Tuyệt chiêu mua sắm ‘siêu tiết kiệm’ dịp Tết Nguyên đán
Tết Nhâm Dần 2022 đã cận kề, vậy tuyệt chiêu nào để người tiêu dùng mua sắm trực tiếp vừa thảnh thơi, vừa an toàn, tiết kiệm?
Bên cạnh nhu cầu mua sắm, vui chơi tăng cao trước thềm Tết Nguyên đán cũng là lúc ý thức mỗi người cần đặt ở cao độ để chung tay phòng chống dịch bệnh.
Niềm vui sắm Tết sẽ càng thêm vẹn tròn khi mọi người “nằm lòng” khuyến cáo 5K cùng với công nghệ thông tin; quét mã QR code tại các điểm mua, bán; kiểm soát lượng người mua hàng (tại cùng một thời điểm, thông qua thẻ vào mua hàng).
Mua nhanh, sắm gọn
Nếu như những năm trước đây, thời điểm một tháng trước Tết luôn là khoảng thời gian nhu cầu mua sắm các mặt hàng Tết, tân trang nhà cửa, làm đẹp cho bản thân và gia đình tăng mạnh, thì năm nay, người dân đón Tết “bình thường mới” dè dặt và nhiều mối bận tâm hơn.
Chị Nguyễn Thị Lụa (Đống Đa, TP Hà Nội), nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ: “Năm nay Tết đến sớm nhưng mình vẫn chưa bắt đầu sắm Tết vì còn chờ lương thưởng để cân đối chi tiêu. Rút kinh nghiệm từ năm trước, mình dự định sẽ hạn chế mua sắm vì dịch bệnh nên Tết cũng tối giản đi nhiều”.
Tâm lý của chị Lụa cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều người tiêu dùng hiện nay. Thu nhập giảm hơn so với mọi năm khiến người dân cân nhắc kỹ càng hơn trước mỗi khoản mua sắm cho dịp Tết.
Đứng đầu danh sách sắm Tết chắc chắn vẫn là thực phẩm với tiêu chí “3 có”: có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm định chặt chẽ, có uy tín.
Thời điểm này, các chuỗi siêu thị đã cho lên kệ hàng chục nghìn mặt hàng Tết tươi ngon với mức giá hợp lý. Đặc biệt, các sản phẩm đặc sản Tết truyền thống đều đã “cập bến” siêu thị như: bánh chưng, giò thủ, giò lụa, dưa góp, khô bò và đa dạng các đặc sản vùng miền.
Bên cạnh thực phẩm thiết yếu thì các sản phẩm gia dụng, nội thất cũng không thể thiếu để tân trang nhà cửa thêm lung linh.
Với các gia đình trẻ bận rộn thích phong cách sắm Tết nhanh – gọn – nhẹ, các giỏ quà Tết được kết hợp sẵn là lựa chọn hàng đầu.
Thống kê từ Kantar WorldPanel, quà biếu Tết 2022 cũng chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong quan điểm tiêu dùng của thị trường Việt Nam: Ưu tiên những món quà Tết thiết thực, có giá trị sử dụng cao, thiên hướng chăm sóc sức khỏe. Các món quà được ưu tiên lựa chọn nhất cho Tết 2022 cũng là những mặt hàng mà các nhà bán lẻ cần chuẩn bị sẵn sàng bao gồm: Bánh quy, mứt kẹo, giỏ quà, quần áo, giày dép, trang sức…
Thấu hiểu nhu cầu này, nhiều thương hiệu lớn về thực phẩm, bánh kẹo đã cho ra mắt những bộ quà Tết hướng đến yếu tố “khỏe”, với các thông điệp như lời cảm ơn cũng như lời chúc sức khỏe ý nghĩa đầu năm gửi đến người được tặng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm xanh, tái tạo năng lượng cũng ngày càng được đánh giá cao.
Siêu tiết kiệm từ “cú hích” chương trình khuyến mãi
Nhanh chóng bắt kịp những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng cận Tết hiện nay, các thương hiệu lớn, các kênh bán lẻ trực tiếp đã tung ra nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi, giảm giá, nhằm mang đến lợi ích và sự tiện lợi tối đa cho khách hàng.
Điều này không những thúc đẩy hiệu quả kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện cho người tiêu dùng tăng cường mua sắm nhưng vẫn tiết kiệm được chi tiêu trong tình hình khó khăn do dịch bệnh hiện tại.
Trong thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tới gần, dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát, nhưng ở Vũng Tàu, dưới sự chỉ đạo toàn diện của chính quyền thành phố, kết hợp với sự chuẩn bị chu đáo của các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn, người tiêu dùng vẫn có thể yên tâm mua sắm.
Theo bà Trần Thị Ngọc Liễu, Phó Giám đốc một siêu thị lớn tại TP Vũng Tàu, để chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm tăng vọt trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới, ngay từ thời điểm hiện tại, siêu thị đã gia tăng lượng trữ hàng hoá tới 20% so với Tết 2021. Hàng đã được nhập về kho, giá cả bình ổn, có một số mặt hàng giảm giá so với năm ngoái.
Bà Liễu chia sẻ, ngoài việc trữ thêm hàng hoá, quầy dịch vụ khách hàng cũng đã triển khai nhiều hoạt động khuyến mãi, các chương trình khuyến khích tiêu dùng như tặng voucher, giảm giá sản phẩm… Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng cho việc mua sắm trực tiếp thời “bình thường mới”.
Một góc nhìn khác, đại diện một siêu thị tại Cầu Giấy (TP.Hà Nội) cho biết, hưởng ứng Tháng Khuyến mãi tập trung năm 2021, siêu thị áp dụng nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng lớn.
Trong đó, triển khai chương trình Clearance Sale giảm giá nhiều mặt hàng gia dụng đến 70%; chương trình Hàng Việt Nam chất lượng giá ưu đãi với nhiều mặt hàng giảm giá khoảng 30%, tập trung vào vào các sản phẩm thực phẩm đóng gói, hàng gia dụng; chương trình sản phẩm bán chạy giá sốc…
Không chỉ các kênh bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại mà nhiều chuỗi cửa hàng sản phẩm công nghệ, thiết bị di động cũng triển khai các chương khuyến mãi lớn vào dịp cuối năm.
Ông Vũ Văn Đức, Phó giám đốc hệ thống chuỗi cửa hàng bán sản phẩm công nghệ tại Đồng Nai chia sẻ, dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm các thiết bị công nghệ, điện thoại di động tăng cao, trong nhiều đợt cao điểm từ tháng 10/2021 đến nay, nhu cầu đặt hàng tăng khoảng 40% so với thời điểm trước đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.
Hiện nay, tại các cửa hàng trong hệ thống, các dòng điện thoại thông minh dồi dào về nguồn hàng, đa dạng mức giá với nhiều mẫu mã, kiểu dáng mới. Các dòng máy tính bảng cũng được khá nhiều khách hàng lựa chọn vào dịp này…
Ngoài săn hàng khuyến mãi, việc tự làm đồ Tết, cất bớt tiền ở nhà khi đi mua sắm… cũng là những mẹo nhỏ nhưng “có võ” của các bà nội trợ thông thái mỗi dịp Tết đến xuân về. Đôi khi, chính những điều nhỏ bé mà ít ai để ý lại trở thành “tuyệt chiêu tiết kiệm” thời điểm cuối năm này.
Yến Phi