Tuyên chiến với tin giả về nCoV
Cùng với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, Trung Quốc và thế giới còn đang phải chống chọi với một thứ “dịch bệnh” nguy hiểm khác đang lây lan chủ yếu trong môi trường mạng xã hội, đó là nạn tin giả về nCoV.
Xử nghiêm việc đưa thông tin nhiễu loạn gây hoang mang
Dịch bệnh do nCoV gây ra tiếp tục diễn biến nhanh và phức tạp tại Trung Quốc và nhiều nơi khác trên thế giới. Số liệu mới nhất cho thấy, số ca nhiễm đã tăng lên 28.334 người tính tới 16h ngày 6-2, trong đó có 565 người tử vong (563 người ở lục địa Trung Quốc). Chỉ riêng tại tỉnh Hồ Bắc đã có thêm 70 trường hợp tử vong và phát hiện thêm 2.987 ca nhiễm mới trong 24h qua, nâng tổng ca nhiễm tại “tâm dịch” này lên con số 19.665. Không chỉ phải gồng mình “chiến đấu” với dịch bệnh, Trung Quốc còn phải chống chọi với nạn tin giả, thông tin sai lệch… làm nhiễu loạn, hoang mang trong người dân.
Trong bối cảnh tất cả đang nỗ lực cao độ chống dịch bệnh, Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) cùng các cơ quan quản lý Internet tại địa phương của nước này đã xử phạt nhiều trang web, tài khoản mạng xã hội và ứng dụng di động đăng các nội dung sai lệch về dịch bệnh. Một ứng dụng điện thoại di động trong kho ứng dụng đã bị xóa ngày 5-2 do đăng tải những video gây tâm lý hoang mang cho người dân, một số chủ tài khoản mạng xã hội đã bị xử phạt do phát tán tin giả về dịch bệnh…
Quản lý nhiều trang web, trong đó có “ông lớn” Baidu, cũng đã bị triệu tập do không xử lý những nội dung sai lệch về dịch bệnh nCoV mà người dùng đăng tải. CAC tuyên bố tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các cơ quan giám sát mạng cấp tỉnh, đồng thời hối thúc cơ quan hữu quan và nền tảng trực tuyến cùng chia sẻ trách nhiệm trong cuộc chiến chống dịch bệnh nguy hiểm hiện nay.
Bộ Công an Trung Quốc (MPS) và chính quyền địa phương các cấp cũng đã gia tăng việc trấn áp các tội ác liên quan đến virus Corona để đảm bảo sự ổn định xã hội. Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Trí yêu cầu, các cơ quan an ninh công cộng điều tra những hoạt động phi pháp và tội phạm gây rắc rối, phá hoại trật tự xã hội, đồng thời kiên quyết bảo vệ an ninh chính trị quốc gia trong khi dịch bệnh đang diễn tiếp phức tạp.
Thế giới cùng vào cuộc chống tin giả
Cùng với sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của dịch nCoV, không chỉ ở Trung Quốc mà ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác, truyền thông thế giới cũng đã vào cuộc để chống thông tin sai sự thực, tin giả về dịch bệnh vốn xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông xã hội, làm gia tăng tâm lý sợ hãi, hoang mang. Trong nỗ lực chống nạn tin giả, các hãng truyền thông tại nhiều quốc gia trên thế giới đã đăng tải những thông tin đáng tin cậy, chính thống, nhằm dập tắt những đồn đoán và thông tin gây nhiễu để cung cấp cho dư luận một bức tranh thực tế về dịch bệnh, giúp giải tỏa những lo lắng trong cộng đồng.
Người dẫn chương trình truyền thanh Hal Turner của Mỹ đã phóng đại thông tin về số ca tử vong và nhiễm bệnh do virus nCoV gây ra khi tung một bài viết lên trang cá nhân rằng 112.000 người tử vong và 2,8 triệu người nhiễm chủng virus Corona mới. Tuy nhiên, thông tin này ngay sau đó đã bị cơ quan chuyên kiểm duyệt thông số Lead Stories, hợp tác với mạng xã hội Facebook, khẳng định là tin giả mạo.
Một thông tin gây chấn động và lan truyền “còn nhanh hơn virus 2019-nCoV trên toàn cầu” là việc tờ Washington Times (Mỹ) ngày 26-1 (dẫn lời cựu nhân viên tình báo quân sự của Israel là Dany Shoham) đăng tải một thông tin hoàn toàn vô căn cứ là “virus Corona có thể có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, liên quan tới một chương trình phát triển vũ khí sinh học bí mật của Trung Quốc”. Tuy nhiên, Tạp chí Foreign Policy đã ngay lập tức khẳng định, bản thân quan chức tình báo Dany Shoham tuyên bố chưa bao giờ đồng tình với nội dung mà tờ Washington Times đăng tải, trong khi BBC cũng đưa tin không có bằng chứng nào xác thực cho tuyên bố trên.
Mạng xã hội Facebook đang tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn những thông tin giả hoặc bóp méo sự thật về dịch bệnh nCoV đang lan truyền trên nền tảng này cũng như ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram. “Ông lớn” mạng xã hội này cho biết, họ sẽ hạn chế những thông tin sai sự thật về virus Corona trên Facebook và Instagram, đồng thời cung cấp cho người dùng thông tin chính xác về chủng virus nguy hiểm này từ các cơ quan y tế quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các bên thứ ba kiểm chứng thông tin trên toàn cầu.
Chính phủ Thái Lan ngày 6-2 cũng đã thành lập Trung tâm Chống tin giả để phối hợp với cảnh sát phát hiện, truy tìm, bắt giữ các đối tượng tung tin giả trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác về dịch nCoV. Tới nay, nhà chức trách Thái Lan đã bắt giữ 6 đối tượng đăng tải trên Facebook cá nhân những thông tin thất thiệt về dịch bệnh nCoV tại nước này. Tại Indonesia, cảnh sát đã bắt giữ 2 phụ nữ với cáo buộc đăng lên mạng những thông tin giả mạo về nCoV, nếu bị kết tội họ có thể phải chịu án 3 năm tù.
Có thể thấy, thế giới đang vào cuộc không kém phần quyết liệt để chống lại “dịch” tin giả về nCoV.
PV/ANTĐ