo chí nước ngoài đưa tin dự án FC-31 sau nhiều năm chờ đợi đã nhận được sự hỗ trợ từ Quân đội Trung Quốc (PLA). Không quân và hải quân PLA quan tâm đến FC-31, điều này hứa hẹn một tương lai tuyệt vời.

Vào thời điểm này, sự quan tâm của quân đội nước ngoài liên tục được báo chí Trung Quốc đưa tin; nhưng nó vẫn chưa được xác nhận bằng các thỏa thuận thực sự.

Kể từ giữa năm 2020, tin tức đã lan truyền trên các ấn phẩm chuyên ngành hàng không, về việc chế tạo một phiên bản khác của FC-31. Lần này, không chỉ thiết bị điện tử hàng không được tinh chỉnh, mà còn cả khung máy bay, động cơ và các hệ thống khác.

Trong khi giữ lại một số điểm tương đồng về bên ngoài về cấu tạo với các phiên bản trước, phiên bản mới có những điểm khác biệt đáng chú ý. Theo một số ước tính, đây không phải là việc sửa đổi một dự án cũ, mà là để tạo ra một chiếc máy bay hoàn toàn mới.

Gần đây, các nguồn tin từ Trung Quốc và nước ngoài đã xuất hiện thông tin về việc có thể tạo ra một phiên bản tiêm kích hạm của FC-31. Tuy nhiên, những hình ảnh của một tàu sân bay với máy bay FC-31 trên boong, chỉ là sản phẩm photoshop của cư dân mạng Trung Quốc.

U ám tương lai của dự án tiêm kích hạm tàng hình Trung Quốc: Có bán cũng không ai mua? - Ảnh 2.
Phiên bản FC-31 hoạt động trên tàu sân bay (Nguồn: Mil.news.sina.com.cn).

Những thành công đến thời điểm hiện tại

Từ năm 2012 đến nay, SAC đã chế tạo ít nhất từ hai đến ba nguyên mẫu FC-31 và đang tiếp tục thử nghiệm toàn diện. Với sự giúp đỡ của hải quân Trung Quốc, việc phát triển các cấu trúc, công nghệ và cấu hình khác nhau của phiên bản hoạt động trên tàu sân bay đã được thực hiện.

Như đã thông tin cách đây vài năm, dự án FC-31 được PLA quan tâm và nhận được một số hỗ trợ. Điều này có nghĩa là trong tương lai gần, FC-31 có thể được chấp nhận vào biên chế của PLA. Hơn nữa, với khách hàng tiềm năng là cả không quân và hải quân, về lý thuyết, xác suất được lựa chọn của FC-31 sẽ cao hơn.

Triển vọng xuất khẩu của FC-31 vẫn còn đang bị nghi ngờ. Các nguyên mẫu, mô hình và tính năng khác nhau của FC-31, đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia nước ngoài; nhưng các hợp đồng thực sự vẫn chưa xuất hiện.

Vì vậy, mặc dù đã có thời gian phát triển đáng kể, dự án FC-31 vẫn không thể tiến xa hơn, ngoài việc thử nghiệm và một chiến dịch quảng cáo.

Việc sản xuất nối tiếp đã được lên kế hoạch bắt đầu vào năm 2019, nhưng điều này đã không xảy ra. Các nỗ lực đang được thực hiện để cải tiến chiếc máy bay này, nhưng triển vọng thực sự của nó vẫn chưa rõ ràng.

Trong hoàn cảnh như vậy, Tổng công ty Thẩm Dương sẽ phải tiếp tục làm việc và “hy vọng” sẽ nhận được đơn đặt hàng?

U ám tương lai của dự án tiêm kích hạm tàng hình Trung Quốc: Có bán cũng không ai mua? - Ảnh 3.
Nguyên mẫu FC-31 không sơn trong chuyến bay (Nguồn ảnh: Chinatimes.com).

Liệu có phát huy được lợi thế cạnh tranh?

Dự án FC-31 nhận được sự hỗ trợ từ PLA, điều này cho phép SAC hy vọng nhận được đơn đặt hàng với số lượng nhất định, để cung cấp FC-31 cho Không quân hoặc Hải quân của PLA.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ của PLA không thể tác động được đến thị trường quốc tế. Khi tìm kiếm khách hàng nước ngoài, SAC sẽ chỉ có thể dựa vào thế mạnh máy bay của họ.

FC-31 được xác định là máy bay chiến đấu đa năng hạng nhẹ, thế hệ thứ 5, với các phẩm chất cần thiết tối thiểu của một máy bay chiến đấu tàng hình. Trong đó chú trọng đặc biệt đến khả năng tàng hình và hiệu suất bay, cũng như khả năng mang nhiều loại vũ khí, v.v.

Công nghệ tàng hình sử dụng trên FC-31, giúp giảm khả năng hiển thị trong tất cả các phạm vi tần số của radar. Theo một số thông tin, trong các phiên bản đầu tiên của dự án, tính năng này đã đạt được, do hình dạng đặc biệt của khung máy bay và lớp sơn tổng hợp với phản xạ tín hiệu vô tuyến tối thiểu.

Trong nguyên mẫu sửa đổi gần đây, FC-31 được bổ sung bởi một lớp phủ hấp thụ radar, được cho là công nghệ của máy bay tàng hình J-20.

U ám tương lai của dự án tiêm kích hạm tàng hình Trung Quốc: Có bán cũng không ai mua? - Ảnh 4.
Một trong những bức ảnh đầu tiên của chiếc FC-31 (Nguồn: Thedrive.com).

Về hệ thống điện tử hàng không, FC-31 được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA), thiết bị định vị quang học (OLS). Dự kiến ​​sẽ có một tổ hợp phòng thủ trên không, với các phương tiện quang học để phát hiện các mối đe dọa.

Thành phần của thiết bị điện tử, có thể được xác định phù hợp với mong muốn của khách hàng. Việc sử dụng các linh kiện của Trung Quốc và nước ngoài là hoàn toàn có thể. Các thiết bị tiêu chuẩn của máy bay, có thể được bổ sung với các thùng treo bên ngoài, dùng cho các mục đích khác nhau.

Là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, nên FC-31 có khoang chứa vũ khí bên trong. Tổng tải trọng chiến đấu đạt 8 tấn, trong đó có tới 2 tấn bên trong thân. FC-31 có khả năng mang và sử dụng nhiều loại vũ khí hàng không do Trung Quốc phát triển, hoặc có khả năng tích hợp các mẫu vũ khí do nước ngoài sản xuất.

Sau khi chỉnh sửa, FC-31 trở nên nặng hơn, trọng lượng cất cánh tối đa tăng từ 25 lên 28 tấn, đồng thời được trang bị hai động cơ WS-19 với lực đẩy 12 nghìn kgf; trong khi ở phiên bản trước đó, FC-31 sử dụng động cơ WS-13 có lực đẩy ở mức 9 nghìn kgf.

Do đó, sự gia tăng khối lượng được bù đắp, cũng như cung cấp tốc độ bay lên đến 1,8 Mach và tầm hoạt động thực tế hơn 1.200 km.

Như vậy dựa theo đặc điểm, FC-31 đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tối thiểu với máy bay chiến đấu thế hệ mới 5. Theo giới thiệu của nhà sản xuất SAC, FC-31 không thua kém một số mẫu máy bay thế hệ 5 của nước ngoài? Ưu điểm có thể là giá rẻ hơn và khả năng thay đổi cấu hình, có tính đến mong muốn của khách hàng.

Kết quả kinh doanh FC-31 cũng có thể bị ảnh hưởng bởi chính trị. Hiện tại, Mỹ là nước dẫn đầu thị trường máy bay chiến đấu thế hệ 5, nhưng họ có ý định chỉ bán F-35 của mình cho các quốc gia “đáng tin cậy”.

Lập trường này của Mỹ đang thúc đẩy các quốc gia khác, muốn sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ 5, tìm mua máy bay FC-31 của Trung Quốc.

U ám tương lai của dự án tiêm kích hạm tàng hình Trung Quốc: Có bán cũng không ai mua? - Ảnh 6.
Chuyến bay công khai đầu tiên của FC-31 tại Airshow China 2014 (Nguồn: Wikimedia Commons).

Tương lai đầy u ám

Dự án Shenyang FC-31 được tạo ra trên cơ sở tự phát, nên phải đối mặt với những vấn đề điển hình cho sự phát triển như vậy. Việc không giành được sự ủng hộ và hỗ trợ của quân đội Trung Quốc, đã dẫn đến sự chậm trễ trong công việc trong giai đoạn đầu.

Hiện tại, sự hỗ trợ của PLA đã xuất hiện và tạo cơ hội cho sự phát triển tích cực hơn của dự án, nhưng tương lai của FC-31 vẫn còn mù mịt.

Có thể giả định rằng, đợt chỉnh sửa mới nhất của FC-31 được thực hiện theo yêu cầu của PLA, và FC-31 sẽ được đưa vào biên chế trong không quân hoặc hải quân PLA.

Nếu Không quân Trung Quốc chấp nhận đưa FC-31 vào biên chế, đây sẽ là một chất xúc tác để các nước khác có thể trang bị.

Tuy nhiên, thành công đó vẫn chưa được đảm bảo và tình hình thị trường sẽ thay đổi. Trong vài năm tới, máy bay chiến đấu thế hệ 5 từ ​​các quốc gia khác nhau, có thể xuất hiện trên thị trường quốc tế. Điều này sẽ làm tăng tính cạnh tranh và đưa ra các yêu cầu mới đối với FC-31.

Liệu FC-31 có đủ sức đương đầu với những khó khăn hiện tại và mong đợi hay không là một câu hỏi lớn. Hiện tại, không có lý do gì để bày tỏ sự lạc quan về tương lai của FC-31.

U ám tương lai của dự án tiêm kích hạm tàng hình Trung Quốc: Có bán cũng không ai mua? - Ảnh 8.
Một trong những nguyên mẫu FC-31 trong chuyến bay (Nguồn: Airwar.ru).

Trịnh Ngọc Tiến

Bài mới
Đọc nhiều