Tỷ lệ dương tính tại các vùng nguy cơ ở TP.HCM hiện ra sao?
Tỷ lệ dương tính vùng xanh và cận xanh là 0,8%; vùng vàng là 1,5%. Với vùng cam, đỏ, tỷ lệ dương tính qua xét nghiệm đợt 1 là 3,6%, đợt 2 giảm xuống 2,7%.
Tại cuộc họp báo chiều 5/9, phóng viên đặt câu hỏi cho Sở Y tế TP.HCM về đánh giá tình hình lây nhiễm tại 22 quận, huyện, TP Thủ Đức khi xét nghiệm diện rộng theo 5 vùng – xanh, cận xanh, vàng, cam, đỏ. Bên cạnh đó, báo chí cũng đề nghị ngành y tế TP.HCM cung cấp thông tin về hiệu quả của thuốc Molnupiravir.
Tỷ lệ dương tính vùng cam, đỏ giảm từ 3,6% xuống 2,7%
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC), cho biết thời gian qua thành phố thực hiện kế hoạch 2716 và 2817 về xét nghiệm diện rộng để phục vụ công tác đánh giá tình hình kiểm soát dịch, từ đó có các quyết sách phù hợp.
Đại diện HCDC lý giải chiến lược xét nghiệm khác nhau theo từng vùng. Cụ thể, vùng xanh và cận xanh thì lấy mẫu đại diện hộ gia đình bằng xét nghiệm PCR mẫu gộp 10, vùng vàng gộp 5. Còn vùng cam và đỏ thì xét nghiệm nhanh toàn bộ cư dân.
Xét nghiệm nhanh thì 15-30 phút là có kết quả, còn bằng phương pháp PCR phải chờ 2-3 ngày sau. Do đó, độ trễ giữa 2 loại xét nghiệm khác nhau. Bên cạnh đó, chiến dịch xét nghiệm này ưu tiên vùng nguy cơ cao và rất cao, nên có độ trễ trong kết quả xét nghiệm nhanh và PCR giữa 2 nhóm vùng nêu trên. Vì vậy, có sự khác nhau trong tốc độ triển khai và hoàn thành giữa một số địa bàn.
Cụ thể, tới ngày 4/9, hầu hết địa phương đã thực hiện xong đợt xét nghiệm đầu tiên ở cả 5 vùng (xanh, cận xanh, vàng, cam, đỏ). Trong đó, quận 7, Gò Vấp, huyện Củ Chi, Cần Giờ hoàn thành sớm, nhanh chóng bước vào đợt 2 nên tốc độ lấy mẫu cũng nhanh hơn nơi khác. Đến hôm nay, 22 địa phương đã đạt trên 80% của đợt 2; dự kiến ngày mai, tất cả địa phương tiến hành xong đợt 2.
Ông Tâm cho biết đến nay, cả thành phố mới xong đợt 1 nên chưa thể đánh giá tình hình một cách chính xác nhất. Tuy nhiên, dựa trên số liệu sơ bộ đến nay thì tỷ lệ dương tính vùng xanh và cận xanh là 0,8%; vùng vàng là 1,5%.
Với vùng cam, đỏ, tỷ lệ đợt 1 là 3,6% và đợt 2 là 2,7%. Làm rõ kết quả này, ông Tâm lý giải tại cùng một vùng, đợt lấy mẫu xét nghiệm nhanh đầu tiên thì tỷ lệ dương tính là 3,6%; đến đợt thứ hai thì tỷ lệ này giảm xuống 2,7%.
“Số này có giảm nhưng chưa đúng kỳ vọng, chúng tôi kỳ vọng giảm phân nửa. Tuy nhiên, đánh giá sơ bộ thì có giảm. Phải chờ hết 6/9, chúng tôi mới có thể đánh giá con số chính xác và so sánh được”, ông Tâm nói.
Thuốc Molnupiravir giúp giảm tỷ lệ tử vong
Ông Nguyễn Hồng Tâm cũng thông tin thêm về kết quả cấp phát và sử dụng túi thuốc C – thuốc kháng virus Molnupiravir để điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân Covid-19.
Nói rõ hơn về công tác điều trị, ông Tâm cho biết khác với điều trị triệu chứng “vòng ngoài” như thuốc hạ sốt, giảm đau… Molnupiravir trực tiếp khống chế “vòng trong”, làm giảm tải lượng virus và cải thiện tình trạng của người bệnh.
Vừa qua, thành phố đã nhận 16.000 liều Molnupiravir và chuyển về các quận/huyện/TP. Đến giờ, các địa phương đã cấp 5.058 liều cho F0, tức gần 1/3.
Phó giám đốc HCDC cho hay thuốc này được kiểm soát đặc hiệu, không phải ai cũng có thể dùng.
“Đây là thuốc rất mới nên có một số chống chỉ định, người sử dụng phải ký cam kết mới được sử dụng. Do giám sát chặt chẽ về chuyên môn và pháp lý, thuốc đã có sẵn nhưng người bệnh còn dè dặt vì mới quá. Do đó, tỷ lệ tiếp nhận còn thấp”, ông Tâm lý giải.
Tuy nhiên, vị này đánh giá tỷ lệ tiếp nhận 1/3 là khá khả quan so với vài ngày trước đây. Vừa qua, ngành y tế đã chủ động truyền thông để người dân mạnh dạn dùng thuốc. Thuốc này đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng và có ghi nhận kết quả khả quan, làm giảm tải lượng virus, tỷ lệ tử vong.
Theo báo cáo của HCDC, tác dụng phụ của Molnupiravir hầu như không đáng kể, ví dụ như nhức đầu, mất ngủ, mệt mỏi… Đánh giá sơ bộ, ông Tâm cho rằng thuốc Molnupiravir mang lại kết quả khả quan trong cuộc chiến chống Covid-19.
Thu Hằng – Thư Trần