‘Tuyến đường cao tốc’ đưa Việt Nam kết nối với thế giới
Những đích đến mới cho nền kinh tế Việt Nam đã được đặt ra, thể hiện khát vọng của người dân Việt Nam vì một Việt Nam thịnh vượng, một đất nước hùng cường.
Khát vọng Việt Nam thịnh vượng
Hơn 30 năm kể từ ngày đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã tiến một bước dài trên con đường phát triển kinh tế xã hội. Từ một đất nước thiếu ăn, nghèo đói, Việt Nam đã vươn lên thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Một vài thước đo kinh tế xã hội mà Việt Nam đạt được khiến thế giới xem như một tấm gương vượt khó. Đơn cử, tỷ lệ đói nghèo liên tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018 cũng ghi nhận hiện 70% người dân Việt Nam được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Các tầng lớp này thu nhập đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010-2017.
Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu, điều này cho thấy các hộ gia đình đang tiếp tục leo lên bậc thang kinh tế cao hơn sau khi thoát nghèo.
Đồng hành cùng Việt Nam trong suốt quá trình mở cửa đất nước, Ngân hàng Thế giới đã không ít lần ngỡ ngàng và ấn tượng trước nỗ lực “thoát nghèo” của Việt Nam. Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, đã phải nhấn mạnh rằng: “Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ nghèo trong các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm là kết quả rất đáng khích lệ, và những nỗ lực tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số có thể gia tăng cơ hội cho những nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài”.
Việt Nam dần thoát nghèo, đó là thực tế. Cơ sở hạ tầng của đất nước cũng ngày càng khang trang. Những tuyến đường cao tốc đang đưa Việt Nam đi nhanh hơn, xa hơn. Đó không chỉ là những tuyến đường cao tốc dành cho phương tiện giao thông như cách nhiều người nhìn nhận, mà đó là những “tuyến đường cao tốc” đưa Việt Nam kết nối với thế giới. Đó là từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói tới trong ngày Hiệp định thương mại tự do Việt Nam Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết.
Hàng chục Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đưa nền kinh tế Việt Nam gần hơn với thị trường thế giới. Hàng hóa Việt Nam đi khắp 5 châu, len lỏi vào cả những thị trường khó tính nhất với kim ngạch xuất khẩu ngày càng ấn tượng. Việt Nam đã trở thành bạn hàng không thể thiếu của biết bao cường quốc, vị thế Việt Nam được nâng lên tầm cao mới. Hàng tỷ người đã dùng những sản phẩm “made in Vietnam”.
Quy mô xuất nhập khẩu của nền kinh tế đã vượt 500 tỷ USD, năm sau cao hơn năm trước. Nhiều cột mốc mới được thiết lập là minh chứng cho chính sách mở cửa, hội nhập nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Hàng triệu công ăn việc làm được tạo ra, hàng trăm nghìn tỷ đồng đóng góp vào ngân sách quốc gia.
Mỗi năm, nền kinh tế được bổ sung thêm cả trăm nghìn doanh nghiệp, đưa số doanh nghiệp trong nền kinh tế lên hơn 700 nghìn. Số doanh nghiệp sẽ còn tăng mạnh nếu như những nút thắt về môi trường kinh doanh được tháo gỡ.
Trong quá trình vươn lên thoát nghèo, những chao đảo của nền kinh tế toàn cầu có lúc giáng đòn đau vào nền kinh tế Việt Nam. Nhưng suốt thập niên qua, chúng ta đã không đi vào “vết xe đổ” của giai đoạn 2008-2009, mà từng bước khắc phục các khiếm khuyết để đi lên. Kết quả tăng trưởng GDP từ 2011 đến nay cho thấy điều đó. Trong 2 năm 2018, 2019, tăng trưởng GDP đã cán mốc trên 7% con số chưa bao giờ đạt được kể từ 2008.
browser not support iframe.Thành tích ấy càng đáng ghi nhận hơn khi đây cũng là giai đoạn kinh tế thế giới đứng trước nhiều bất trắc và đầy rủi ro, nổi lên là chiến tranh thương mại Mỹ Trung, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy…
Vươn lên thành nước giàu
Nhưng chúng ta mới chỉ thoát nghèo, chưa giàu được. GDP trên 7% là chưa đủ để Việt Nam “hóa rồng, hóa hổ”.
GDP bình quân đầu người Việt Nam mới đạt xấp xỉ 2.600 USD, thua kém rất nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng không ít lần đưa ra con số so sánh: So với một số nước trong khu vực, quy mô kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn. Đơn cử, năm 2017, quy mô kinh tế Indonesia gấp 4,5 lần; Malaysia gấp 1,4 lần hay Hàn Quốc gấp 6,8 lần Việt Nam.
“Việt Nam vẫn đang thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, xếp thứ 136/168 nước. GDP bình quân đầu người chỉ ngang mức của Malaysia cách đây 20 năm, Thái Lan 15 năm hay Indonesia 10 năm trước”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá thực tế.
Vậy nên, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đạt mức thu nhập khoảng 10.000 USD/người vào năm 2035 và đó là con số không dễ gì đạt được.
Không dễ, nhưng không phải là không thể. Vậy nên mục tiêu Việt Nam thịnh vượng, đất nước hùng cường được đưa ra. Đó cũng là khát vọng của mỗi người dân Việt. Mục tiêu thịnh vượng vào 2045 có đạt được hay không nằm ở chính hành động của chúng ta ngày hôm nay.
Sẽ không thể có Việt Nam thịnh vượng nếu năng lực cạnh tranh quốc gia vẫn chỉ đứng thứ 7, thua xa Thái Lan, Malaysia và Singapore. Còn môi trường kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới vẫn đứng ở vị trí thứ 5, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei.
Đất nước không thể hùng cường nếu còn những đại án chục ngàn tỷ, tiền thuế của dân bị chi tiêu tùy tiện như từng xảy ra. Và đất nước cũng không thể thịnh vượng nếu thiếu đi các doanh nghiệp, tập đoàn làm ăn chân chính, kinh doanh liêm chính. Không thể dựa vào những doanh nghiệp “lấy hàng Tàu đội lốt hàng Việt”, lừa dối khách hàng bằng những “quái chiêu” kinh doanh… để dựng xây đất nước.
Rõ ràng, còn rất nhiều việc để mục tiêu 10.000 USD/người vào năm 2035 thành hiện thực, xa hơn là Việt Nam thịnh vượng vào 2045. Nếu không bắt tay làm quyết liệt từ bây giờ, Việt Nam sẽ vướng bẫy thu nhập trung bình, tụt hậu so với thế giới.
Hà Duy/ VNN