Tuyển Việt Nam và tuyển Thái Lan sẽ tạo nên trận bán kết “nghẹt thở”
Tuyển Thái Lan và Việt Nam đang là 2 đội mạnh nhất Đông Nam Á lúc này. Cuộc đối đầu giữa họ không khác gì trận chung kết sớm của AFF Cup 2020.
Chuyên gia Tôi có đôi chút thất vọng khi tuyển Việt Nam và Thái Lan phải gặp nhau ở bán kết. Họ là 2 đội tuyển mạnh nhất khu vực lúc này. Món ngon phải được ăn ở trận chung kết, nhưng không ai nghĩ Malaysia sẽ thua đậm Indonesia đến 1-4. Đó là tỷ số kỳ quặc.
Hàng thủ là điểm tựa của tuyển Việt Nam
Không ai có thể trách HLV Park Hang-seo và các học trò vì việc họ chỉ xếp nhì bảng B, để rồi đụng Thái Lan ở bán kết. Kể từ đầu giải đến nay, tuyển Việt Nam chưa để thủng lưới lần nào.
Tuyển Việt Nam và Thái Lan lúc này ở 2 giai đoạn phát triển khác nhau. Việt Nam giàu kinh nghiệm và sẽ thi đấu chắc chắn hơn sau một loạt trận đấu ở vòng loại thứ ba World Cup 2022.
Các cầu thủ Việt Nam có nhiều bài học kinh nghiệm sau những bàn thua hay sai lầm vì mất tập trung khi đối đầu các đội bóng mạnh nhất châu lục như Nhật Bản, Australia hay Trung Quốc.
Chúng ta cần nhớ các trận đấu ở AFF Cup 2020 ở đẳng cấp thấp hơn nhiều so với vòng loại thứ ba World Cup 2022. Trở về thi đấu ở khu vực lần này, tuyển Việt Nam có tâm thế khác hoàn toàn lúc trước.
Với tuyển Thái Lan, họ phải xây dựng mọi thứ lại từ đầu sau khi HLV Akira Nishino rời đi. Người thay thế chiến lược gia từ Nhật Bản, ông Mano Polking, là HLV xuất sắc.
Ông Polking đến Thái Lan lần đầu cách đây 10 năm trước khi làm trợ lý cho Winfried Schafer ở ĐTQG. Sau khi Schafer rời đi, Polking ở lại làm HLV cho Bangkok Utd và có giai đoạn thành công.
Tuyển Thái Lan hiện tại có HLV ngoại am hiểu văn hóa và môi trường bóng đá của họ. Các cầu thủ Thái Lan tôn trọng Polking và ông thổi vào đội bóng luồng sinh khí mới. Tại AFF Cup 2020, áp lực cho tuyển Thái Lan là khá lớn. Mục tiêu của họ là vô địch sau giai đoạn thất bại vừa qua.
Nếu nhìn vào danh sách cầu thủ Thái Lan dự giải lần này, chúng ta có thể thấy “Voi chiến” gọi những con người tốt nhất. Những cựu binh và các ngôi sao đang ở đỉnh cao sự nghiệp giúp tuyển Thái Lan đặt tham vọng vô địch.
Tuyển Việt Nam là đối thủ đáng ngại nhất của Thái Lan lúc này. “Voi chiến” sở hữu nhiều cầu thủ giỏi, dày dặn kinh nghiệm. Nhưng các cầu thủ Việt Nam chơi ăn ý với nhau nhiều năm và khả năng phòng ngự là điểm tựa lớn cho họ ở các trận đấu knock-out.
Niềm hy vọng của tuyển Thái Lan
Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan và Chanathip Songkrasin là 3 ngôi sao đẳng cấp của bóng đá Thái Lan lúc này. Thậm chí, có thể coi là họ ngôi sao đẳng cấp nhất của bóng đá Đông Nam Á hiện tại.
Họ đã làm điều mà những cầu thủ giỏi phải làm, đó là ra nước ngoài thi đấu, vượt qua “vùng an toàn” của bản thân. Điều đó khiến họ tiến bộ và đạt đến đẳng cấp khác, về cả khía cạnh chuyên môn lẫn tinh thần.
Tôi đã nói nhiều về việc các cầu thủ Việt Nam phải cố gắng thoát khỏi môi trường V.League. Hãy ra nước ngoài thi đấu, đến những giải VĐQG ở đẳng cấp cao hơn.
Tôi từng huấn luyện Teerasil và Theerathon, và giúp họ có màn ra mắt ĐTQG Thái Lan. Teerasil là tiền đạo đẳng cấp và nếu may mắn hơn, cậu ấy có thể thi đấu lâu hơn tại châu Âu. Dangda chỉ đá vài trận ở Tây Ban Nha (trong màu áo Almeria – PV), vì cậu ấy không nhận được sự hỗ trợ đủ lớn khi phải chơi ở giải đấu khác hoàn toàn.
Dangda chơi đầu giỏi, có thể dứt điểm tốt bằng cả hai chân và di chuyển thông minh. Cậu ấy cũng đóng góp nhiều vào lối chơi của cả đội. Theerathon lại là trường hợp khác. Cậu ấy có cá tính phức tạp, thích nổi loạn.
Nhưng sau 4 năm thi đấu ở Nhật Bản, Theerathon giờ trưởng thành hơn về cả chuyên môn lẫn tính cách. Cách chơi của cậu ấy bây giờ giống hậu vệ trái Andy Robertson của Liverpool.
Ngoài ba cái tên kể trên, Sarach Vooyen cũng là cầu thủ đáng xem khác của tuyển Thái Lan. Tần suất hoạt động liên tục của Vooyen ở trung tuyến giúp Chanathip chơi tự do hơn.
Tuyển Thái Lan gọi nhiều cựu binh tham dự AFF Cup 2020 lần này. Nhưng với bóng đá Việt Nam, giải đấu này lại là câu chuyện khác người Thái. Tôi cảm thấy tiếc vì HLV Park Hang-seo không thể thử nghiệm nhiều cầu thủ trẻ hay những nhân tố mới ở AFF Cup 2020.
Mục tiêu của bóng đá Việt Nam bây giờ nên là Asian Cup hay vòng loại World Cup 2026. Họ không nhất thiết quá tập trung vào AFF Cup. Tuy nhiên, áp lực từ dư luận và đội ngũ lãnh đạo chắc chắn khiến HLV Park phải sử dụng những con người tốt nhất.
Chờ kịch bản điên rồ
Tuyển Việt Nam và Thái Lan lúc này không chênh lệch nhau nhiều về trình độ. Cộng với thể thức của AFF Cup 2020, khi ban tổ chức không áp dụng luật bàn thắng trên sân khách khiến mọi thứ trở nên cân bằng và khó đoán hơn.
Cả hai đội nhiều khả năng chơi thận trọng và kịch bản điên rồ có thể xảy ra, đó là tuyển Việt Nam và Thái Lan sẽ phải giải quyết nhau trên chấm luân lưu. Với trình độ hiện tại của hai đội, khả năng đó rất dễ xảy ra.
Tất nhiên, chỉ sau khi trận bán kết lượt đi giữa Thái Lan và Việt Nam kết thúc, chúng ta mới có thể nhìn nhận rõ hơn về cơ hội vào chung kết của hai đội. Đây sẽ cặp đấu mà cả bóng đá Đông Nam Á chờ đợi.
Những chi tiết nhỏ có thể định đoạt trận đấu. Tuyển Thái Lan có những nhân tố xuất sắc và dày dặn kinh nghiệm, nhưng tuyển Việt Nam là đội bóng được tổ chức tốt, chơi phản công sắc sảo và cực kỳ kỷ luật.
Ông Steve Darby từng là cựu HLV tuyển nữ Việt Nam giành HCV tại SEA Games 2001. Sau đó, nhà cầm quân người Anh dẫn dắt tuyển bóng đá nam Thái Lan, U23 Thái Lan, Lào.
Steve Darby