‘Tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán’
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, thẩm phán vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sạch về phẩm chất, lối sống, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý.
Đại hội Thi đua yêu nước Tòa án nhân dân lần thứ IV với chủ đề “Vì Công lý” diễn ra sáng 28-10 tại Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự và chỉ đạo đại hội.
Tại Đại hội, tòa án nhân dân được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương độc lập hạng nhất; trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tòa án quân sự; nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân chương lao động.
Không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, 15 năm thực hiện Chiến lược cải cách, ngành Tòa án đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo và đạt được những thành tựu quan trọng.
Kết quả đạt được là tỉ lệ giải quyết án đạt cao (trên 90%), vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các quy phạm, chế định liên quan đến hoạt động xét xử và hoạt động tư pháp; công tác phát triển án lệ là điểm sáng trong tiến trình cải cách tư pháp…
Tiến tới ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hệ thống tòa án cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử; không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
“Vì giá trị cốt lõi của Tòa án là mang lại lẽ phải, sự công bằng cho xã hội và tạo được niềm tin của người dân vào công lý”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đặc biệt xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, thẩm phán vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sạch về phẩm chất, lối sống, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý, bởi cán bộ, thẩm phán thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân.
Xét xử công khai minh bạch: cơ chế để nhân dân tiếp cận thông tin
Tại đại hội, ông Nguyễn Hòa Bình – chánh án Tòa án nhân dân tối cao – chỉ ra những bài học thành công của hệ thống tòa án suốt 75 năm qua.
Trước hết, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, tuân thủ sự lãnh đạo và toàn diện của Đảng; tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng; thượng tôn pháp luật và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc tư pháp đã được Hiến định.
“Mỗi phán quyết của tòa án có tác động trực tiếp đến quyền thiêng liêng cơ bản nhất của con người, quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, quyền sở hữu và thậm chí cả quyền sống, tác động đến trật tự an toàn xã hội”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, quá trình hoạt động phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, bảo vệ nhân dân. “Bản chất xét xử công khai minh bạch chính là cơ chế để nhân dân tiếp cận thông tin và kiểm soát các quá trình tố tụng”, ông nói.
Cùng với đó, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ có chức danh tư pháp. Mỗi thẩm phán, cán bộ tòa án phải giữ cho mình bản lĩnh và phẩm chất của người “cầm cân nảy mực”, tấm gương về sự thanh liêm và chính trực; đổi mới sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, không ngừng hoàn thiện tổ chức bộ máy phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tại đại hội, vị thẩm phán ở Đắk Lắk có cuộc hội nghị đầy xúc động với bị cáo trong “án lệ số 28” về tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, hay cả khán phòng lặng đi trước câu chuyện về nữ thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan (ở Hà Nội) bị tạt axit khiến khuôn mặt bị biến dạng.
Sau vụ việc, có người hỏi chị nếu thời gian quay trở lại có nhận xét xử vụ này không? Chị quả quyết: “Tôi không có lý do để từ chối, vì tôi luôn nghĩ cái thiện sẽ chiến thắng cái ác”.
HÀ THANH/TTO