Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, làm khác kiểu cho giấc mơ lớn
Tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng gấp rút chuẩn bị tấn công vào một lĩnh vực đầy tiềm năng và dần hoàn thiện hệ sinh thái của mình, từ số 1 về BĐS cho tới du lịch và nay là công nghệ, dịch vụ.
Chỉ khoảng hơn 1 tháng sau khi tiết lộ kế hoạch nhảy vào lĩnh vực hàng không, Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cuối tuần qua đã công bố việc tuyển sinh khóa I với số lượng dự kiến 400 học viên phi công.
Đây là một bước khiến các nhà đầu tư tin tưởng chỉ một thời gian ngắn nữa tập đoàn tư nhân Vingroup của ông Vượng sẽ hiện diện trong lĩnh vực vận tải khách hàng không lĩnh vực đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh và thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp hàng đầu trong nước cũng như quốc tế.
Đây là điểm khác biệt lớn nếu Vinpearl Air trở thành hãng hàng không thứ 7 tại Việt Nam. Vinpearl Air sẽ ngay lập tức có một đội ngũ phi công để phục vụ cho hoạt động bay của mình, thay vì phải rơi vào tình trạng bị động, tranh giành phi công với các hãng hàng không khác.
Trước đó, sự phát triển bùng nổ của thị trường hàng không với sự bứt phá ngoạn mục của VietJet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và sự xuất hiện của hãng hàng không mới Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết đã khiến thị trường thiếu nhân lực trầm trọng.
VietJet của nữ tỷ phú Phương Thảo cất cánh từ cuối 2009 và phát triển rất nhanh. Phi công được thuê từ nước ngoài và một phần từ các hãng sang với mức lương cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung lúc bấy giờ.
Trước đó, Vietnam Airlines gần như độc quyền trong lĩnh vực hàng không. Các phi công được đào tạo từ ngân sách của một DNNN với chi phí khá lớn do vậy, mức lương được nhận về không cao.
Gần đây, với sự xuất hiện của Bamboo Airways của ông Quyết, tình trạng khan hiếm phi công càng trở nên trầm trọng. Bamboo Airways phải thuê một lượng lớn các phi công từ nước ngoài. Mặt bằng lương phi công hiện tại đã cao hơn rất nhiều, gấp 3-5 lần so với mức 50-70 triệu ở thời điểm hơn một thập kỷ trước đây.
Chi phí đào tạo một phi công không tại Vietnam Airlines ước tính lên tới vài tỷ đồng. Một số trường hợp tự túc kinh phí học bay ở Mỹ trong khoảng thời gian 1,5 năm mất khoảng 2 tỷ đồng, chưa kể chi phí về bay và đạo tạo thêm tại Việt Nam, tổng cộng tất cả có thể lên tới 4-5 tỷ đồng.
CTCP Hàng không Vinpearl Air dự kiến sẽ có chuyến bay thương mại đầu tiên ngay tháng 7/2020 tới (tức chưa đầy 1 năm nữa) với 6 tàu bay. Sau đó mỗi năm, hãng ngày đề xuất được tăng trung bình khoảng 6 tàu/năm và đạt 30 tàu vào năm 2024.
Tháng trước, Vietstar Airlines một liên doanh giữa tư nhân và quân đội đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng nhận khai thác máy bay. Đây là hãng hàng không thứ 6 của Việt Nam, bao gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco, Bamboo Airways và Vietstar Airlines.
Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết đã bay chuyến đầu tiên hôm 16/1/2019, đến nay đã bay được hàng vạn chuyến, vận chuyện 1 triệu khách hàng.
Ngoài Vinpearl, Vietravel Airlines và CTCP Hàng không Thiên Minh cũng đang xếp hàng chờ bay. Trước đó, một số hãng hàng không từng hoạt động tại Việt Nam nhưng đã phải đóng cửa là Indochina Airlines và Air Mekong.
Quyết định tham gia vào lĩnh vực hàng không của ông Phạm Nhật Vượng cũng là dễ hiểu và nhằm dần hoàn thiện hệ sinh thái. Vingroup đang sở hữu một chuỗi các điểm du lịch nghỉ dưỡng dày đặc trên cả nước, cùng với hệ thống khách hàng, đối tác cũng như nhân viên rất lớn, từ nhiều lĩnh vực như: giáo dục (Vinschool), bất động sản (Vinhomes), nghỉ dưỡng (Vinpearl), bệnh viện (Vinmec), bán lẻ và thương mại điện tử (VinCommerce, Vinmart),…
Thời gian gần đây, nhất là những tháng đầu năm 2019, ông Phạm Nhật Vượng đã ghi dấu nhiều kỷ lục với việc khai trương nhà máy Vinfast tại Hải Phòng, đưa những chiếc ô tô đầu tiên ra thị trường, cho tới nhà máy sản xuất điện thoại tại Hòa Lạc, lập không gian ảo siêu thị ảo VinMart (Virtual Store), hay tấn công vào lĩnh vực công nghệ với việc thành lập VinTech,…
Hồi cuối tháng 5/2019, Vingroup của ông Vượng hút được dòng vốn tỷ USD từ tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc SK Group. SK Group đã chi tổng cộng 23 ngàn tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) để nắm giữ 6,15% cổ phần của Tập đoàn Vingroup thông qua việc mua 154 triệu cổ phần phổ thông phát hành riêng lẻ của VIC cùng với 51,4 triệu cổ phiếu VIC mua lại từ Vincommerce (một công ty con của Vingroup).
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu Bluechips chịu áp lực chốt lời trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới vẫn chao đảo, chờ những tín hiệu rõ ràng hơn về quan hệ kinh tế Mỹ-Trung, Nhật-Hàn và thông tin từ trung tâm tài chính Hong Kong.
Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần VN-Index vẫn giữ được mốc 980 điểm
Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.
Theo BSC, thị trường đang đi ngược biến động thế giới với nền tảng thiếu vững chắc chưa đồng nghĩa với xu hướng tăng điểm bền vững. NĐT vẫn cần thận trọng giữ tỷ trọng tiền hợp lý để có thể chủ động ở nhịp rung lắc thị trường tiếp theo.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/8, VN-Index tăng 0,62 điểm lên 980,00 điểm; HNX-Index tăng 0,68 điểm lên 102,35 điểm và Upcom-Index tăng 0,2 điểm lên 57,55 điểm. Thanh khoản đạt 230 triệu đơn vị, trị giá 5,5 ngàn tỷ đồng.
V. Hà/Vietnamnet