Tỷ lệ mắc Omicron ở TP.HCM có thể tăng lên đến hơn 90%
Omicron đang lan rộng và chiếm đa số trên phạm vi toàn cầu trong hơn một tháng qua, lấn át toàn bộ chủng khác, TP.HCM cũng không ngoại lệ..
Theo dự đoán của chuyên gia, trong thời gian tới, tỷ lệ phát hiện Omicron có thể tăng lên đến hơn 90%, trở thành biến chủng ưu thế tại TP.HCM.
Ngày 22/2, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin kết quả tầm soát biến chủng mới trên địa bàn phát hiện 70/92 mẫu bệnh phẩm ngẫu nhiên là Omicron. Dữ liệu mới này cho thấy khả năng biến chủng Omicron đang dần chiếm ưu thế trên địa bàn thành phố.
Tỷ lệ nhiễm biến chủng Omicron sẽ tăng ở TP.HCM
Chia sẻ với PV chiều 22/2, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết ông không bất ngờ khi nhận được kết quả tầm soát biến chủng Omicron trên địa bàn.
Ông lý giải Omicron đang dần dần lan rộng và chiếm đa số trên phạm vi toàn cầu trong hơn một tháng qua, lấn át toàn bộ chủng khác, bao gồm Delta. TP.HCM cũng không nằm ngoài xu thế này.
Tầm soát biến chủng mới trong thời điểm trước Tết Nguyên đán phát hiện Omicron khoảng 7%. Hiện tại, tỷ lệ này tăng lên hơn 70%.
“Dự đoán của chúng tôi trong khoảng một tháng tới, tỷ lệ phát hiện Omicron qua tầm soát có thể tăng lên hơn 90%. Ngành y tế đã lường trước kịch bản số ca nhiễm biến chủng Omicron sẽ tăng lên, chiếm ưu thế và đã có đủ phương án ứng phó”, TS.BS Vĩnh Châu nói.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết theo dự báo của nhiều quốc gia trên thế giới, khi biến chủng Omicron trong cộng đồng lưu hành với tỷ lệ 1%, chỉ 7-8 ngày sau, chúng có thể chiếm đa số.
Chuyên gia dự đoán khi Omicron bắt đầu chiếm ưu thế ở TP.HCM, với đặc thù kinh tế – xã hội ở TP.HCM, khoảng 1-2 tuần sau, biến chủng này sẽ lây lan rất nhanh và có mặt ở hầu hết tỉnh, thành phố khác.
“Nếu biến chủng Delta đơn thuần lưu hành trong cộng đồng, diễn biến dịch ở TP.HCM sẽ có chiều hướng đi xuống và suy giảm. Tuy nhiên, khi biến chủng chiếm ưu thế là Omicron, số ca mắc mới gia tăng. TP.HCM với tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca nặng, cần can thiệp ICU không tăng quá cao, nên nguy cơ tử vong không tăng nhiều”, ông đánh giá.
Giải pháp TP.HCM cần làm trước “làn sóng” mới
Trả lời về những thay đổi trong giải pháp chống dịch của ngành y tế khi Omicron chiếm ưu thế, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp hiện nay.
Trong đó, Sở Y tế đặc biệt khuyến cáo các địa phương và người dân tiếp tục bảo vệ người có nguy cơ, trong đó có trẻ em béo phì, mắc bệnh bẩm sinh. Các địa phương tiếp tục bao phủ vaccine phòng Covid-19 cho người chưa đủ liều cơ bản (nếu có) và tiêm mũi 3 cho người đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố cũng thường xuyên theo dõi sát số ca cần nhập viện, cần hỗ trợ hô hấp và tử vong.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng lưu ý với biến chủng Omicron, chúng ta không nên áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa cực đoan không cần thiết.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đề nghị cách tiếp cận dựa trên nguy cơ thực tế. Việc cách ly F0, F1 một cách cực đoan sẽ gây ảnh hưởng hoạt động thiết yếu của xã hội, thậm chí gây tác dụng ngược như người dân không muốn khai báo.
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cho biết theo các tài liệu trên thế giới, Omicron mặc dù có khả năng lây nhiễm cao hơn so với biến chủng Delta nhưng đa số triệu chứng nhẹ. Do đó, bà dự đoán số người cần thở máy, can thiệp hồi sức, thở oxy cũng không nhiều như đợt bùng phát chủng Delta.
Tuy nhiên, bác sĩ Vân Anh lo ngại khả năng xuất hiện trường hợp nhiễm biến chủng phụ của Omicron (BA.2), hay còn gọi là “biến chủng tàng hình”. Biến chủng mới này được cho là có khả năng lây lan nhanh và khó phát hiện qua xét nghiệm.
Bác sĩ Vân Anh phân tích qua đợt bùng phát bởi biến chủng Delta, TP.HCM đã làm tốt việc tiêm phủ vaccine cho người nguy cơ cao nhưng không hẳn là miễn dịch cộng đồng.
Bởi hiện nay nhóm chưa tiêm vaccine là trẻ em 5-11 tuổi. Nhóm này có khả năng lây nhiễm nhiều hơn. Do đó, chúng ta cần tập trung bảo vệ trẻ em, nhất là các bé có nguy cơ cao như béo phì hoặc những bệnh lý bẩm sinh.
“Trong trường hợp phát hiện số trẻ mắc bệnh lý viêm đường hô hấp cần thở oxy nhiều ở một khu vực, hay số trẻ F0 có triệu chứng vừa và nặng tăng, chúng ta cần thiết áp dụng biện pháp ở mức cao hơn, như đóng cửa trường học, cách ly, ngăn chặn để bảo vệ nhóm nguy cơ”, bác sĩ Vân Anh đánh giá.
Phó trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng cho rằng trong thời gian này, các địa phương cần đảm bảo làm sao để người dân được tiếp cận với y tế nhanh nhất.
“Số ca mắc tăng, nhất là trẻ em mắc bệnh thì gần như cả gia đình cũng bị lây nhiễm, do đó, người dân cần được hướng dẫn cách chăm sóc trẻ em F0, cách ly phù hợp với điều kiện của từng hộ gia đình. Không nhất thiết y tế phường phải làm việc trực tiếp mà có thể là kênh thông tin online, hỗ trợ kịp thời để người dân yên tâm, không hoảng loạn”, bà nói thêm.
Trong mô hình Dự báo tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM từ ngày 1/2 đến nay, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng khuyến cáo khi biến chủng Omicron chiếm ưu thế, có thể tạo nên làn sóng dịch mới, số ca nhiễm gia tăng đột biến hay không phụ thuộc rất lớn và sự tự giác của người dân. Nếu thực hiện nghiêm túc 5K, bảo vệ người nguy cơ, số ca nhiễm sẽ tăng nhưng số tử vong không tăng quá nhiều.
Vân Anh